17/12/2016 - 16:13

Biên đạo Huỳnh Nhật Danh: Cần tìm ngôn ngữ riêng cho nghệ thuật múa ĐBSCL

 

Hiện nay, nghệ thuật múa ở Cần Thơ nói riêng, ĐBSCL nói chung, tuy phát triển khá đều nhưng chưa có bản sắc riêng. Định vị loại hình này trên bản đồ nghệ thuật ĐBSCL là việc cần được những người làm nghề quan tâm. Nhân dịp Cần Thơ vừa đạt kết quả cao tại Liên hoan Múa không chuyên toàn quốc năm 2016, phóng viên Báo Cần Thơ đã phỏng vấn biên đạo Huỳnh Nhật Danh, Ủy viên BCH Hội Nghệ sĩ múa Việt Nam (phụ trách khu vực Tây Nam bộ), Phó Chủ tịch Hội Nghệ sĩ múa TP Cần Thơ.

* Thưa ông, Cần Thơ tham dự Liên hoan Múa không chuyên toàn quốc 2016 với 4 tiết mục, đều là loại hình múa dân gian và đều đạt giải. Xin ông chia sẻ đôi điều về thành công này?

- Xin được nói thêm, tại Liên hoan Dân ca 3 miền diễn ra ở Kiên Giang trước đó, Cần Thơ cũng đạt giải Vàng với bài múa "Mâm vàng Cửu Long". Bày tỏ điều này để thấy rằng, nghệ thuật múa truyền thống của các dân tộc ở ĐBSCL luôn là mảnh đất màu mỡ cho đội ngũ biên đạo khai thác.

Vấn đề là làm sao để múa truyền thống hài hòa, không lệch pha trên sân khấu hiện đại. Phải biết giữ những động tác múa đặc trưng, cổ truyền nhưng biết cách kết hợp khéo léo những động tác bê đỡ, giao đãi, giải phóng hình thể của múa hiện đại để thu hút người xem.

Một tiết mục múa được Trung tâm Văn hóa TP Cần Thơ trình diễn tại Hội nghị Hợp tác giữa các địa phương Việt - Pháp 2016. Ảnh: DUY KHÔI

* Với tư cách Ủy viên BCH Hội Nghệ sĩ múa Việt Nam, phụ trách khu vực Tây Nam bộ, ông có nhận xét gì về múa ở ĐBSCL và Cần Thơ hiện nay?

- Những nghệ sĩ múa ở ĐBSCL luôn thể hiện tinh thần yêu nghề kính nghiệp và khẳng định vị trí. Những nghệ sĩ gạo cội như Thạch Thị Thane (Trà Vinh), Văn Na (Sóc Trăng), Kim Ly Mét (Kiên Giang), Thu Thủy (Sóc Trăng)… nhiều năm qua vẫn mang đến cho nghệ thuật múa những tác phẩm giá trị.

Ở Cần Thơ, đây là thời điểm múa phát triển khá mạnh. Chỉ riêng Hội Nghệ sĩ múa thành phố đã có gần 100 hội viên, đó là chưa kể khoảng 200 nghệ sĩ múa đang sinh hoạt tại gần 20 đội, nhóm, câu lạc bộ múa trên toàn thành phố. Điều đặc biệt ở Cần Thơ là chất lượng múa chuyên nghiệp và không chuyên gần như bằng nhau. Đội ngũ múa không chuyên ở Cần Thơ đông đảo, đóng góp cho thành phố tại nhiều sự kiện lớn và tạo sinh khí cho phong trào.

* Vậy, điểm yếu của múa ĐBSCL hiện nay là gì, thưa ông?

- Đó là thiếu bản sắc riêng, chưa tìm được ngôn ngữ đặc trưng. Cụ thể, nếu nhìn động tác múa, người xem có thể đoán biết điệu thức đó đặc trưng của vùng Tây Bắc, Tây Nguyên… nhưng múa đồng bằng vẫn bị pha lẫn, thiếu nét riêng. Điều này đòi hỏi đội ngũ biên đạo múa ĐBSCL tìm tòi, khẳng định bản sắc của mình thông qua động tác, vũ đạo, ngôn ngữ múa. Muốn vậy, các biên đạo cần học hỏi, tiếp cận nhiều hơn nữa các loại hình múa dân gian và sự am hiểu văn hóa vùng miền để cụ thể hóa thành động tác múa.

Một phần nguyên nhân của điểm yếu này, tôi cho rằng là do một số nhóm, đội múa làm dịch vụ, áp lực kinh tế nên chưa đầu tư sát đáng cho bài múa. Việc "lắp ghép", nhào nặn, lấy của mỗi người một chút làm cái của mình khiến bài múa không có ngôn ngữ riêng.

* Chuyện múa minh họa theo kiểu "đông vui", phản cảm trên sân khấu đã được giới chuyên môn nhắc nhiều. Quan điểm của ông ra sao?

- Múa minh họa có ngôn ngữ và chức năng riêng, nếu làm đúng. Cũng như nhiều người, tôi rất bức xúc chuyện lạm dụng nghệ thuật múa minh họa trên sân khấu: buồn, vui, ca cổ, ca nhạc… gì cũng múa loạn xạ, bất kể cần thiết hay không. Có bài minh họa, biên đạo cho vào chừng 20 động tác bê đỡ, gây nhàm chán và phản cảm. Những tổ hợp múa cứ đưa trái, đưa phải y chang nhau, dễ dàng bắt gặp ở nhiều sân khấu. Đó là chưa kể nhiều tình huống múa minh họa "dở khóc dở cười" mà tôi từng gặp: múa Ấn Độ nhưng sử dụng âm nhạc dân tộc Chăm; múa Tây Bắc nhưng khoác trên người trang phục Tây Nguyên… Theo tôi, để hạn chế tình trạng này cần sự hợp tác của người làm biên đạo và cả những người xét duyệt chương trình.

* Xin cảm ơn ông!

ĐĂNG HUỲNH (thực hiện)

Chia sẻ bài viết