26/09/2017 - 21:06

Các ứng dụng trên điện thoại thông minh có thể trị trầm cảm 

Một nghiên cứu gần đây do các nhà khoa học quốc tế tiến hành cho thấy, các ứng dụng trên điện thoại thông minh có thể là một phương pháp điều trị hiệu quả chứng bệnh trầm cảm, mở ra một hướng can thiệp an toàn và dễ tiếp cận đối với hàng triệu người trên thế giới đang vật lộn với căn bệnh nguy hiểm này.

Trầm cảm là dạng rối loạn tâm thần phổ biến và nghiêm trọng, ảnh hưởng tiêu cực đến cảm giác, cách suy nghĩ và hành động. Thống kê của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) ước tính khoảng 350 triệu người trên toàn cầu đang đối mặt với căn bệnh vốn được xem là một trong những nguyên nhân hàng đầu gây ốm yếu, tàn tật trong dân số.

Trong nỗ lực kiểm soát bệnh trầm cảm có xu hướng ngày một tăng, các nhà nghiên cứu thuộc Viện Y học Bổ trợ Quốc gia (NICM) và Viện Black Dog của Úc phối hợp cùng Trường Y Đại học Harvard (Mỹ) và Đại học Manchester (Anh) đã điều nghiên khả năng điều trị trầm cảm dựa trên điện thoại thông minh.

Ứng dụng Catch It vận dụng liệu pháp nhận thức hành vi hỗ trợ chữa trầm cảm.

Theo báo cáo đăng trên tạp chí khoa học World Psychiatry, nhóm chuyên gia đã phân tích 18 cuộc thử nghiệm đối chứng ngẫu nhiên nhằm đánh giá 22 ứng dụng can thiệp sức khỏe tâm thần. Các nghiên cứu này tiến hành trên 3.400 người, từ 18-59 tuổi, đều có triệu chứng bất ổn tâm thần như lo lắng, mất ngủ, trầm cảm từ nhẹ, vừa đến nặng và rối loạn lưỡng cực (người bệnh chuyển từ trạng thái hưng phấn (hưng cảm) sang ức chế (trầm cảm)).

Kết quả cho thấy các ứng dụng điện thoại nhìn chung làm giảm đáng kể các triệu chứng trầm cảm ở người bệnh. Các nhà nghiên cứu nhận thấy không có sự khác biệt nào giữa những ứng dụng áp dụng nguyên tắc trị liệu khác nhau, chẳng hạn như chánh niệm (chú tâm vào những điều xảy ra trong thực tại), liệu pháp nhận thức - hành vi (CBT) giúp bệnh nhân hiểu rõ ảnh hưởng của suy nghĩ và cảm xúc lên hành vi hoặc các chương trình theo dõi tâm trạng.

Thay vào đó, các dữ liệu cho thấy phần lớn ứng dụng trên điện thoại thông minh giúp mọi người theo dõi, hiểu và kiểm soát sức khỏe tinh thần của bản thân tốt hơn.

Theo đồng tác giả, Tiến sĩ John Torous thuộc khoa tâm thần học tại Trường Y Đại học Harvard, nghiên cứu này là bước tiến đầy hứa hẹn trong việc sử dụng những liệu pháp kỹ thuật số để hỗ trợ điều trị sức khỏe tâm thần.

Tác giả chính của nghiên cứu Joseph Firth tại NICM cũng hy vọng ứng dụng trên điện thoại thông minh có thể mở ra cơ hội mới cho bệnh nhân - đặc biệt những người không có điều kiện, dễ dàng tiếp cận phương pháp trị liệu an toàn, hữu hiệu và ít tốn kém, qua đó làm giảm gánh nặng của bệnh trầm cảm đối với kinh tế và xã hội trên toàn cầu.

Theo các chuyên gia, người bệnh có thể cân nhắc một số ứng dụng phổ biến như SuperBetter, sử dụng thế mạnh tâm lý thể hiện trong trò chơi để giải quyết những thách thức trong đời thực. Ứng dụng khác có hiệu quả không kém là Catch It, được thiết kế để giúp người dùng giải quyết vấn đề sức khỏe tâm thần bằng phương pháp CBT.

Ngoài ra còn có PTSD Coach do Bộ Quốc phòng Mỹ phát triển, hỗ trợ người dùng hiểu và kiểm soát tốt các triệu chứng rối loạn căng thẳng sau sang chấn. Những người mất ngủ do trầm cảm có thể chọn ứng dụng Sleepcare chuyên giám sát, phân tích và theo dõi chu trình giấc ngủ. Một ứng dụng khá hữu ích có thể kể đến là ibobbly do Viện Black Dog phát triển. Đây cũng là ứng dụng đầu tiên trên thế giới được thiết kế đặc biệt ngăn ngừa tình trạng tự tử do trầm cảm.

Với bệnh trầm cảm, các chuyên gia cho rằng ngoài tư vấn tâm lý, uống thuốc và dùng ứng dụng trên điện thoại hỗ trợ điều trị, còn một cách hiệu quả mà đơn giản nữa để đẩy lùi bệnh tật là tuân thủ chế độ ăn uống cân bằng, lành mạnh.

Theo khuyến nghị của họ, người bệnh nên chú ý uống đủ nước, dùng thêm trà xanh, sữa chua lên men bằng vi khuẩn lactic (tạo ra axít lactic giúp xoa dịu thần kinh). Dùng sinh tố sữa chuối vào bữa sáng cũng giúp điều hòa tâm trạng.

Ngoài ra, bữa ăn hàng ngày nên chú ý tăng cường vitamin D và nhóm vitamin B giúp kiểm soát trầm cảm như cá béo, nấm, nước cam, trứng, trái bơ cùng sô-cô-la đen, các loại hạt khô (hạt hướng dương, hạt dẻ, hạt mắc ca, óc chó...).

Các thực phẩm giàu đạm như thịt nạc, các loại đậu hoặc tinh bột phức hợp (ngũ cốc nguyên cám, gạo lứt và rau củ) cũng giúp duy trì sự tỉnh táo và đặc biệt hỗ trợ giải phóng hoóc-môn “vui vẻ” serotonin.

ĐƯỜNG THẤT (Theo Medical Express, New Atlas)

Chia sẻ bài viết