 |
Phó Thủ tướng Kosovo (phải) và đại diện của Serbia. Ảnh: Reuters |
Vòng đàm phán trực tiếp thứ 5 giữa Serbia và Kosovo do Liên minh châu Âu (EU) làm trung gian kéo dài 8 tiếng ngày 2-7 đã đạt được các thỏa thuận đầu tiên rất quan trọng, như hai bên sẽ công nhận chứng minh thư và bằng cấp đào tạo, tạo điều kiện dễ dàng cho việc đi lại và tìm kiếm việc làm cho công dân của nhau. Belgrade cũng chấp nhận sử dụng bản sao chứng thực đăng ký hộ tịch ở Kosovo để tạo thuận lợi cho sự hợp tác trên lĩnh vực tư pháp và đấu tranh chống tội phạm có tổ chức. Kosovo chấp nhận giấy bảo hiểm ô tô và bảng số xe đăng ký ở Serbia đi qua lãnh thổ Kosovo, trong khi Serbia sẽ cấp bảng số xe tạm thời cho công dân Kosovo khi đi trên lãnh thổ nước này.
Theo nhà trung gian EU Robert Cooper, trong các thỏa thuận kể trên, thỏa thuận tự do đi lại có ý nghĩa quan trọng nhất, bởi nó không chỉ cho phép công dân hai nước duy trì mối quan hệ bình thường mà còn mở rộng cơ hội tiếp cận với các nước châu Âu khác. Người Kosovo có thể đến các nước châu Âu thông qua Serbia thay vì phải đi vòng qua ngã Montenegro và Croatia như hiện nay. Ông cho biết thêm hai bên sẽ sớm có vòng đàm phán mới nhằm thống nhất những vấn đề gần đạt được như viễn thông, giấy đăng ký chủ quyền đất đai, thủ tục hải quan và năng lượng.
Mặc dù Serbia vẫn giữ lập trường không công nhận Kosovo là quốc gia độc lập (Kosovo đơn phương tuyên bố độc lập từ năm 2008 và đến nay được 76 quốc gia trên thế giới, trong đó có Mỹ và 22 nước EU thừa nhận), nhưng vấn đề hết sức nhạy cảm này không được hai bên đề cập trong tiến trình đàm phán bắt đầu từ tháng 3-2011 theo sáng kiến của EU. Có lẽ EU cũng chưa cần Belgrade công nhận Kosovo nhưng muốn Serbia phải từng bước bình thường hóa quan hệ với vùng lãnh thổ phía Nam này như là một quốc gia độc lập, coi đây là một trong những điều kiện chính để châu Âu “bật đèn xanh” đàm phán đơn xin nhập EU của Serbia. Những thỏa thuận song phương mà Serbia và Kosovo vừa đạt được là cách đối xử thực tế giữa hai quốc gia có chủ quyền nên việc Serbia chính thức công nhận Kosovo chỉ còn là vấn đề thời gian. Đó là “chiêu” của EU nhung cũng có thể là cách mà giới lãnh đạo Serbia hiện nay muốn sử dụng để kéo dài thời gian thuyết phục nhân dân chấp nhận một thực tế khó thay đổi. Nếu không làm như vậy mà vội vàng công nhận Kosovo là quốc gia độc lập thì giới lãnh đạo thân phương Tây hiện nay tại Serbia có thể bị cử tri cáo buộc “bán đứng” Kosovo, nơi mà họ coi là biểu tượng tôn giáo không thể tách rời của nhà nước Serbia.
KIẾN HÒA (Theo AP, Reuters, AFP)