19/06/2008 - 08:13

Bác sĩ chuyên khoa II Cao Văn Nhựt, Trưởng khoa sản, Bệnh viện Đa khoa Trung ương Cần Thơ:

Bố trí phòng chờ sinh nhằm đảm bảo chăm sóc sức khỏe tốt hơn cho thai phụ và thai nhi

 

Trong những ngày qua, nhiều thai phụ và người thân băn khoăn vì sao cách ly thai phụ sắp chuyển dạ vào phòng chờ sanh. Bởi trong lúc đau đớn thai phụ rất cần có người thân bên cạnh để chăm sóc. Đặc biệt là gần đây trên một số phương tiện thông tin đại chúng đăng tải về trường hợp thai phụ và thai nhi đều tử vong do bị ngã trong phòng chờ sinh, đã khiến nhiều người lo lắng, bất an. Việc bố trí thai phụ ở phòng chờ sinh trong thời gian sắp chuyển dạ có lợi ích gì?

Bác sĩ chuyên khoa II Cao Văn Nhựt, Trưởng khoa Sản, Bệnh viện Đa khoa Trung ương Cần Thơ, cho biết:

Từ khi Bệnh viện Đa khoa Trung ương Cần Thơ di dời về Quốc lộ 91B, phường An Bình, quận Ninh Kiều, TP Cần Thơ thì bệnh viện cũng đã bố trí phòng chờ sanh thuộc khoa Sản. Trước đây, việc bố trí phòng chờ sanh đã có ở cơ sở cũ nhưng việc bố trí cách ly giữa bệnh nhân và thân nhân không có khu vực riêng biệt. Hiện nay, khoa Sản của bệnh viện có 99 giường bệnh, 3 phòng sanh, 2 phòng chờ sanh. Khoa có 92 cán bộ, trong đó, có 18 bác sĩ, 6 cử nhân và y tá trung học... Qua 5 tháng đầu năm 2008, khoa Sản có trên 2.800 trường hợp thai phụ sanh thường và sanh mổ, bình quân mỗi ngày có 20 trường hợp sanh và mổ, trên 2.700 lượt thai phụ đến khám tại phòng khám thai. Phòng chờ sanh dành cho tất cả thai phụ đã vào giai đoạn chuyển dạ thực sự và được theo dõi suốt trong quá trình chuyển dạ.

* Việc bố trí thai phụ trong thời gian chuyển dạ ở phòng chờ sanh sẽ có ích lợi như thế nào, thưa bác sĩ?

- Phòng chờ sanh có vai trò quan trọng trong việc chăm sóc sức khỏe cho thai phụ và thai nhi. Phòng chờ sanh có khu vực riêng và thân nhân nuôi bệnh không được vào, để đảm bảo công tác vô trùng. Điều này sẽ đảm bảo sức khỏe cho sản phụ và thai nhi. Mặt khác, phòng chờ sanh đối diện với phòng sanh nhằm xử trí nhanh những trường hợp diễn biến bất thường. Vì thế, việc người nhà nuôi bệnh ra vào phòng chờ sanh sẽ gây bất tiện cho công tác chuyên môn của y, bác sĩ.

Phiên trực phòng sanh hằng ngày gồm 3 bác sĩ và 3 nữ hộ sinh theo dõi 24/24 giờ về các những biến chứng bất thường của thai phụ nằm tại phòng chờ sanh. Tất nhiên, sau khi thai phụ sanh xong 2 giờ (đã qua giai đoạn nguy hiểm) sẽ được bác sĩ chuyển sang trại (phòng bệnh). Vì thế, việc bố trí thai phụ đã vào giai đoạn chuyển dạ, nhằm bảo vệ tuyệt đối công tác chuyên môn và sức khỏe thai phụ và thai nhi. Thai phụ và người thân chớ nên lo ngại.

* Gần đây, thông tin về thai phụ và thai nhi tử vong do bị ngã ở phòng chờ sanh tại Bệnh viện Đa khoa Gia Lai khiến không ít người lo lắng khi để con em mình ở một mình trong phòng chờ sanh. Bác sĩ nghĩ như thế nào về vấn đề này?

- Trường hợp này tôi đã biết và đã có xem qua. Theo tôi, việc thai phụ và thai nhi tử vong do ngã là chưa hoàn toàn chính xác. Nguyên nhân thai phụ bị tử vong là do bệnh lý, chứ không phải vì không có thân nhân bên cạnh nên sản phụ ngã té, đưa đến tử vong. Tuy nhiên, do chưa hiểu sâu xa về việc này nên tôi không có ý kiến. Còn với khoa Sản, Bệnh viện Đa khoa Trung ương Cần Thơ, y bác sĩ, hộ sinh... đều phải tuân thủ nghiêm qui định của khoa, từ khâu chăm sóc, khám và điều trị cho thai phụ. Trường hợp thai phụ được theo dõi ở phòng chờ sanh có dấu hiệu bất thường đều được các bác sĩ, hộ sinh của tua trực hôm đó phát hiện và can thiệp kịp thời, đảm bảo sức khỏe cho bà mẹ và thai nhi. Nếu phát hiện có trường hợp bác sĩ, hộ lý không xử lý đúng qui trình, có hành vi nhũng nhiễu đối với bệnh nhân, Ban Giám đốc bệnh viện sẽ xử lý nghiêm.

* Xin cảm ơn bác sĩ!

BÍCH NGỌC (Thực hiện)

Chia sẻ bài viết