MAI QUYÊN (Theo AP, Reuters)
Tổng thống Brazil Luiz Inácio Lula da Silva cho biết ông ủng hộ có thêm nhiều nước gia nhập khối các nền kinh tế mới nổi (BRICS), nhưng nhiều thông số vẫn cần được trao đổi và đạt sự đồng thuận giữa những nhà lãnh đạo.

Các nhà lãnh đạo BRICS trong một hội nghị trước đây.
Brazil hiện là một trong 5 quốc gia thành viên nhóm BRICS cùng với Nga, Ấn Ðộ, Trung Quốc và Nam Phi. Khối này chiếm hơn 40% dân số thế giới và 26% kinh tế toàn cầu. Kể từ khi thành lập vào năm 2009, một số nhà chuyên môn ví sự hiện diện của BRICS là đối trọng với các diễn đàn ngoại giao truyền thống do phương Tây chi phối, đơn cử như Nhóm các nước công nghiệp phát triển hàng đầu thế giới (G7).
Trong các ngày từ 22 đến 24-8, BRICS sẽ tổ chức hội nghị thượng đỉnh tại thành phố lớn nhất Nam Phi Johannesburg với chương trình nghị sự ưu tiên vấn đề mở rộng khối. Theo Ngoại trưởng Brazil Mauro Vieira, hơn 40 quốc gia bày tỏ quan tâm và khoảng 20 nước đã chính thức nộp đơn xin gia nhập, trong số này có Argentina, Các Tiểu vương quốc Arab Thống nhất (UAE), Saudi Arabia, Indonesia, Iran và Venezuela. Ðây là bằng chứng cho thấy triển vọng và quyền lực ngày càng tăng của BRICS trên trường quốc tế. “Trong các cuộc họp tới, chúng tôi có thể sẽ nhất trí với việc nhóm kết nạp thêm quốc gia nào. Tôi nghĩ nhiều nước hiện mong đợi điều này và lãnh đạo các quốc gia thành viên hoàn toàn đồng ý nếu những nước đó tuân thủ quy tắc chúng tôi đang thiết lập” - Tổng thống Lula nêu rõ.
Mâu thuẫn nội bộ?
Tuyên bố trên được ông Lula đưa ra sau khi có thông tin về việc Brazil dường như không mặn mà với triển vọng BRICS mở rộng, một mục tiêu mà Trung Quốc đang thúc đẩy nhằm tăng cường ảnh hưởng chính trị - kinh tế ở thời điểm quan hệ với Mỹ trở nên nhạy cảm. Về phần Nga, tương lai “BRICS+” được dự đoán giúp Mát-xcơ-va tìm kiếm thêm đồng minh, nhờ đó phá thế cô lập ngoại giao liên quan chiến dịch quân sự mà nước này tiến hành ở Ukraine.
Tuy nhiên, Hãng tin Reuters trong báo cáo gần đây trích dẫn quan ngại của 3 quan chức ngoại giao Brazil, rằng kết nạp thêm nhiều quốc gia có thể biến BRICS thành một “định dạng khác” và làm giảm ảnh hưởng của những thành viên hiện có. Theo quy tắc, mọi quyết định trong BRICS phải dựa trên sự đồng thuận. Vì vậy, việc Brazil đồng ý hay không có thể là chìa khóa cho bất kỳ ý tưởng nào muốn mở rộng nhóm. Nói trong điều kiện giấu tên, các nguồn tin khẳng định Chính phủ Brazil về bản chất không có ý định ngăn cản các quốc gia khác gia nhập nhưng tiến trình này nên diễn ra từ từ, duy trì sự cân bằng trong khu vực cũng như vai trò của 5 thành viên hiện nay. Thỏa mãn điều kiện đó, một quan chức Brazil nói rằng ban đầu, những quốc gia cùng chí hướng có thể cân nhắc tham dự với tư cách đối tác chiến lược thay vì thành viên chính thức, tương tự cách làm của nhiều tổ chức quốc tế.
Ðánh giá tình hình hiện nay, Giáo sư Oliver Stuenkel của Quỹ Getulio Vargas cho biết một trong những ứng viên nặng ký có nhiều khả năng được chấp thuận gia nhập BRICS là Indonesia. Ưu thế của quốc gia Ðông Nam Á dựa trên tầm ảnh hưởng ở khu vực, vai trò ngày càng tăng trong nền kinh tế thế giới và gần như không có tranh chấp gì với quốc gia khác. Ngược lại, Giáo sư Stuenkel cho rằng sự hiện diện của Iran, Venezuela hoặc Saudi Arabia có thể thay đổi động lực của nhóm và khiến nước có mặt từ đầu như Brazil khó duy trì ảnh hưởng.
Cũng cần nói thêm, kể từ khi nhậm chức, Tổng thống Lula đã nhiều lần cho thấy tham vọng cân bằng địa chính trị thế giới thông qua việc phá vỡ cấu trúc quốc tế hiện có do phương Tây thống trị. Cụ thể, ông bác bỏ quan điểm chung của Mỹ và Liên minh châu Âu (EU) về cuộc chiến ở Ukraine thông qua việc từ chối cung cấp vũ khí cho Kiev. Nhà lãnh đạo Brazil còn kêu gọi chấm dứt sự thống trị của đồng USD trong thương mại quốc tế, thúc đẩy đồng tiền chung cho thương mại trong khối Thị trường chung Nam Mỹ (Mercosur) và giữa các quốc gia BRICS. Ông cũng công khai chỉ trích Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF), nhưng ca ngợi triển vọng của Ngân hàng Phát triển Mới (NDB) do Trung Quốc hậu thuẫn. Tổng thống Lula đặc biệt chỉ trích Hội đồng Bảo an Liên Hiệp Quốc, cơ quan mà Brazil tìm kiếm ghế thành viên thường trực trong nhiều thập kỷ.