TRÍ VĂN (Tổng hợp)
Trong bối cảnh giá cả các mặt hàng cơ bản trên khắp thế giới tăng cao do hậu quả của đại dịch COVID-19 và “chiến dịch quân sự đặc biệt” của Nga tại Ukraine, chính quyền các nước giàu có ở Trung Ðông như Saudi Arabia và Các Tiểu vương quốc Arab Thống nhất (UAE) đã phân bổ hàng tỉ USD để bảo vệ công dân, đặc biệt là những người có thu nhập thấp, khỏi tác động của tình trạng lạm phát.

Người dân Saudi Arabia mua hàng tại một cửa hàng bách hóa. Ảnh: Reuters
Theo quyết định của Quốc vương Saudi Arabia Salman bin Abdulaziz Al Saud, một sắc lệnh Hoàng gia phê duyệt khoản hỗ trợ tài chính trị giá 20 tỉ riyal (tương đương 5,3 tỉ USD) để ứng phó với hậu quả của tình trạng giá cả tăng trên toàn cầu. Khoảng một nửa số tiền này sẽ được dành cho việc tích trữ các cổ phiếu chiến lược, phần còn lại sẽ được chuyển trực tiếp bằng tiền mặt cho các đối tượng được hưởng an sinh xã hội, gồm những hộ chăn nuôi nhỏ cũng như những người đã đăng ký với Citizens Account, chương trình được thiết lập hồi năm 2017 nhằm giảm bớt tác dụng của các biện pháp thắt lưng buộc bụng. Ngoài ra, sinh viên đại học và những người thất nghiệp trên 45 tuổi cũng sẽ nhận được sự hỗ trợ từ gói hỗ trợ tài chính này.
Chủ trì một cuộc họp của hội đồng các vấn đề kinh tế Saudi Arabia hôm 4-7, Thái tử Mohammed bin Salman nhấn mạnh sự cần thiết phải tính đến những công dân đang gặp khó khăn nhất do những diễn biến quốc tế khiến chi phí cho một số nhu cầu cơ bản tăng, đồng thời nêu rõ các cơ quan chính phủ phải ứng phó với các vấn đề chuỗi cung ứng toàn cầu và giá cả tăng cao để bảo vệ lợi ích người tiêu dùng.
Tương tự Saudi Arabia, UAE cũng thông báo tăng gấp đôi ngân sách để hỗ trợ tài chính cho các gia đình có thu nhập thấp, lên tới 28 tỉ dirham (khoảng 7,6 tỉ USD), sau khi giá nhiên liệu tăng. Theo tờ The National, các hộ gia đình có tổng thu nhập 25.000 dirham (6.800 USD) sẽ có thể tiếp cận được gói trợ cấp này. Tuy nhiên, người lao động và công dân nước ngoài sẽ không được hưởng trợ cấp, trong khi đây là lực lượng chiếm phần lớn dân số quốc gia gần 10 triệu người này. Công dân UAE chỉ chiếm 10% số người sinh sống tại đất nước giàu dầu mỏ này. Còn tại Saudi Arabia, người nước ngoài chiếm 1/3 dân số.
Theo tờ Bưu điện Washington (WP), tương tự như người dân khắp nơi trên thế giới, công dân các quốc gia giàu dầu mỏ Vịnh Persic đang phải đối mặt với tình trạng giá cả hàng hóa và dịch vụ cơ bản tăng cao sau khi Nga phát động “chiến dịch quân sự đặc biệt” tại Ukraine, gây ra sự gián đoạn đối với thị trường toàn cầu.
WP cho biết, giá xăng ở UAE đã tăng gấp đôi trong vòng vài tháng qua, lần tăng mạnh đầu tiên kể từ khi Abu Dhabi bãi bỏ quy định về nhiên liệu vào năm 2015. Ðể giảm bớt tác động này đối với những công dân có thu nhập thấp, Chính phủ UAE tuyên bố sẽ “choàng” 85% mức tăng giá xăng dầu cũng như 75% mức tăng giá các mặt hàng thực phẩm. Theo Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF), lạm phát ở UAE dự kiến sẽ ở mức 3,7% trong năm nay trước khi giảm xuống còn 2,8% vào năm 2023.
Trong khi đó, Saudi Arabia cũng rơi vào tình trạng tương tự. Theo Tổng cục Thống kê Saudi Arabia, chỉ số giá tiêu dùng của nước này trong tháng 5 vừa qua tăng 2,2% so với cùng kỳ năm ngoái, trong khi giá thịt cá, trái cây, rau củ, dầu và chất béo tăng 20,7%. David Owen, nhà kinh tế học tại S&P Global Market Intelligence, cho biết mức lạm phát của Saudi Arabia là cao nhất trong vòng 22 tháng qua. Trong một thông cáo được công bố mới đây, ông Owen cho hay các doanh nghiệp nước này đang ghi nhận mức tăng chi phí nhanh nhất kể từ tháng 8-2020 và là “một trong những mức tăng cao nhất trong 8 năm qua”. Dẫu vậy, quốc gia giàu dầu mỏ này đã ghi nhận tốc độ tăng trưởng kinh tế nhanh nhất trong một thập niên, theo đó quý I-2022 tăng trưởng 9,6% so với cùng kỳ năm 2021, nhờ tăng trưởng trong lĩnh vực dầu mỏ. IMF hồi tháng 4 vừa qua dự báo GDP của Saudi Arabia năm 2022 sẽ tăng 7,6%.
Theo báo cáo của Tập đoàn Arab bảo đảm tín dụng xuất khẩu và đầu tư (Dhaman), Saudi Arabia là nền kinh tế lớn nhất, chiếm 27,9% của toàn khối Arab, với GDP năm 2021 đạt 833,5 tỉ USD. Nền kinh tế UAE đứng thứ hai với 410 tỉ USD, chiếm 14,6% của khối Arab. Ai Cập đứng thứ ba với GDP đạt 402,8 tỉ USD.