23/08/2019 - 14:34

Buôn lậu “rác” ở biên giới An Giang
Cuộc chiến cam go 

Kể từ sau ngày 1-10-2018, thực hiện Chỉ thị số 27/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ về một số giải pháp cấp bách tăng cường công tác quản lý đối với hoạt động nhập khẩu và sử dụng phế liệu nhập khẩu làm nguyên liệu sản xuất, tình hình buôn lậu phế liệu từ Campuchia về Việt Nam diễn biến phức tạp hơn, khó xử lý. Tại tuyến biên giới tỉnh An Giang, tình hình nhập lậu phế liệu “nóng” lên, các đối tượng tìm mọi cách để đưa phế liệu nhập lậu vào Việt Nam, sau đó hợp thức hóa...

Lực lượng chức năng tỉnh An Giang liên tiếp bắt giữ nhiều vụ buôn lậu phế liệu.

Lực lượng chức năng tỉnh An Giang liên tiếp bắt giữ nhiều vụ buôn lậu phế liệu.

Theo tìm hiểu và ghi nhận, sở dĩ tình trạng nhập lậu phế liệu qua biên giới An Giang ngày càng tăng là do ở Campuchia, nguồn hàng này rất lớn nhưng lại không có nhà máy sản xuất, tái chế. Trong khi đó, ở Việt Nam nhu cầu về phế liệu trong nước vẫn đang còn rất cao, chênh lệch giá thành khá cao. Từ đó, các đầu nậu, đối tượng buôn lậu dùng mọi cách để tuồn hàng vào Việt Nam. Cụ thể, đối với  giấy phế liệu ở Campuchia có giá khoảng 2.000 đồng/kg thì tại TP Hồ Chí Minh có giá khoảng 3.200 đồng/kg; sắt phế liệu tại Campuchia được các đầu nậu thu mua với giá 6.000 đồng/kg, sau khi vận chuyển vào nội địa về đến TP Hồ Chí Minh có giá từ 7.500-8.000 đồng/kg.

Do lợi nhuận từ việc nhập lậu phế liệu quá cao, nên các đầu nậu và đối tượng buôn lậu bất chấp quy định của pháp luật để thực hiện hành vi vi phạm và tái vi phạm nhiều lần tại cùng một địa điểm. Điển hình như tại khu vực cửa hàng vật liệu xây dựng Phúc Thảo (ấp Thạnh Phú, xã Khánh An, huyện An Phú) có tình trạng bốc dỡ, vận chuyển phế liệu nhập lậu. Công an huyện An Phú đã bắt quả tang tại đây một vụ vận chuyển phế liệu nhập lậu với số tang vật gồm: trên 22.000kg nhựa phế liệu, 10.748kg sắt thép phế liệu; xử phạt hành chính 3 đối tượng với số tiền 27 triệu đồng và tịch thu toàn bộ tang vật. Sau đó không lâu, Tổ liên ngành 389 huyện An Phú (Công an, Hải quan, Biên phòng) tiếp tục phát hiện và bắt giữ một vụ đối tượng vận chuyển 14.000kg giấy phế liệu; khi phát hiện lực lượng chức năng, đối tượng tẩu thoát bỏ lại tang vật; vụ việc được giao cho Đồn biên phòng cửa khẩu Long Bình tiếp tục điều tra, xử lý.

Thực tế cho thấy, dù các lực lượng phòng chống buôn lậu thường xuyên tuần tra, kiểm soát kết hợp mật phục theo dõi, nhưng do địa bàn rộng, tuyến biên giới dài nên kết quả đấu tranh với tội phạm buôn lậu phế liệu vẫn chưa cao. Có mặt và ghi nhận tại biên giới tỉnh An Giang,  phế liệu nhập lậu chủ yếu gồm các loại: giấy, nhựa, sắt, lon, nhôm ép thành khối. Các đối tượng buôn lậu thường tập kết hàng bên kia biên giới, phía Campuchia thuộc xã Perchay, Sam Pou Puol, huyện Koah Thum; cảng Dung Dưng, huyện Angkor Borei; sông Long Tiên, huyện Borei Cholsa. Sau đó, sử dụng ghe vận chuyển qua các sông, rạch, để đưa vào nội địa Việt Nam. Các đối tượng tinh vi lợi dụng đêm tối, khoảng cách giữa 2 bờ sông biên giới (sông Hậu và sông Bình Di) ngắn, phế liệu được tập kết sẵn trên ghe, chẹt thả trôi trên sông phía bờ Campuchia, chỉ đợi tín hiệu “an toàn” từ các đối tượng canh đường thì lập tức cho phương tiện chở phế liệu nhập lậu cập bến Việt Nam. Lúc này, phía nội địa sẽ có hàng chục đối tượng nhanh chóng vận chuyển phế liệu nhập lậu lên xe tải chở đi tẩu tán hoặc tập kết vào các kho và hợp thức hóa nguồn gốc “hàng hóa” bằng hóa đơn chứng từ “hợp pháp”.

Đại tá Phạm Minh Huyền, Trưởng Phòng Phòng chống buôn lậu Bộ đội biên phòng tỉnh An Giang, nhìn nhận thực tế: “Có những bất cập rất rõ ràng trong công tác phòng chống buôn lậu phế liệu. Hóa đơn chứng từ rất dễ có, các đối tượng buôn lậu luôn mang theo bên mình, phế liệu nhập lậu vừa qua đến bến sông thuộc địa phận Việt Nam thì đã được hợp thức hóa. Nếu muốn xử lý, phải bắt quả tang lúc các đối tượng vừa đưa phế liệu nhập lậu qua đường biên giới trên sông. Nhưng khó là dòng sông chung khá dài, lực lượng chức năng trực đầu này thì bọn chúng sang đầu kia. Còn có mặt lực lượng chức năng thì chúng chỉ lượn lờ bên kia biên giới đợi thời cơ”.

Cùng nhận định, ông Nguyễn Hoàng Vân, Phụ trách cơ quan thường trực Ban Chỉ đạo 389 tỉnh An Giang cho biết: “Thực tế là hóa đơn của các đối tượng vận chuyển phế liệu đưa ra khi bị lực lượng chức năng kiểm tra là từ các cơ sở thu mua phế liệu tại TP Hồ Chí Minh nhưng “hàng” lại được “chở” ngược về biên giới An Giang. Tuy nhiên, luật không cấm, ngành chức năng thấy rõ sự bất hợp lý này nhưng chưa có cách giải quyết. Các cơ quan chuyên ngành phải kiểm soát chặt chẽ các cơ sở thu mua phế liệu, đồng thời có cơ chế quy hoạch, hạn chế việc cấp phép thành lập mới các cơ sở kinh doanh phế liệu, nhất là ở khu vực biên giới”.

Theo Ban Chỉ đạo 389 huyện An Phú, từ tháng 10-2018 và đầu năm 2019, Ban Chỉ đạo đã chỉ đạo các lực lượng chức năng đấu tranh đối với phế liệu nhập lậu. Qua đó, các lực lượng chức năng phát hiện, bắt giữ và xử lý 16 vụ liên quan với 15 đối tượng có hành vi vận chuyển phế liệu nhập lậu. Tang vật gồm: 175.345kg giấy phế liệu, 96.704kg sắt phế liệu, 51.655kg nhựa phế liệu các loại, trị giá trên 1,5 tỉ đồng. Tuy nhiên, chỉ ra quyết định khởi tố hình sự 3 vụ với 6 đối tượng; xử phạt hành chính 5 vụ, 7 đối tượng với tổng số tiền phạt 117 triệu đồng và ra quyết định tịch thu 5 vụ vắng chủ, các vụ việc còn lại đang điều tra xác minh, làm rõ.

Phó Chủ tịch UBND huyện An Phú Nguyễn Ngọc Huynh - Trưởng Ban Chỉ đạo 389 huyện An Phú nhìn nhận: “Công tác phối hợp, lực lượng, phương tiện, trong công tác chống buôn lậu phế liệu hiệu quả chưa cao, còn thiếu, chưa đảm bảo yêu cầu nhiệm vụ. Tất cả phế liệu khi cặp bến Việt Nam đều được hợp thức hóa bằng hóa đơn bán hàng của các cơ sở thu mua phế liệu trong nước, nên cơ quan chức năng chỉ xử lý được khi bắt quả tang các phương tiện chở phế liệu đang từ bên kia biên giới sang. Việc xử lý tang vật và đối tượng thực hiện hành vi phạm tội gặp nhiều khó khăn”.

Bài, ảnh: Hoài Niệm

Chia sẻ bài viết