02/09/2021 - 07:41

Biến thể Delta chiếm 100% số ca được giải trình tự gien tại Malaysia 

Phóng viên TTXVN tại Kuala Lumpur dẫn báo cáo của Bộ Y tế Malaysia ngày 1-9 cho biết trong hai tuần qua, Malaysia đã tiến hành giải trình tự gien đối với 265 mẫu xét nghiệm COVID-19 và xác nhận tất cả đều nhiễm biến thể Delta.

Có tiêm liều vaccine tăng cường hay không đang gây tranh cãi tại Malaysia. Ảnh: Reuters

Có tiêm liều vaccine tăng cường hay không đang gây tranh cãi tại Malaysia. Ảnh: Reuters

Như vậy, những gì diễn ra tại Malaysia giống với xu hướng dịch bệnh ở nhiều nơi trên thế giới, đó là  biến thể Delta đã trở thành chủng chính, không chỉ có khả năng lây nhiễm cao mà còn làm tăng nguy cơ bệnh nặng và tử vong cho người bệnh.

Cùng ngày,  Chủ tịch Hiệp hội bác sĩ y tế công Malaysia, Tiến sĩ Zainal Ariffin Omar, cho biết chương trình tiêm chủng quốc gia nên ưu tiên cho càng nhiều người càng tốt trước khi cân nhắc việc triển khai mũi tiêm tăng cường. Phát biểu trước báo giới, ông Zailnal cho rằng việc tiêm mũi tăng cường để tăng hiệu quả cho những người đã có khả năng bảo vệ không nên được ưu tiên hơn những người không có khả năng bảo vệ. Ông cho rằng sẽ không ai được an toàn cho đến khi tất cả mọi người được an toàn .

Trước đó, Tổng Thư ký Bộ Y tế Malaysia - Tiến sĩ Noor Hisham Abdullah cho biết việc tiêm mũi tăng cường cho các đối tượng đã tiêm đủ liều sẽ không hạn chế được nguy cơ mắc biến thể Delta.

Tính đến ngày 28-8, khoảng 61,1% dân số Malaysia, tương đương gần 14,3 triệu người đã hoàn thành tiêm chủng.

Pfizer hy vọng có vaccine cho trẻ em từ 5-11 tuổi sớm nhất vào cuối mùa Thu

Trong bối cảnh học sinh trên toàn thế giới đang chuẩn bị bắt đầu năm học mới mà dịch bệnh COVID-19 vẫn đang hoành hành, đe dọa quyền được học tập của các em, chính phủ các nước và các hãng dược trên thế giới đang nỗ lực sản xuất vaccine và lên kế hoạch tiêm chủng cho nhóm đối tượng này.

Một lãnh đạo cấp cao của hãng dược Pfizer, Tiến sĩ Scott Gottlieb, vừa cho biết ông hy vọng cơ quan quản lý dược phẩm của Mỹ sẽ cấp phép sử dụng khẩn cấp vaccine ngừa COVID-19 của hãng này cho trẻ em từ 5-11 tuổi vào cuối mùa Thu hoặc đầu mùa Đông tới. Theo Tiến sĩ Gottlieb, người từng giữ chức Giám đốc Cơ quan Quản lý thực phẩm và dược phẩm Mỹ (FDA) dưới thời chính quyền Tổng thống Donald Trump, hãng này đã có dữ liệu về thử nghiệm vaccine cho trẻ từ 5-11 và sẽ nộp lên FDA ngay trong tháng 9 này.

Tiến sĩ Gottlieb cho biết theo lịch trình, FDA cần khoảng từ 4-6 tuần xem xét trước khi đưa ra quyết định có cấp phép sử dụng khẩn cấp hay không. Tuy nhiên, ông Gottlieb cho rằng biến thể Delta, vốn là nguyên nhân gây ra làn sóng dịch bệnh hiện nay ở Mỹ, có thể ảnh hưởng đến quá trình xem xét vaccine cho trẻ em.

Ngày 23-8 vừa qua, FDA đã cấp phép chính thức cho vaccine ngừa COVID-19 của Pfizer. Đây là loại vaccine ngừa COVID-19 đầu tiên được FDA cấp phép đầy đủ trong bối cảnh các vaccine khác đến nay đều mới chỉ được cấp phép sử dụng khẩn cấp. Tuy nhiên, quyết định này chỉ áp dụng cho những người từ 16 tuổi trở lên.

FDA cũng đã cấp phép sử dụng vaccine của Pfizer cho trẻ em từ 12-15 tuổi từ tháng 5 nhưng trên cơ sở sử dụng khẩn cấp. Cho đến nay, Mỹ đã triển khai tiêm vaccine của Pfizer cho trẻ em ở nhóm này. Hôm 27-8, một quan chức Nhà Trắng cho biết khoảng 50% thanh thiếu niên từ 12-17 tuổi tại Mỹ đã được tiêm ít nhất một liều vaccine.

Dù virus được cho là không gây ra nhiều nguy cơ nhiễm nặng cho trẻ em so với những người trên 65 tuổi, nhưng một số nghiên cứu cho thấy trẻ em mắc COVID-19 vẫn có thể lây nhiễm cho người khác. Việc tiêm vaccine cũng sẽ giúp làm giảm việc gián đoạn học tập và giảm khả năng dịch bùng phát ở trường học.

Mỹ điều động Vệ binh quốc gia tham gia phòng chống dịch

Tại Mỹ, Thống đốc bang Idaho - Brad Little thông báo đã tái kích hoạt lực lượng Vệ binh quốc gia tại bang này đồng thời bổ sung thêm 370 nhân viên y tế và hành chính để hỗ trợ các bệnh viện vốn đang gồng mình điều trị cho các bệnh nhân COVID-19 chưa tiêm chủng.

Theo đó, 150 binh sĩ Vệ binh quốc gia sẽ tham gia hỗ trợ các hoạt động như hậu cần, sàng lọc tại các cơ sở y tế đang thiếu hụt nhân lực, trong khi đó 200 nhân viên y tế và nhân viên hành chính cũng được tăng cường thông qua hợp đồng ký với Cơ quan dịch vụ công Mỹ. Thống đốc Little cho biết thêm 20 nhân viên y tế thuộc Bộ Quốc phòng cũng được điều động hỗ trợ tại Bắc Idaho, nơi có tỷ lệ tiêm chủng thấp nhất bang Idaho.

HÀ NGỌC

Chia sẻ bài viết