26/10/2014 - 08:28

Bí quyết của “Thầy nò”

Các từ điển, kể cả hai bộ “Đại Nam quấc âm tự vị” của Huình Tịnh Paulus Của (in năm 1896), và “Tự vị Tiếng Việt miền Nam” của Vương Hồng Sển (in năm 1993) đều không thấy có mục từ “thầy nò”. Trong khi đó, làm nò là nghề khai thác cá quy mô, rất phổ biến ở đồng bằng Cửu Long.

Ở đồng bằng Cửu Long khoảng từ cuối tháng 6 âm lịch trở đi, nước trên nguồn đổ xuống gần như đâu đâu cũng ngập lênh láng, có nơi sâu vài ba thước. Khi nước chớm giựt, để không bị kẹt lại trên đồng, toàn bộ tôm cá đều bươn bả rút xuống ao, hầm hoặc mương, rạch, tìm đường ra sông. Lăng xăng nhứt là các loại cá trắng. Dân ruộng gọi “mùa cá ra”. Lúc này, ai nấy cũng đã chuẩn bị sẵn mấy tấm đăng đem cắm ở những miệng mương, hay vàm rạch để chặn bắt cá. Cá ra xanh nước, tuyệt đại bộ phận là cá linh. Chúng lần theo vách đăng, để rồi tất cả đều chui tọt vào cái “đó” đã đặt sẵn, nên người làm nò phải liên tục dỡ đó lên đổ cá vào ghe xuồng, rồi nhanh tay đặt xuống liền để không bị thất thoát. Cách bắt cá đơn giản này dân ruộng gọi “ngồi nò”, đàn bà ở nông thôn đều làm được, tuy chỉ kiếm chừng mươi giạ hoặc hơn, nhưng cũng đủ ủ năm bảy hũ mắm, để dành ăn mãn năm. Nên ca dao có câu “Chồng chài, vợ lưới, con câu, Thằng rể đóng đáy, con dâu ngồi nò”.

“Ngồi nò” là làm ăn nhỏ có tính cách gia đình; còn “làm nò” thì quy mô hơn. Công việc của họ là làm “đăng ven” ngay trên những cánh đồng còn ngập nước, vì ở nơi mênh mông như vậy mới có thể xuống được những đường ven dài hàng trăm, thậm chí hàng ngàn mét. Hình thức thì quanh quẹo như một “ma trận”. Do đó, người làm nò phải có kinh nghiệm biết dụ dẫn sao cho toàn bộ tôm cá trong khu vực đều chen nhau vào “rọ”, bởi nếu làm không đúng kỹ thuật, sẽ rất dễ bị “trật tay”, sạt nghiệp như chơi. Vì vậy, người chưa kinh nghiệm, hoặc không tự tin, bao giờ cũng phải rước “thầy nò”, bởi có thầy nhúng tay vào thì y như rằng, binh tôm tướng cá rủ nhau kéo vô cứng lọp mà không cần nhử mồi!

 Ông Ba Phấn ở thị trấn Phú Mỹ (Phú Tân, An Giang) kể chuyện làm nò.

Tùy địa thế vùng đất nơi xuống đăng nước ngập sâu hay cạn mà làm đăng dài hay ngắn, thường thì cao khoảng từ 2- 2,5 mét. Bao giờ người làm nò chuyên nghiệp cũng thủ sẵn mấy tay đăng ngắn phòng khi bị ngập (nước dâng cao quá) để có mà chấp thêm, cho cao khỏi mặt nước. Tuy tốn kém và mất công nhưng ai nấy rất phấn khởi vì những năm nước lớn, sản lượng cá thường gấp đôi, gấp ba. Đăng được đóng trên đồng, ở những nơi mà theo cặp mắt nhà nghề sẽ có nhiều cá đi. Mỗi “tay đăng” trải ra chỉ dài chừng mươi mét, vừa sức người khi vận chuyển. Chúng được kết nối lại như hàng rào dài, nhưng không phải thẳng một đường mà được thiết kế quanh quẹo thành nhiều phân khúc liên hoàn. Mỗi phân khúc, ngoài phần “đăng dẫn” thẳng và dài là phần “đăng bắt”, được thiết kế như hình chữ V, chữ M, hoặc chữ X. Tại những góc nhọn của đường đăng ấy, người ta chừa kẽ hở vừa đủ cho cá lội qua được. Miệng “đăng bắt” quay về hướng nào là do con mắt nhà nghề quyết định trên cơ sở địa hình, địa vật cụ thể.

Ở những nơi có địa hình rộng rãi như trên đồng ruộng (mùa nước nổi, cá nhởn nhơ trên đồng), hoặc ở lung, bàu người ta chọn địa thế thuận lợi, nước sâu khoảng ngang ngực để xuống đăng. Cả hai việc đóng đăng và xây rọ đều đòi hỏi phải có tay nghề nhất định. Nếu đạt yêu cầu kỹ thuật, cá sẽ kéo vào chật rọ, mặc sức mà “đổ lọp”. Muốn được như vậy đường ven nhứt thiết phải “êm”, có nghĩa không bị “tức”, sao cho con cá trước khi vào lọp, được hướng dẫn theo một lộ trình rất thoải mái, hoàn toàn không có gì để nghi sợ. Khi đã vào “bầu thả” (các đường ven hình chữ vừa nói) cá sẽ được đưa đến “bầu rút” tức sân chơi của những chữ V nhỏ bên trong. Cuối cùng nó sẽ được “mời” vào “bầu bắt”, tức cái rọ. Tại mỗi “bầu” (rọ) người ta đều có làm hom. Hễ bầu thả thì đặt hom thả, cá vô ra dễ dàng; bầu rút thì đặt hom rút, vô dễ ra khó; còn bầu bắt thì có hom bắt, vô phương trở ra! Người ta đặt nhiều cái lọp to theo đường ven, áp sát vào đăng, ở đó có chừa một lỗ vuông nhỏ chừng 5cm cho cá trong bầu bắt chen vào. Do cố tình bện rẽ đăng thưa để bắt cá đen (rô, trê, lóc...- loại cá chịu ngộp giỏi) nên mỗi ngày người ta chỉ cần đổ lọp một cữ vào lúc sáng sớm.

Nếu thấy có hiện tượng cá nhảy lung tung tại các bầu thì phải mau mau sửa hom lại, vì không thông. Trường hợp thu hoạch sản lượng kém, nhất thiết phải dỡ đăng lên đặng đóng lại cho đúng hướng theo dòng nước chảy. Đây là công việc rất nặng nhọc, lạnh và đòi hỏi phải có thầy, gọi “thầy nò”. Nổi tiếng nhất là các thầy nò miệt Châu Đốc. Mùa nước, bà con ở miệt dưới, nhất là vùng Rạch Giá, Hà Tiên, thường đến rước các thầy về làm cố vấn xây rọ. Khó nhất là kiểm tra, sửa lại những đường ven không đạt yêu cầu. Đó là những bí quyết nghề nghiệp !

Thầy nò tuy nghèo, thậm chí rất nghèo nhưng không bao giờ trông chờ khoản hậu tạ, mặc dù thầy đã phải lặn hụp giữa đồng sâu sửa lại những đường ven đạt yêu cầu kỹ thuật, giúp cho không ít người làm nò có được khoản thu nhập rất đáng kể. Phải chăng đây là một nét cư xử đặc trưng của những người sống nghề hạ bạc?

Hôm ấy, nhân được anh bạn hàng xóm mời dự bữa tiệc đãi tạ ơn thầy nò vừa giúp anh thắng lớn, do ham tìm hiểu, tôi không thể không tranh thủ “phỏng vấn chớp nhoáng” chuyện nghề nghiệp. Những tưởng sẽ bị từ chối khéo, không ngờ thầy vui vẻ tiết lộ:

- Chú em muốn học nghề phải không? Rất đơn giản! Do đặt đường ven không ổn mà thôi. Cụ thể là mặt bằng của đất, ngay tại các bầu rút, và cả đến vùng đệm xung quanh, nhất là phía mặt tiền, có thể do những bờ đê hoặc mương sâu chi phối làm đổi hướng dòng chảy tự nhiên ở tầng dưới. Mà dòng chảy ở tầng dưới giữa đồng không phải rõ ràng như ở kinh rạch vì chảy rất yếu, không dễ cảm nhận được. Nhưng vì sao tôi biết, mà lại biết rất rõ?

Nói đến đây thầy chỉ chỉ lên cái búi tóc nhỏ sau ót:

- Nhờ nó đó! Khi mình lặn xuống nước thì xổ tóc ra, thấy tóc bị nước đùa về phía nào thì biết ngay dòng chảy. Theo đó mà sửa. Quá dễ dàng. Hễ sửa xong thì số cá thu hoạch được hẳn phải gấp năm, gấp mười so với trước.

Hiệu quả như vậy nhưng ngộ cái là các thầy nò không lấy đó để đòi tiền công. Hèn gì hôm ấy chủ nò tạ ơn thầy nò bằng cách bắt toàn tôm càng, cá bự để cả nhà “vui vẻ” với thầy một trận quyết liệt.

NGUYỄN HỮU HIỆP

Chia sẻ bài viết