29/01/2011 - 09:19

Cam go cuộc chiến chống cướp biển Somalie

Kỳ 2: NGÀY CÀNG “COI TRỜI BẰNG VUNG”

Thời gian qua, lý do chính hải quân các nước né tránh đánh trực diện vào tàu bị cướp là vì lo ngại cho an nguy của các con tin. Nắm bắt tâm lý này nên hải tặc Somalie ngày càng “làm mưa làm gió” bất chấp cộng đồng quốc tế tăng cường hàng loạt tàu chiến và máy bay không người lái tối tân trên vùng biển Ấn Độ Dương ngoài khơi bờ biển phía Đông châu Phi và Vịnh A-rập song song với triển khai nhiều chiến thuật đa dạng, kể cả đánh chìm tàu của bọn chúng.

Cướp biển Somalie ngày càng trang bị vũ khí hiện đại.  Ảnh: Reuters

Theo báo cáo mới đây của Cục Hàng hải Quốc tế (IMB), năm 2010 cướp biển Somalie bắt giữ số lượng con tin kỷ lục – 1.016 người, và hiện vẫn đang cầm giữ 32 tàu và 746 thuyền viên thuộc 70 quốc gia và vùng lãnh thổ. Chỉ riêng từ đầu năm đến nay, bọn chúng đã cướp thêm 8 tàu hàng, trong đó ngoài 2 tàu của Hàn Quốc và Malaysia vừa được giải cứu thành công hôm 21-1, còn có một tàu của Việt Nam (bị bắt hôm 17-1) và mới nhất là 1 tàu của Đức bị bắt hôm 22-1. Nếu tính từ năm 2008 đến nay, đã có gần 2.000 người trên thế giới trở thành nạn nhân của hải tặc Somalie và hàng trăm triệu USD tiền chuộc được cống nạp cho chúng.

Hiện nay, không chỉ trang bị vũ khí và công nghệ hiện đại với cả hệ thống định vị toàn cầu bằng vệ tinh, cướp biển Somalie còn tinh ranh hơn khi sử dụng “tàu mẹ” – tàu hàng lớn bị bọn chúng cướp – để tấn công “con mồi” mới. “Chúng tôi không thể tấn công tàu mẹ nếu không lên kế hoạch kỹ càng bởi hầu hết những người trên tàu đều là con tin”, Michiel Hijmans – chỉ huy lực lượng chống cướp biển của Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) – cho biết. Theo ông, việc sử dụng tàu mẹ mang đến cho hải tặc nhiều lợi thế: thứ nhất bọn chúng có thể hoạt động trên biển lâu ngày bởi có thể mang theo nhiều thực phẩm, nhiên liệu và vũ khí dự trữ hơn so với trước đây phải đi đi về về mỗi ngày bằng thuyền nhỏ. Thứ hai, việc sử dụng tàu lớn sẽ giúp hạn chế sự phụ thuộc vào điều kiện thời tiết – lâu nay hải tặc Somalie thường án binh bất động trong mùa mưa bão. Thứ ba, với tàu lớn không những chúng an toàn hơn mà còn có thể triển khai nhiều vũ khí hạng nặng để tấn công và đáp trả. Và trong trường hợp bị dồn đến đường cùng chúng sẽ dùng con tin trên tàu làm bia đỡ đạn. RiskIntelligence, một công ty tư vấn an ninh hàng hải ở Đan Mạch, cho biết cướp biển Somalie bắt đầu chuyển sang sử dụng tàu mẹ từ tháng 11-2010. Và tàu mẹ đầu tiên mà bọn chúng sử dụng là tàu MV Izumi của Nhật Bản bị cướp trước đó một tháng.

Sau vụ Hàn Quốc và Malaysia trấn áp bọn hải tặc Somalie, các chuyên gia an ninh hàng hải lo ngại nếu hải quân các nước chuyển sang sử dụng các biện pháp cứng rắn tương tự, bọn cướp biển lộng hành ở châu Phi có khả năng sẽ thay đổi chiến thuật và lợi dụng các con tin làm lá chắn sống. Hải quân Liên minh châu Âu (EU) – hiện có 4 tàu đang tuần tra ở ngoài khơi vùng Sừng châu Phi – cho biết họ sẽ không tấn công tàu bị cướp bởi hành động như vậy có thể đe dọa tính mạng của các con tin. Phát ngôn viên Wing Cmdr. Paddy O’Kenndy cho biết mỗi khi lực lượng hải quân EU tiến đến gần tàu bị cướp, hải tặc Somalie đều đe dọa sát hại các thủy thủ. Đó là chưa kể nguy cơ con tin bị trúng đạn khi hải quân và cướp biển sáp lá cà như trường hợp thuyền trưởng người Pháp Florent Lemacon hồi tháng 4-2009. Lemacon và 4 thủy thủ trên tàu bị hải tặc Somalie bắt làm con tin. Quân đội Pháp triển khai lực lượng giải cứu và Lemancon đã bị thiệt mạng khi lực lượng đặc công đấu súng với cướp biển. Kết quả điều tra sau đó kết luận Lemacon chết là do hứng trọn viên đạn của lính Pháp.

Theo O’Kennedy, để chấm dứt nạn cướp biển Somalie, giải pháp thật sự phải là tái lập nền hòa bình và ổn định trên đất liền bởi từ năm 1991 đến nay, Somalie chưa có một chính phủ chính thức và nhiều năm qua, quốc gia này luôn sống trong cảnh nồi da xáo thịt. Ý kiến của O’Kennedy cũng chính là quan điểm của NATO và Cục Hàng hải quốc tế (IMB). “Mọi biện pháp được triển khai trên biển nhằm hạn chế hoạt động của hải tặc khó có thể thực thi hiệu quả một khi đất nước Somalie – nơi hải tặc xuất phát và trở về với tàu bị cướp - vẫn còn trong tình trạng vô chính phủ”, IMB đã nhận định như thế trong báo cáo công bố hồi đầu tháng Giêng năm nay. Trong khi đó, Michiel Hijmans – chỉ huy lực lượng chống cướp biển của NATO – cho biết: “Tôi e là cuộc chiến chống hải tặc sẽ không thể giành thắng lợi cho đến khi Somalie có chính phủ ổn định”.

LONG CHÂU (Theo China Daily, AP, AFP)

Kỳ cuối: Thế giới sẽ mạnh tay với hải tặc Somalie

Chia sẻ bài viết