10/12/2009 - 20:42

TP Cần Thơ hướng đến vai trò trung tâm TM-DV của vùng ĐBSCL

Cần bước đột phá

Thời gian qua, lĩnh vực thương mại-dịch vụ (TM-DV) của TP Cần Thơ có bước phát triển đáng kể, thể hiện ngày càng rõ nét vai trò trung tâm, động lực phát triển TM-DV của vùng Đồng bằng sông Cửu long (ĐBSCL). Theo Sở Công thương thành phố, kết quả này đã thể hiện đúng theo mục tiêu chung của “Chương trình phát triển TM-DV TP Cần Thơ giai đoạn 2006-2010 và tầm nhìn đến năm 2020” được UBND TP Cần Thơ phê duyệt vào ngày 3-6-2008. Song, để thật sự xứng đáng với vai trò trung tâm TM-DV của vùng theo Nghị quyết 45-NQ/TW của Bộ Chính trị, từ nay đến năm 2020, TP Cần Thơ cần có những hướng đi cụ thể …

* NHỮNG CHUYỂN BIẾN TÍCH CỰC

Theo Sở Công thương TP Cần Thơ, hoạt động TM-DV của thành phố trong những năm qua có bước phát triển tích cực. Hệ thống chợ, siêu thị, kho chứa hàng và các cửa hàng kinh doanh trên địa bàn có bước phát triển đa dạng, quy mô kinh doanh và cơ sở vật chất, trang thiết bị được đầu tư, mở rộng. Hiện nay, thành phố có 1 trung tâm bán buôn là siêu thị Metro; 7 siêu thị bán lẻ và khu mua sắm đang hoạt động có hiệu quả như: Co.opMart, Citimart, Maximark, Vinatex, siêu thị điện máy BestCarings, siêu thị Chợ Lớn, Khu mua sắm Đệ Nhất Phan Khang...

 TP Cần Thơ hiện có 49 ngân hàng, chi nhánh ngân hàng và tổ chức tín dụng, với khoảng 165 phòng giao dịch.

Theo thống kê của Sở Công thương TP Cần Thơ, tổng mức hàng hóa bán ra và doanh thu dịch vụ giai đoạn 2006-2009 tăng khá cao. Nếu như năm 2005 trị giá hàng hóa bán ra và doanh thu dịch vụ của thành phố đạt 21.087 tỉ đồng, thì năm 2006 đạt 26.519 tỉ đồng, năm 2007 đạt 34.071 tỉ đồng, năm 2008 đạt 37.394 tỉ đồng và dự kiến năm 2009 đạt 54.144 tỉ đồng, tăng 2,5 lần so với năm 2005. Tính chung, trong 4 năm 2006-2009 tổng mức hàng hóa bán ra và doanh thu dịch vụ đạt 152.128 tỉ đồng, tốc độ tăng bình quân là 26,59%/năm, tăng gấp 2 lần so với thời kỳ 2001-2005. Tính chung 4 năm 2006-2009 tổng mức hàng hóa bán lẻ và doanh thu dịch vụ đạt 73.638 tỉ đồng, tốc độ tăng bình quân là 19,22%/năm, tăng 3,2%/năm so với thời kỳ 2001-2005.

Thị trường xuất khẩu của TP Cần Thơ đã không ngừng được mở rộng trong 4 năm qua (2006-2009). Hiện TP Cần Thơ đã có quan hệ xuất khẩu với trên 97 quốc gia và vùng lãnh thổ trên thế giới, tăng 19 thị trường so với năm 2005. Trong đó, hiện thị trường xuất khẩu chủ yếu của thành phố là châu Á(chiếm 40-50%) như các nước trong khối ASEAN, Nhật, Trung Quốc, Đài Loan; kế đến là thị trường châu Âu chiếm 15-20%, phần còn lại là thị trường châu Mỹ, châu Phi... Ngoài những mặt hàng xuất khẩu chủ lực truyền thống là thủy sản, nông sản (gạo, rau quả, nấm rơm...), gần đây đã có thêm một số mặt hàng mới của ngành công nghiệp cơ khí, hóa chất, dược phẩm, nhựa, cao su. Kim ngạch xuất khẩu hàng hóa và doanh thu dịch vụ trong 3 năm 2006-2008 tăng liên tục. Từ ở mức 477 triệu USD vào năm 2006 đến năm 2008 đạt 918 triệu USD. Riêng năm 2009, do ảnh hưởng của suy thoái kinh tế thế giới, kim ngạch xuất khẩu hàng hóa và doanh thu dịch dự kiến chỉ đạt 844 triệu USD. Tính chung, xuất khẩu hàng hóa trong 4 năm (2006-2009) đạt hơn 2.720 triệu USD, tốc độ tăng bình quân 23,65%/năm, tăng hơn 6%/năm so thời kỳ 2001-2005. Riêng nhập khẩu hàng hóa (2006-2009) dự kiến đạt 1.738 triệu USD, tốc độ tăng bình quân 15,65%/năm, giảm hơn 9%/năm so với thời kỳ 2001-2005.

Tuy nhiên, TM-DV của thành phố trong thời gian qua có bước phát triển nhưng vẫn còn bộc lộ những hạn chế và yếu kém. Đó là chất lượng phát triển, các chỉ tiêu về GDP, xuất nhập khẩu tính trên đầu người còn thấp so với một số thành phố và tỉnh khác. Khả năng cạnh tranh của nhiều sản phẩm hàng hóa của TP Cần Thơ trên thị trường trong nước và quốc tế còn yếu. Các ngành dịch vụ có giá trị gia tăng lớn chậm phát triển. Đặc biệt, tuy đóng vai trò trung tâm nhưng sức lan tỏa và thu hút đầu tư của TP Cần Thơ đối với các tỉnh trong vùng còn hạn chế. TP Cần Thơ chưa thể hiện thật rõ nét vai trò “đầu tàu” kinh tế và TM-DV của vùng ĐBSCL.

* CẦN CÓ SỰ ĐỘT PHÁ

Thời gian qua, nhiều công trình và dự án phát triển TM-DV mang tính trọng điểm của TP Cần Thơ còn thực hiện chậm. Cụ thể, TP Cần Thơ chưa xây dựng xong các chợ đầu mối (như chợ chuyên doanh lúa gạo cấp khu vực , chợ đầu mối kinh doanh thủy sản), dù các dự án này đã được triển khai khá lâu. Mặt khác, thành phố chưa xây dựng được trung tâm thương mại và trung tâm thông tin thương mại cấp vùng. Trong khi đó, thành phố còn thiếu các định hướng cụ thể, cũng như các mục tiêu và bước đi cụ thể cho việc phát triển TM-DV của thành phố trong mối quan hệ gắn kết với các tỉnh vùng ĐBSCL. Đặc biệt là việc xác định rõ các thế mạnh và các hoạt động TM-DV trọng điểm, có giá trị gia tăng cao, có sức hút đối với các tỉnh trong vùng, cần tập trung phát triển bằng những định hướng và hướng đi cụ thể...

Mới đây, tại Hội nghị sơ kết tình hình thực hiện “Chương trình phát triển thương mại-dịch vụ (TM-DV) TP Cần Thơ giai đoạn 2006-2010 và tầm nhìn đến năm 2020” do Sở Công thương TP Cần Thơ tổ chức, Chủ tịch UBND TP Cần Thơ Trần Thanh Mẫn đánh giá: Việc phát triển TM-DV của thành phố gần đây có nhiều chuyển biến tích cực. So với các tỉnh trong khu vực, TP Cần Thơ đang đứng đầu trong nhiều hoạt động TM-DV như: xuất khẩu, dịch vụ tài chính ngân hàng, đào tạo nguồn nhân lực... Tuy nhiên, để đáp ứng là một thành phố có vai trò trung tâm động lực phát triển TM-DV của vùng ĐBSCL thì từ nay đến 2020, TP Cần Thơ phải phát triển mạnh TM-DV vụ hơn nữa. Sở Công thương thành phố, cùng các sở, ngành hữu quan cần có các định hướng và quy hoạch cụ thể cho việc phát triển TM-DV của thành phố cũng như các cơ chế liên kết với các tỉnh trong vùng. TP Cần Thơ cần xác định được các ngành mũi nhọn, sản phẩm chủ lực và làm tốt việc xây dựng thương hiệu sản phẩm. Liên kết với các tỉnh trong vùng để tổ chức, quy hoạch lại các nguồn nguyên liệu phục vụ chế biến xuất khẩu nhằm đưa hoạt động xuất khẩu đi vào ổn định, nâng cao giá trị hàng hóa, sản phẩm. Hình thành các chợ đầu mối, tiếp tục quy hoạch, đầu tư phát triển các siêu thị, trung tâm thương mại và chợ tại các huyện của thành phố. Chú ý phát triển các dịch vụ về khoa học, công nghệ (như công nghệ thông tin, công nghệ sinh học phục vụ cho nông nghiệp công nghệ cao), dịch vụ y tế (khám, chữa bệnh, nghỉ dưỡng), đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao, dịch vụ tài chính ngân hàng... Đồng thời, tiếp tục cải cách thủ tục hành chính, tạo thuận cho các doanh nghiệp tham gia đầu tư phát triển TM-DV.

Để TP Cần Thơ khẳng định vai trò trung tâm xuất khẩu, TM-DV của vùng ĐBSCL, rất cần vai trò của các nhà quản lý trong việc đề ra các sách lược phát triển cụ thể. Đồng thời, thành phố cần tạo điều kiện thuận lợi hơn để thu hút doanh nghiệp và các thành phần kinh tế tham gia đầu tư. Theo nhiều chuyên gia, TP Cần Thơ sẽ tạo được sức hút đối với các địa phương trong vùng nếu biết cách hỗ trợ và giúp cho vùng tạo ra được những hàng hóa chất lượng, có hàm lượng chất xám và giá trị gia tăng cao, có khả năng tranh cạnh ở thị trường trong nước và ngoài nước. Riêng về lĩnh vực dịch vụ, thành phố cần hình thành được các sản phẩm dịch vụ tốt, tối ưu, có khả năng cạnh tranh với các sản phẩm dịch vụ cùng loại ở các thành phố trực thuộc trung ương khác trong nước và các nước trên thế giới...

Bài, ảnh: KHÁNH TRUNG

Chia sẻ bài viết