02/09/2024 - 07:55

Các vụ tấn công bạo lực và bài toán người nhập cư tại châu Âu 

Nước Ðức vừa chứng kiến thêm một vụ đâm dao nơi công cộng khiến nhiều người bị thương. Ðáng nói hung thủ là phụ nữ, 32 tuổi, dùng dao tấn công hành khách trên một chuyến xe buýt ở thị trấn Siegen, miền Tây nước Ðức. Ðây là vụ tấn công bằng dao gây thương vong thứ hai trong vòng 1 tuần qua tại Ðức, nối dài danh sách các vụ tấn công bạo lực nơi đông người xảy ra ở các nước châu Âu thời gian gần đây.

Lực lượng ủng hộ phe cực hữu ở Ðức. Ảnh: Getty Images

Ngoài vụ tấn công hôm 30-8 được xác định là không có dấu hiệu của khủng bố, các vụ việc trước đó đều có liên quan đến những đối tượng mang tư tưởng cực đoan. Ðáng chú ý, thông tin về nguồn gốc nhập cư của những kẻ thủ ác làm nóng trở lại những tranh cãi lâu nay về kiểm soát dòng người nhập cư, vốn đang tăng trở lại ở lục địa già. Cùng với việc các đảng cực hữu với tư tưởng chống nhập cư đang trỗi dậy mạnh mẽ tại các nước trong khu vực, những diễn biến mới một lần nữa đặt các chính phủ châu Âu trước bài toán đảm bảo an ninh, an sinh xã hội trong khi vẫn thực hiện các nghĩa vụ, trách nhiệm quốc tế.

Bạo loạn đường phố và chính trường dậy sóng       

Vụ đâm dao tại thị trấn Southport ở xứ England của Anh khiến 3 trẻ em thiệt mạng hồi cuối tháng 7 có thể coi là điểm bắt đầu của chuỗi các vụ bạo lực nghiêm trọng liên quan đến người nhập cư mới đây tại châu Âu. Từ những thông tin sai lệch về hung thủ, vụ việc đã kéo theo làn sóng bạo lực, bạo loạn từ cả hai phía chống và ủng hộ người nhập cư.

Trong vòng 1 tuần kể từ ngày 30-7, khoảng 60 cuộc biểu tình cực hữu và biểu tình phản đối cực hữu nổ ra tại hàng loạt thành phố lớn trên khắp nước Anh, với nhiều cuộc biến thành bạo loạn khi những kẻ quá khích tấn công cảnh sát, đốt phá các cơ sở lưu trú của người xin tị nạn, bao vây các đền thờ Hồi giáo và cướp phá cửa hàng. Hơn 100 cảnh sát bị thương và hơn 1.000 người bị bắt, trong đó 200 người đã ra hầu tòa và lĩnh án.

Bạo loạn tại Anh vừa lắng dịu, vụ đâm dao khiến 3 người thiệt mạng, 8 người bị thương trong lễ hội đường phố ở Solingen (Ðức) ngày 23-8 lại thổi bùng những ý kiến phản đối người nhập cư ở châu Âu, khi hung thủ được xác định là người Syria đã tuyên thệ trung thành với nhóm khủng bố Nhà nước Hồi giáo (IS) tự xưng. Hồi tháng 6, một cảnh sát Ðức cũng bị một người đàn ông Afghanistan giết chết tại thành phố Mannheim.

Ngay sau vụ tấn công ở Solingen, lãnh đạo phe đối lập trong Quốc hội Ðức, Friedrich Merz yêu cầu Thủ tướng Olaf Scholz “phối hợp một cách nhanh chóng và không chậm trễ thêm nữa để có các quyết định nhằm ngăn chặn hiệu quả các cuộc tấn công khủng bố tiếp theo”. Ông Merz kêu gọi Thủ tướng Scholz thực hiện những thay đổi cứng rắn về luật liên quan vấn đề nhập cư - nếu cần có thể bỏ phiếu thông qua Quốc hội mà không cần phải thỏa thuận với các đối tác trong chính phủ liên minh.

Những diễn biến mới cho thấy, tâm lý bài nhập cư vẫn âm ỉ trong lòng các nước châu Âu, chỉ cần một vụ việc bạo lực có thể châm ngòi lửa. Tâm lý phản đối người nhập cư chính là động lực để hàng triệu người bỏ phiếu chọn Anh rời Liên minh châu Âu (EU) và khiến chính phủ của đảng Bảo thủ thúc đẩy kế hoạch trục xuất người xin tị nạn đến Rwanda… Hay trong các cuộc bầu cử ở châu Âu mùa hè vừa qua, phe cực hữu đã tạo nên làn sóng quét qua nhiều nước, trong đó nước Pháp là trường hợp nổi bật nhất khi lực lượng cực hữu đã tiến gần ngưỡng cửa chiến thắng trong cuộc bầu cử quốc hội nhờ lá phiếu từ bộ phận cử tri bài ngoại, phản đối nhập cư.

Tại Ðức, đảng cựu hữu Sự lựa chọn vì nước Ðức (AfD), một đảng nổi tiếng với thái độ thù địch trong vấn đề di cư, cũng đang trên đà trở thành đảng mạnh nhất trong cuộc bầu cử cơ quan lập pháp diễn ra ngày 1-9 tại 2 bang Sachsen và Thüringen với khoảng 30% số phiếu tín nhiệm trong các cuộc thăm dò. Trong nhiều năm qua, lời kêu gọi của AfD về thắt chặt chính sách nhập cư đã được nhiều người hoan nghênh, đặc biệt là ở các tiểu bang miền Ðông nước Ðức.

Không khó để lý giải tâm lý bất mãn nhằm vào người nhập cư ở châu Âu. Ở Anh, việc chính phủ tiền nhiệm quyết định cung cấp chỗ ở cho người xin tị nạn với chi phí lên tới 2,5 tỉ bảng (3,2 tỉ USD) vào năm ngoái đã gây làn sóng phản đối mạnh mẽ, trong bối cảnh người dân Anh đang chịu cảnh thiếu nhà ở, cơ sở hạ tầng xuống cấp, dịch vụ công yếu kém, đặc biệt dịch vụ y tế và giáo dục quá tải, kinh tế trì trệ, khủng hoảng chi phí sinh hoạt với lạm phát cao kỷ lục. Theo kết quả cuộc thăm dò của YouGov, 2/3 số người được hỏi cho biết “chính sách nhập cư trong những năm gần đây” là một phần nguyên nhân gây ra các cuộc bạo loạn mới. Bên cạnh đó là nỗi ám ảnh về bạo lực, mất an ninh từ những đối tượng cực đoan là người nhập cư.

Các số liệu thống kê của Pháp cho thấy tỷ lệ tội phạm là người nhập cư bất hợp pháp đặc biệt cao, trên dưới 50% tại các thành phố lớn như Paris, Marseille hay Lyon. Các cuộc thăm dò gần đây cho thấy khoảng 80% người Pháp ở độ tuổi trên 50 đánh giá chính quyền đã thất bại trong việc xử lý vấn đề người nhập cư, trong khi tỷ lệ này chỉ thấp hơn một chút ở lớp người trẻ tuổi hơn. Khoảng 67% người dân Pháp muốn chính phủ có các chính sách cứng rắn hơn về nhập cư trong bối cảnh kinh tế khó khăn và liên tiếp xảy ra các vụ phạm tội do người nhập cư bất hợp pháp gây ra. Phe cực hữu đã lợi dụng chủ đề này để lôi kéo cử tri và vươn lên một vị thế cao hơn trong chính trường Pháp và châu Âu.

Chưa có giải pháp toàn diện cho người nhập cư

Dù rằng vấn đề người di cư đã góp phần làm phức tạp thêm tình hình an ninh tại châu Âu, việc liên kết trực tiếp và tuyệt đối giữa các vụ tấn công và người di cư là một định kiến. Bên cạnh đó, sự phát triển mạnh mẽ của truyền thông xã hội cũng tác động lớn đến dư luận, cả về tích cực lẫn tiêu cực, điển hình như vụ việc thông tin sai lệch lan truyền trên mạng xã hội về nghi phạm vụ tấn công ở Anh đã châm ngòi cho làn sóng bạo lực bạo loạn. Những yếu tố này ngược lại sẽ gây khó khăn cho người nhập cư, đặc biệt là những người trẻ tuổi, trong việc hòa nhập, từ đó tạo cơ hội cho các nhóm cực đoan lợi dụng. Vòng lẩn quẩn ấy khiến khó có thể xóa bỏ sự nghi kỵ, cảnh giác đối với người nhập cư ở châu Âu.

Các vụ tấn công tại Ðức đã thúc đẩy chính quyền Thủ tướng Olaf Scholz áp đặt những hạn chế mới đối với việc mang theo dao tại các cuộc tụ tập công cộng và vận chuyển đường dài, cũng như hạn chế các chế độ phúc lợi cho một số người di cư bất hợp pháp.

Chính phủ Ðức mới đây trục xuất 28 người nhập cư Afghanistan phạm tội về nước. Ðây là lần đầu tiên Ðức trục xuất người Afghanistan về nước kể từ khi Taliban lên nắm quyền 2021. Thủ tướng Scholz tuyên bố trước Quốc hội Ðức rằng ông ủng hộ việc trục xuất những người nhập cư phạm tội bạo lực về quê hương của họ, bao gồm cả Afghanistan và Syria.

Sau gần một thập niên, khủng hoảng người di cư vẫn tiếp tục là nỗi ám ảnh đối với châu Âu, nhất là trong bối cảnh nhiều khu vực khác trên thế giới vẫn đang bị tàn phá bởi chiến tranh, xung đột. Một bên là trách nhiệm nhân đạo quốc tế, một bên là nghĩa vụ đảm bảo an ninh, ổn định của quốc gia - đây vẫn là bài toán làm đau đầu chính phủ các nước và không thể giải quyết trong một sớm một chiều. Các nước cần có những giải pháp toàn diện, bao gồm tăng cường an ninh, hỗ trợ người di cư hòa nhập, chống lại tư tưởng cực đoan và xây dựng một xã hội đoàn kết hơn.

Tháng 10-2023, sau nhiều năm tranh cãi, EU đã đạt được một thỏa thuận toàn khối về quản lý người di cư và tị nạn, cho phép các nước chia sẻ gánh nặng trong vấn đề này. Tháng 4 vừa qua, Nghị viện châu Âu đã thông qua thỏa thuận mang tên Hiệp ước châu Âu về tị nạn và di cư. Các nước châu Âu hiện đang tăng cường các biện pháp kiểm soát biên giới bên ngoài, đặc biệt là thông qua việc mở rộng vai trò của cơ quan Frontex (Cơ quan Biên phòng và Bảo vệ bờ biển châu Âu). Ðồng thời, châu Âu cũng đang tích cực ký kết các thỏa thuận với các quốc gia ngoài EU, như Thổ Nhĩ Kỳ và một số quốc gia Bắc Phi, nhằm ngăn chặn dòng người di cư.

Chính sách hồi hương cũng được chú trọng hơn, với việc đẩy mạnh các biện pháp hồi hương đối với những người di cư không đủ điều kiện ở lại. Thêm vào đó, một số quốc gia châu Âu đã điều chỉnh lại luật để giảm thiểu lượng người nhập cư và tăng cường sự giám sát, phản ánh sự thay đổi trong cách tiếp cận vấn đề di cư. Nhưng để đi đến một kết quả khả quan hơn, EU vẫn cần ý chí, nguồn lực và một chính sách đối ngoại chung - điều mà khối này chưa thể làm được bởi nhiều nước thành viên vẫn đặt lợi ích riêng lên trên hết.

PHƯƠNG HÀ (TTXVN)

 

Chia sẻ bài viết