02/02/2014 - 13:30

Biển Hoa Đông dậy sóng

Do những vấn đề lịch sử để lại cũng như tranh giành ảnh hưởng, Đông Á chưa bao giờ thực sự yên ổn. Năm 2013, bầu không khí khu vực này đã nóng lên dữ dội với những cuộc chạy đua tăng cường sức mạnh hải quân, các cuộc tập trận qui mô lớn, những "Vùng nhận dạng phòng không" mới được thiết lập trên biển Hoa Đông...

Từ chạy đua trang bị khí tài…

Cùng với tiềm lực kinh tế ngày càng vững, những năm qua Trung Quốc đã mạnh tay chi tiêu cho quân sự để thực hiện tham vọng siêu cường. Theo Viện nghiên cứu hòa bình quốc tế Stockholm, ngân sách quốc phòng của nước này năm 2013 lên tới 166 tỉ USD, chỉ sau Mỹ. Thời gian gần đây, Bắc Kinh tập trung đầu tư cho lực lượng hải quân, mà đáng chú ý là kế hoạch tự đóng tàu sân bay. Cuối năm ngoái hợp đồng đóng 2 hàng không mẫu hạm trị giá 9 tỉ USD với Tổng công ty công nghiệp đóng tàu Trung Quốc đã được công bố. Trước đó, hồi năm 2012, Bắc Kinh đã hạ thủy hàng không mẫu hạm Liêu Ninh, vốn cải tiến từ tàu cũ mua của Ukraina.

Không chỉ tàu sân bay, tàu ngầm của Trung Quốc cũng rất "ồn ào". Trong động thái "giương oai diễu võ", cuối năm ngoái, lần đầu tiên hải quân Trung Quốc đã công bố hình ảnh hạm đội tàu ngầm hạt nhân thế hệ đầu tiên thuộc lớp Hạ. Dù tàu ngầm lớp Hạ bí ẩn như thế, nhưng Bắc Kinh coi tàu ngầm lớp Tấn có thể mang 12 tên lửa đạn đạo JL-2 (tầm phóng 7.400km) mới là con "át chủ bài" trong chiến lược trên biển của họ. Hiện Trung Quốc được cho là sở hữu 3 tàu ngầm lớp Tấn và đang đóng thêm 2 chiếc loại này. Đây là một phần trong kế hoạch trang bị thêm 16 tàu ngầm các loại trong vòng 5 năm tới, bổ sung vào danh sách hơn 60 tàu ngầm hiện có.

Tàu hải quân của Nhật Bản và Trung Quốc rượt đuổi nhau gần quần đảo tranh chấp Senkaku/Điếu Ngư. Ảnh: Reuters

Đối với Nhật, hãng tin CNN cho rằng cú hích lớn cho nước này hồi năm ngoái là việc ra mắt tàu khu trục trực thăng mới DDH-183 Izumo với lượng giãn nước 27.000 tấn. Đây là tàu chiến thứ ba của Lực lượng phòng vệ biển Nhật Bản và là chiến hạm lớn nhất của quốc gia này kể từ sau Thế chiến thứ hai. Tokyo còn dự định đóng thêm một tàu sân bay khác cũng thuộc lớp Izumo. Riêng về tàu ngầm, Nhật dự kiến sẽ có tổng cộng 22 tàu ngầm trước năm 2020. Nổi bật trong đó là "đàn rồng biển" lớp Soryu mà Tokyo phát triển từ năm 2005 và được đánh giá là một trong những loại tàu ngầm điện-diesel tốt nhất thế giới hiện nay. Chiếc Kokuryu (tức Rồng Đen) được hạ thủy hồi cuối tháng 10 là chiếc thứ sáu thuộc lớp Soryu trong "đàn 8 con" này.

Dù chưa thể sánh bằng Trung Quốc hay Nhật Bản nhưng Hàn Quốc không chấp nhận đứng ngoài cuộc chơi. Nước này đã gấp rút trang bị một loạt tàu chiến hiện đại cho hải quân, nổi bật nhất là tàu sân bay trực thăng Dokdo với lượng giãn nước 19.000 tấn. Hồi tháng 8, hải quân Hàn Quốc đã hạ thủy tàu ngầm tấn công 1.800 tấn và là chiếc thứ tư thuộc lớp 214 được biên chế hoạt động từ năm 2010. Hàn Quốc cũng đang xây dựng một căn cứ hải quân mới dành cho 20 chiến hạm, kể cả tàu ngầm, để bảo vệ tuyến hàng hải ở biển Hoa Đông. Cuối năm ngoái, Seoul còn quyết định đóng thêm 3 tàu khu trục Aegis với tổng kinh phí lên tới 3,8 tỉ USD.

…đến rầm rộ tập trận

Một điều dễ nhận thấy là Đông Á thời gian gần đây xuất hiện dày hơn các cuộc tập trận quy mô lớn. Năm ngoái, Trung Quốc và Nga đã "khuấy động" vùng biển Hoa Đông bằng cuộc tập trận hải quân chung "lớn chưa từng có" với sự góp mặt của 18 tàu mặt nước và 1 tàu ngầm. Trong số những hoạt động quân sự rầm rộ khác, đáng chú ý là cuộc tập trận trên bán đảo Sơn Đông gần Hàn Quốc và Nhật Bản hồi tháng 12 với sự tham gia của khoảng 20.000 binh sĩ từ các binh chủng hải, lục, không quân và tên lửa.

Trong khi đó, Nhật Bản đã huy động đến 34.000 binh sĩ, 6 tàu chiến và 380 máy bay quân sự tham gia cuộc tập trận kéo dài tới 18 ngày hồi tháng 10. Không lâu sau đó, quân đội Nhật lại tổ chức đánh trận giả chung với Mỹ ngoài khơi đảo Okinawa với sự góp mặt của hàng không mẫu hạm USS George Washington.

Năm 2013 Hàn Quốc cũng tiến hành nhiều cuộc tập trận, nhất là ở khu vực đảo Dokdo/Takeshima tranh chấp với Nhật. Hồi tháng 12, Hàn Quốc lại tập trận gần vùng biển quanh bãi đá ngầm Ieodo/Tô Nham Tiêu tranh chấp với Trung Quốc. Động thái này diễn ra chỉ hơn 1 tuần sau khi Bắc Kinh thiết lập cái gọi là "Vùng nhận dạng phòng không" (ADIZ) trên biển Hoa Đông, bao phủ cả vùng trời Ieodo/Tô Nham Tiêu.

Nóng cả trên không

Việc Trung Quốc đơn phương thiết lập ADIZ hồi hạ tuần tháng 11 ôm hầu hết bầu trời biển Hoa Đông, chồng lấn lên ADIZ trước đó của Nhật và khu vực đang tranh chấp với Hàn Quốc đã khiến tình hình khu vực thêm căng thẳng, nhất là khi Bắc Kinh hùng hổ tuyên bố có quyền bắn hạ mọi máy bay nước ngoài vào ADIZ mà không thông báo hoặc tuân thủ theo các hướng dẫn của họ. Dĩ nhiên là cả Nhật, Hàn Quốc và đồng minh chủ chốt của họ bên kia bờ Thái Bình Dương lập tức phản đối hành động này. Tokyo, Seoul và Washington đã cho máy bay chiến đấu bay vào ADIZ để thách thức cũng như thăm dò phản ứng của Bắc Kinh. Mỹ đồng thời tái cam kết sẽ bảo vệ Nhật tới cùng, trên cơ sở hiệp ước phòng thủ chung song phương, nếu xảy ra xung đột với Trung Quốc xung quanh quần đảo tranh chấp Senkaku/Điếu Ngư. Trả đũa hành động của Trung Quốc, Hàn Quốc sau đó quyết định mở rộng ADIZ của mình và nhận được sự ủng hộ từ Nhật.

Một số quốc gia không có liên quan như Úc, Philippines… cũng phản đối ADIZ của Trung Quốc trên biển Hoa Đông. Điều này có thể hiểu được bởi nếu việc thành lập ADIZ đầu tiên "thuận buồm xuôi gió", Bắc Kinh chắc chắn sẽ "được nước làm tới". Chính Đại sứ Trung Quốc tại Manila Mã Khắc Khanh và người phát ngôn Bộ Ngoại giao Hồng Lỗi đều xác nhận kế hoạch thiết lập các ADIZ trên biển Đông và Hoàng Hải của Bắc Kinh.

Thật ra, không phải cho tới khi Bắc Kinh thành lập ADIZ, bầu trời biển Hoa Đông mới nóng. Thủ tướng Nhật Shinzo Abe hồi đầu tháng 10 đã cho phép lực lượng phòng vệ nước này bắn hạ máy bay không người lái của nước ngoài xâm phạm không phận Nhật. Quyết định trên chủ yếu nhằm vào Trung Quốc, nên Bộ trưởng Quốc phòng Trung Quốc Thường Vạn Toàn lập tức tuyên bố Bắc Kinh coi việc bắn hạ máy bay không người lái của họ là hành động chiến tranh. Trên thực tế là hồi năm ngoái không ít lần Nhật phải điều chiến đấu cơ lên xua đuổi máy bay quân sự Trung Quốc khỏi bầu trời Senkaku/Điếu Ngư.

 

Chia sẻ bài viết