09/10/2014 - 21:33

HƯỞNG ỨNG NGÀY SỨC KHỎE TÂM THẦN THẾ GIỚI 10-10

Bệnh trầm cảm - Cần cộng đồng quan tâm

Bệnh trầm cảm xảy ra ở mọi đối tượng, độ tuổi nhưng rất ít bệnh nhân nhận diện được bệnh. Theo các bác sĩ, nếu bệnh không được phát hiện, điều trị sớm, bệnh diễn tiến ngày càng trầm trọng, bệnh nhân có thể có hành vi tự sát. Để phòng tránh trường hợp đáng tiếc xảy ra, bệnh nhân cần có kiến thức để nhận biết sớm dấu hiệu. Sự quan tâm của gia đình và xã hội đối với căn bệnh này là hết sức cần thiết.

Ai cũng có thể mắc bệnh

Chỉ trong buổi sáng 27-9, Phòng Khám bệnh của Bệnh viện Tâm thần TP Cần Thơ tiếp nhận 11 bệnh nhân trầm cảm trong tổng số 58 bệnh nhân đến khám.

Bệnh nhân L. K. N. (ở huyện Phụng Hiệp, tỉnh Hậu Giang), 24 tuổi, vẻ mặt u buồn, mệt mỏi, trao đổi với bác sĩ: "Tôi bị mất ngủ, đau đầu và không muốn làm bất cứ việc gì, kể cả xem ti-vi hay nghe nhạc, việc mà trước đây tôi rất thích. Tôi cũng từng nghĩ đến cái chết". Qua thăm khám, khai thác bệnh sử và thực hiện bài test đánh giá, bác sĩ kết luận bệnh nhân N. mắc chứng trầm cảm.

Còn bệnh nhân L. P. C. (ở huyện Long Phú, tỉnh Sóc Trăng), 46 tuổi, là nông dân tìm đến bác sĩ với các triệu chứng tương tự N. nhưng suy nghĩ và phản ứng của ông C. chậm chạp hơn bình thường. Ông C. báo bệnh với bác sĩ: "Tôi luôn cảm thấy mệt mỏi, nhức đầu; đêm không ngủ, ngày ngủ li bì, không muốn đi ra ngoài, chỉ thích ngồi một mình". Ông C. cũng được bác sĩ chẩn đoán mắc chứng trầm cảm nặng, phải điều trị thời gian dài.

Bác sĩ thăm khám, hỏi thăm tình trạng bệnh nhân trầm cảm đang điều trị nội trú tại Bệnh viện Tâm thần TP Cần Thơ.

Theo báo cáo của Bệnh viện Tâm thần TP Cần Thơ, năm 2013, bệnh viện tiếp nhận khám, điều trị cho 1.595 bệnh nhân trầm cảm (trong đó có 42 bệnh nhân nội trú), chiếm hơn 6,5% số bệnh nhân đến khám, điều trị tại bệnh viện. 9 tháng năm 2014, bệnh viện tiếp nhận điều trị 1.199 bệnh nhân trầm cảm, trong đó có 33 bệnh nhân nội trú. Bác sĩ Thiều Quang Hùng, Trưởng khoa Khám bệnh, Bệnh viện Tâm thần TP Cần Thơ, cho biết: "Đa số bệnh nhân đến khám, điều trị đều không nhận thức mình mắc bệnh trầm cảm mà chủ yếu điều trị các triệu chứng, phổ biến nhất là mất ngủ, đau đầu, suy nhược cơ thể… Một số bệnh nhân được người nhà đưa đến vì nhận thấy người thân có biểu hiện khác thường hoặc do bác sĩ ở các cơ sở y tế khác hướng dẫn đến. Chính vì bệnh nhân không nhận thức mình mắc bệnh nên để tình trạng bệnh kéo dài, ngày càng trầm trọng và có thể dẫn đến hành vi tự sát. Theo nghiên cứu của y học, khoảng 1% bệnh nhân trầm cảm có hành vi hoặc ý nghĩ tự sát trong 12 tháng kể từ khi phát bệnh".

Cần đánh thức sự quan tâm xã hội

Theo các bác sĩ của Bệnh viện Tâm thần TP Cần Thơ, có nhiều nguyên nhân gây ra chứng trầm cảm như: di truyền, ảnh hưởng các bệnh thực tổn, mất cân bằng tâm lý, nghiện rượu,… Theo đó, những người chịu nhiều áp lực, căng thẳng thời gian dài, mất mát người thân, hôn nhân không hạnh phúc, sau bệnh tật (chấn thương sọ não, tai biến…), nghiện rượu thời gian dài đều có nguy cơ mắc bệnh trầm cảm. Trầm cảm xảy ra ở mọi đối tượng, mọi độ tuổi, nhiều nhất từ 20 đến 50 tuổi.

Điều đáng lo ngại là hiện nay, sự quan tâm của xã hội đối với căn bệnh này chưa nhiều, thậm chí một số trường hợp không biết về bệnh này dù đang mắc bệnh. Bác sĩ Võ Cánh Sinh, Phó Giám đốc Bệnh viện Tâm thần TP Cần Thơ, nói: "Hiện nay, nhận thức và sự quan tâm của xã hội dành cho bệnh trầm cảm chưa cao. Trầm cảm không chỉ ảnh hưởng sức khỏe bệnh nhân mà còn trực tiếp ảnh hưởng kinh tế gia đình và xã hội do gánh nặng chi phí điều trị và giảm năng lực lao động. Để đánh thức sự quan tâm của xã hội, trước tiên, cần đẩy mạnh nhiều hình thức truyền thông để nâng cao nhận thức, thu hút sự quan tâm đối với bệnh này, từ lãnh đạo các cấp, các ngành và mỗi người, mỗi gia đình".

Theo bác sĩ Hùng, điều trị trầm cảm phải mất nhiều thời gian, khoảng 6-9 tháng, nếu tình trạng nặng hơn như: có hành vi hoặc ý nghĩ tự sát, bỏ ăn, phải nhập viện điều trị. Do đó, mỗi người cần chú ý, đánh giá tình trạng sức khỏe, tinh thần, nhận ra các dấu hiệu trầm cảm để sớm điều trị. Bên cạnh đó, gia đình khi phát hiện người thân có các biểu hiện bệnh trầm cảm, cần đưa đến bác sĩ chuyên khoa hoặc bệnh viện tâm thần để được chẩn đoán, điều trị ngay. Đồng thời phải hết sức quan tâm, chăm sóc và chia sẻ ưu phiền, lo lắng với người bệnh. Các triệu chứng trầm cảm gồm:

- Khí sắc trầm buồn: Khoảng 90% bệnh nhân than phiền cảm thấy buồn chán vô cớ; vô vọng; lời nói, cử chỉ, y phục thay đổi; một số bệnh nhân khóc lóc, số khác không thể khóc…

- Mất hứng thú: Gặp ở hầu hết bệnh nhân, không muốn làm gì, sở thích thay đổi (giảm hoặc mất). Người có gia đình mất hứng thú trong sinh hoạt vợ chồng.

- Giảm vận động: chậm chạp trong suy nghĩ, lời nói, hành động; thường ngồi một chỗ.

- Các biểu hiện khác: khó ngủ, mất ngủ, giật mình khó ngủ lại; ăn uống không ngon miệng, không thèm ăn, bỏ ăn, dẫn đến suy nhược cơ thể; mặc cảm tự ti, tự đánh giá thấp bản thân; có ảo giác và hoang tưởng là triệu chứng nặng, khó đáp ứng điều trị, dễ tái phát; có ý nghĩ và hành vi tự sát.

Bài, ảnh: LÊ YÊN

Chia sẻ bài viết