13/02/2012 - 09:24

Bức xúc nhu cầu chỗ ở cho sinh viên

Trên địa bàn thành phố Cần Thơ hiện có hơn 90.000 sinh viên theo học tại các trường đại học, cao đẳng, trung cấp chuyên nghiệp. Dù có nhiều nỗ lực để đáp ứng nhu cầu chỗ ở cho sinh viên nhưng phần lớn ký túc xá các trường chỉ giải quyết được một phần khiêm tốn so với nhu cầu. Để tiết kiệm chi tiêu, nhiều sinh viên chấp nhận chọn những nhà trọ giá cả bình dân, thậm chí điều kiện ăn ở, sinh hoạt rất nhếch nhác. Với nhiều sinh viên, để tìm được một chỗ trọ giá rẻ, có điều kiện cơ sở vật chất tương đối, có thể an tâm học tập là chuyện không dễ dàng…

* Vất vả tìm chỗ trọ...

T.V.Ng. (sinh viên năm thứ 2, Trường Đại học Tây Đô) hiện cùng với 2 người bạn chung lớp thuê phòng trọ trong hẻm 132, đường 3 Tháng 2 với giá 600 ngàn đồng/tháng. Đây được xem như giá “mềm” so với mặt bằng chung hiện nay. Bên cạnh đó, chủ nhà trọ của Ng. còn giới hạn thời gian ra vào nhà trọ nên tình hình an ninh trật tự ở đây khá an toàn. Ng. cho biết: “Ở đây mấy năm chứ chưa có chuyện mất cắp xảy ra. Những ngày lễ, Tết, chủ nhà trọ đều tổ chức liên hoan. Đầu tháng thiếu tiền trọ, bà chủ cũng cho nợ thêm vài bữa”. Thuê được nhà trọ giá rẻ, lại được chủ nhà đối đãi tốt như Ng. là mơ ước của nhiều sinh viên. Tuy nhiên, không phải sinh viên nào cũng có được may mắn đó.

Gia đình V.V.H. (sinh viên năm thứ 2, Trường Cao đẳng Cần Thơ) có hoàn cảnh rất khó khăn nên khi lên Cần Thơ học, H. tìm một nhà trọ thật xa trường, heo hút trên quốc lộ 91B. H. cho biết: “Ở đây, tiền phòng 300 ngàn đồng/tháng, tiền điện, nước tính riêng”. Phòng trọ của H. rộng chừng 12m2, lợp tôn thiếc nên mùa nắng thì nóng hầm hập, mưa thì mái dột, phải che thêm bạt. Nước xài hàng ngày phải bơm tay nhưng chủ nhà vẫn tính 20 ngàn đồng/tháng. H. cho biết không thể tìm chỗ nào tốt hơn vì gia đình cho mỗi tháng hơn 1 triệu đồng. H. rất muốn xin vào ký túc xá nhưng còn nỗi lo đứa em trai sắp lên luyện thi đại học chưa biết sẽ ở đâu.

Nhiều sinh viên mong được vào ký túc xá của trường để tiết kiệm chi tiêu hàng tháng và an tâm học tập. Trong ảnh: Ký túc xá Trường Đại học Cần Thơ.  

Hầu hết các nhà trọ giá rẻ đều có cơ sở vật chất ở mức trung bình. Nhiều nơi xây cất tạm bợ, sau nhiều năm cho thuê đã hư hỏng, xuống cấp nhưng chủ nhà không muốn đầu tư sửa sang vì sợ tốn kém và mất nguồn thu. Thế nên tình trạng xuống cấp cứ kéo dài, ảnh hưởng không nhỏ đến điều kiện sinh hoạt, học tập của sinh viên. Đa số các nhà trọ giá bình dân thường không có nhà vệ sinh trong phòng mà thường chỉ có nhà vệ sinh dùng chung. Từ đây, nhiều chuyện bi hài đã xảy ra. N.V.L, sinh viên năm thứ 4, Trường Đại học Cần Thơ (ĐHCT), cho biết: “Nơi tôi ở trọ có 40 phòng nhưng tới 20 phòng không có nhà vệ sinh, chúng tôi phải dùng chung một dãy 6 nhà vệ sinh kiêm luôn nhà tắm. Mỗi ngày, tôi phải xếp hàng vào hai buổi sáng chiều, rất mệt mỏi”. Theo L., đa số các nhà vệ sinh đã xuống cấp, bị hư cửa, thủng mái, nhiều khi đang tắm cánh cửa bị thổi nghiêng một bên.

Lê Thị Lan (sinh viên năm thứ 2, Trường ĐHCT) cho biết: “Nhà vệ sinh nơi mình trọ dơ bẩn khủng khiếp!”. Theo Lan, gần chục nhà vệ sinh ít khi được cọ rửa và có hơn một nửa bị nghẹt, số còn lại thì giấy, rác vứt tứ tung. Lan từng vận động một số bạn nữ dọn dẹp vào cuối tuần nhưng số người có ý thức giữ gìn vệ sinh ít quá nên các bạn cũng nản. Lan bức xúc: “Chỗ làm cá, rửa rau cạnh nhà vệ sinh bẩn thế nên trong nhà trọ thường xảy ra tình trạng tiêu chảy, đau bụng,... Lan tâm sự: “Bây giờ muốn tìm chỗ trọ khác cũng hơi khó vì ít có nhà trọ giá rẻ hoặc đã hết phòng. Tôi rất mong được vào ký túc xá ở”. Nhiều nơi, khi bóng đèn, vòi nước hư, các bạn phải tự bỏ tiền mua. Giá điện, giá nước bị tính theo giá trên trời cũng khiến nhiều sinh viên bức xúc. L.V.T. ở trọ trên đường 30-4, cho biết: “Dù tôi và mấy đứa bạn có thể đăng ký dịch vụ internet nhưng chủ nhà trọ không cho. Họ bắt chúng tôi mua lại thuê bao với giá 70 ngàn đồng/tháng. Trong khi đó, nhà trọ tôi có chừng 20 phòng có nhu cầu kết nối internet”.

Tình hình an ninh trật tự ở một số khu nhà trọ giá rẻ cũng khá phức tạp. Nhiều sinh viên đã mất laptop, điện thoại và cả xe gắn máy vào lúc giữa trưa hoặc sáng sớm. N.V.M. (sinh viên Trường Cao đẳng Kinh tế-Kỹ thuật Cần Thơ), hiện đang trọ trên đường Nguyễn Văn Cừ, cho biết: “Ở nơi tôi trọ học, bọn xấu thường vào lấy cắp xe gắn máy, điện thoại lúc mọi người ngủ trưa. Nhất là lúc 5 giờ sáng, lợi dụng nhà trọ mở cửa sớm, kẻ gian ngang nhiên lấy xe vì nhà trọ của tôi chẳng có ai trông coi, bảo vệ”. Do nhà trọ khá rộng nên có lần tên trộm liều lĩnh vào nhà trọ M. giựt laptop rồi lên xe do đồng bọn đợi sẵn tẩu thoát như chỗ không người...

* Nỗ lực đồng hành cùng sinh viên

Hiện nay, số sinh viên có nhu cầu vào ở ký túc xá của các trường rất lớn, tuy nhiên phần lớn các trường đều gặp cảnh “cung” không đáp ứng đủ “cầu”. Thạc sĩ Nguyễn Thanh Tường, Trưởng phòng Công tác sinh viên Trường ĐHCT, cho biết: “Mỗi năm, trường chúng tôi chỉ có thể tiếp nhận vào ký túc xá khoảng 1.200 sinh viên, (chiếm 40% số đơn xin vào ký túc xá). Đây là thực tế khách quan vì sức chứa của ký túc xá ở trường chưa tới 5.000 chỗ”. Tiêu chí để xét vào ký túc xá ưu tiên cho sinh viên là thuộc hộ nghèo, gia đình chính sách,... nên những sinh viên không thuộc nhóm trên thường gặp “bất lợi” khi xét duyệt hoặc phải chờ đợi rất lâu.

Ông Châu Văn Lực, Phó Hiệu trưởng Trường ĐHCT, cho biết trường đang xây dựng một khu ký túc xá mới gồm 8 dãy, 5 tầng với kinh phí xây dựng 243 tỉ đồng. Nếu thi công đúng tiến độ thì khu ký túc xá này sẽ được đưa vào sử dụng trong năm học 2012-2013, có thể giải quyết chỗ ở cho thêm 5.000 sinh viên. Ông Lực nói: “Chúng tôi phấn đấu đến năm 2015 có khoảng 60% sinh viên (khoảng 18.000 sinh viên) vào ở ký túc xá theo tinh thần Quyết định 65/2009/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ về cơ chế, chính sách phát triển nhà ở cho sinh viên các trường đại học, cao đẳng, trung cấp chuyên nghiệp và dạy nghề”.

Để làm được điều này, ngoài nguồn vốn của Chính phủ, ông Lực cho biết sẽ tranh thủ vận động các tỉnh chung tay nhằm đáp ứng nhu cầu chỗ trọ cho sinh viên. Hiện tại, tỉnh Hậu Giang đang đầu tư xây một ký túc xá 5 tầng, có sức chứa 500 sinh viên với kinh phí gần 30 tỉ đồng cho sinh viên của tỉnh đang theo học tại trường. Trường ĐHCT còn ký kết Quy chế phối hợp 3 bên giữa Phòng Công tác sinh viên, công an phường và chủ nhà trọ nhằm tạo sự tương tác giữa nhà trường-chính quyền địa phương, nhà trường-sinh viên trong việc quản lý, bảo vệ quyền lợi cho sinh viên. Trong khi đó, Trường Cao đẳng Cần Thơ có dự án đầu tư xây dựng công trình khối nhà ở sinh viên với tổng mức đầu tư gần 30 tỉ đồng. Ông Nguyễn Ngọc Lợi, Hiệu trưởng Trường Cao đẳng Cần Thơ, cho biết: “Quy mô đào tạo của trường có hơn 6.000 sinh viên nhưng ký túc xá trường hiện tại chỉ đủ đáp ứng cho khoảng 1.000 em. Do vậy, ký túc xá mới có sức chứa 800 chỗ được xây dựng sẽ hết sức có ý nghĩa đối với các sinh viên, nhất là đối với các em có hoàn cảnh kinh tế khó khăn”.

Một điều cũng cần nhắc tới là do điều kiện bất tiện ở một số ký túc xá nên nhiều sinh viên đi tìm chỗ trọ bên ngoài. Ký túc xá Trường Cao đẳng Nghề Cần Thơ có 400 chỗ nhưng năm học 2010-2011 chỉ có 80 sinh viên vào ở. Năm học 2011-2012, số lượng tăng lên được 160 sinh viên dù toàn trường có 2.400 sinh viên. Một số nguyên nhân được lãnh đạo trường đưa ra là nước sinh hoạt trong trường vẫn xài nước giếng khiến sinh viên khó khăn trong việc sinh hoạt hàng ngày. Ký túc xá không cho sinh viên nấu ăn và đóng cửa sớm (22 giờ) cũng là những nguyên nhân khiến nhiều sinh viên không “mặn” với ký túc xá dù mỗi tháng chỉ đóng 100 ngàn đồng. Ông Nguyễn Trọng Sơn, Hiệu trưởng Trường Cao đẳng Nghề Cần Thơ, cho biết: “Để đáp ứng nguyện vọng của sinh viên, chúng tôi đang dần chuyển sang sử dụng nước máy, đến nay đã được 30%. Sắp tới, chúng tôi sẽ củng cố lại Ban Quản lý ký túc xá cũng như thay đổi thời gian ra vào nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho sinh viên của trường trong sinh hoạt, học tập”.

Giữ vai trò quan trọng trong việc đồng hành cùng sinh viên nhưng Thành Đoàn Cần Thơ cũng chỉ hỗ trợ chỗ ở cho thí sinh, tân sinh viên vào đầu hoặc sau kỳ thi tuyển sinh đại học, cao đẳng hàng năm. Hiện nay, thành phố có gần chục trường đại học, cao đẳng có đông sinh viên (từ 1.000 sinh viên trở lên) nhưng chỉ có Đoàn Trường ĐHCT là thiết lập được “kênh” thông tin về nhà trọ cho sinh viên qua phong trào “Tiếp sức mùa thi” hàng năm. Anh Đào Chí Nghĩa, Phó Bí thư Thành đoàn, Chủ tịch Hội Sinh viên TP Cần Thơ, cho biết: “Do số lượng chỗ trọ có hạn nên các Đoàn trường ít thông báo rộng rãi vì sợ không thể đáp ứng nhu cầu cho sinh viên. Mặt khác, cán bộ Đoàn ở các trường khá mỏng nên rất khó thành lập một lực lượng chuyên trách đi tìm nhà trọ an toàn, giá cả hợp lý để giúp đỡ sinh viên. Tuy nhiên, các bạn sinh viên có hoàn cảnh khó khăn muốn tìm chỗ trọ an toàn, giá vừa túi tiền có thể liên hệ với các Đoàn trường để được giúp đỡ kịp thời”.

Bài, ảnh: Phạm Trung

Chia sẻ bài viết