07/04/2011 - 21:02

Cái tên có quyết định cuộc đời ?

Từ xa xưa, ông bà ta quan niệm cái tên gắn liền với số phận. Gần đây, nhiều nghiên cứu về tâm lý xã hội kết luận danh tính của một người ít nhiều ảnh hưởng đến những quyết định hệ trọng của người đó như sống ở đâu, làm nghề gì hay kết hôn với ai. Theo một nghiên cứu tại Bỉ, chúng ta có khuynh hướng chọn nơi ở, công việc, bạn đời... có tên gần giống với tên mình.

Cái tên liệu có chi phối nghề nghiệp, bạn bè, gia đình, sức khỏe của bạn? Ảnh: Dreamstime.com 

Tuy nhiên, chuyên gia Uri Simonsohn thuộc Đại học Pennsylvania (Mỹ) đang khuấy động tranh cãi trong giới nghiên cứu khi đặt câu hỏi: tên gọi thật sự ảnh hưởng đến những quyết định quan trọng của chúng ta đến mức nào. Simonsohn đã thực hiện nghiên cứu dựa trên danh sách 438.000 người từng quyên tiền cho các chiến dịch vận động tranh cử ở Mỹ năm 2004. Mục tiêu của ông là nhằm xác định liệu người ta có chọn chỗ làm đơn giản vì công ty đó giống với tên mình hay không.

Sau khi chọn ra nhóm người làm việc tại các công ty có tên giống tên “cúng cơm” của họ hoặc tên những người thân trong gia đình họ, Simonsohn nhận thấy họ chủ yếu làm trong ngành luật và những công ty này do họ tự lập nên. Từ đó, ông cho rằng lấy quý danh mình đặt cho cơ nghiệp của mình là điều không có gì lạ lẫm. Simonsohn bác bỏ ý tưởng người ta thích đầu quân cho các công ty hay doanh nghiệp có tên giống với tên mình.

Tuy nhiên, kết luận của Simonsohn không nhận được sự đồng tình của Frederik Anseel, giáo sư Đại học Ghent, đồng tác giả của nghiên cứu tại Bỉ. Ông cho rằng không phải quan niệm của ông và các đồng nghiệp Bỉ là sai, mà đơn giản vì xã hội và văn hóa mỗi nước mỗi khác nhau, từ đó tạo nên sự khác biệt trong kết quả nghiên cứu. Theo ông, mối quan hệ giữa cái tên với chỗ làm đã được chứng minh ở một vài nước. Nghiên cứu do ông đồng thực hiện cũng khẳng định mối quan hệ đó.

Tương tự, Jean Twenge – giáo sư tâm lý tại Đại học San Diego (Mỹ) – cũng cho rằng kết quả nghiên cứu của Simonsohn chưa mang tính khách quan. Theo ông, nghiên cứu này không được thực hiện trên nhiều đối tượng trong xã hội mà chỉ nhắm vào những người từng quyên tiền cho các chiến dịch vận động tranh cử. Đối tượng này chắc chắn là người giàu và có khuynh hướng tự lập công ty.

Thực tế, vài nghiên cứu trước đây khẳng định tên một người chi phối đến quyết định chọn nghề của người đó. Ví dụ, theo Trung tâm thống kê ứng dụng của Đại học Columbia, nhiều nha sĩ có tên là Dennis (trong tiếng Anh, “dentist” nghĩa là nha sĩ). Tất nhiên, nghề nha sĩ chỉ chiếm một phần nhỏ trong nhóm những người tên Dennis.

Trong nghiên cứu mới công bố trên tạp chí Psychological Science (Khoa học Tâm lý), Simonsohn đã bác bỏ ý tưởng người ta chọn vợ chồng có tên hao hao tên mình. Simonsohn cho rằng sở dĩ vợ chồng có tên giống nhau vì đa số họ có cùng sắc tộc. Ông tin rằng người ta lấy nhau phải dựa trên nhiều yếu tố quan trọng khác nữa. Song, Simonsohn cũng không phủ nhận hoàn toàn những nghiên cứu trước đây. Ông cảm thấy thuyết phục nhất với ý tưởng của các nhà khoa học Đại học Michigan cho rằng các mạnh thường quân có khuynh hướng quyên nhiều tiền cho các nạn nhân bão lũ nếu cơn bão đó có tên gần giống tên họ. Ví dụ, người có tên Rachel sẽ hào phóng giúp đỡ cho nạn nhân bão Rita. Trường hợp khác, một phụ nữ ở Mỹ tên Katrina đã mở cửa hàng bán nước chanh để có tiền giúp nạn nhân bão Katrina. Tuy nhiên, Simonsohn cho rằng với những quyết định trọng đại hơn, người ta còn phải cân nhắc nhiều yếu tố.

BẢO NGỌC (Theo Live Science)

Chia sẻ bài viết