14/06/2008 - 22:48

"Bệnh lạ" ở Fallujah

Hayfa’ Shukur, 28 tuổi, có hai con đều bị bại não từ lúc mới chào đời. Chồng bị lính Mỹ bắt từ tháng 11-2004 đến nay vẫn chưa được thả nên chị phải một mình bồng con gõ cửa khắp các bệnh viện công lẫn tư nhưng chúng vẫn không qua khỏi. “Tất cả của cải dành dụm tôi đã dồn vào lo cho hai đứa nhỏ, nhưng vẫn không đủ nên phải vay mượn thêm rất nhiều”, Shukur trải lòng với phóng viên của hãng IPS. Shukur kể các bác sĩ nói bệnh tình không thể cứu chữa của hai đứa con chị là do ảnh hưởng của loại vũ khí bị cấm phổ biến. Tuy nhiên, “không một ai đủ dũng khí cho tôi xem hồ sơ bệnh án cả”.

Đúng như những gì chị Shukur kể, nhiều bác sĩ ở Fallujah thừa nhận sau sự kiện tháng 11-2004 đến nay số trường hợp trẻ sinh ra mắc bệnh lạ hoặc dị tật bẩm sinh gia tăng với qui mô chưa từng có trong quá khứ. Một bác sĩ nhi khoa đề nghị giấu tên cho biết nhiều trẻ chào đời bị khuyết tật ở tim, hở hàm ếch, hội chứng Down và khiếm khuyết tay chân. “Tất cả các chứng bệnh “lạ” đã và đang xảy ra ở Fallujah đều có liên quan đến tình trạng ô nhiễm chất độc sau hai vụ thảm sát tháng 11-2004", vị bác sĩ này khẳng định.

Các bác sĩ ở Fallujah chăm sóc các nạn nhân của bom đạn Mỹ. Ảnh: Internationalist.org 

Dân chúng Fallujah không thể nào quên việc quân đội Mỹ sử dụng “một loại vũ khí đặc biệt” trong hai chiến dịch đánh bom trên diện rộng ở địa phương này, gây ra hàng loạt cái chết thương tâm chấn động thế giới cách đây 4 năm. “Chúng tôi thấy những quả tên lửa và đạn pháo của Mỹ khi phát nổ đã hiện ra tất cả sắc màu của cầu vồng”, bà Ali Sarhan, giáo viên 50 tuổi, từng chứng kiến hai vụ thảm sát kinh hoàng năm đó, kể. Bà nhìn thấy nhiều nạn nhân bị trúng bom, thi thể bị cháy còn trơ lại xương và than. “Sau này chúng tôi biết được đó là bom phốt-pho. Điều đáng buồn là nhiều chị em phụ nữ chúng tôi đã bị sẩy thai trong khi một số thì sinh con bị khuyết tật”.

Lúc đầu một mực phủ nhận nhưng đến tháng 11-2005, Lầu Năm Góc lên tiếng thừa nhận đã sử dụng phốt-pho trắng, loại vũ khí nằm trong danh mục cấm phổ biến, và đạn uranium làm nghèo (DU) có chứa chất thải phóng xạ tại Fallujah một năm trước đó. Mỹ thừa nhận đã dùng tổng cộng 1.200 tấn DU trên toàn lãnh thổ Iraq kể từ khi bắt đầu cuộc chiến hồi tháng 3-2003 đến tháng 11-2005. Nhiều bác sĩ cho rằng DU đã được sử dụng từ hồi chiến tranh Vùng Vịnh năm 1991 và là nguyên nhân làm tăng đáng kể số ca ung thư tại Iraq. Nhiều cựu binh tham chiến trước đây và hiện nay ở Iraq cũng bị vạ lây.

Tuy nhiên, đến nay, vẫn chưa có cơ quan hay tổ chức nào đứng ra nghiên cứu về những căn bệnh “khác thường” tại Fallujah nói riêng và Iraq nói chung. Lãnh đạo Bệnh viện Đa khoa Fallujah chưa bao giờ công khai con số thống kê về trẻ sơ sinh bị khuyết tật. Các bác sĩ phần đông không dám đứng ra tố cáo sự thật hoặc nếu có lên tiếng thì đề nghị không nêu danh tánh.

“Bệnh lạ” ở Fallujah một lần nữa cho thấy Lầu Năm Góc thường hay sử dụng các loại vũ khí nguy hại cả trước mắt lẫn lâu dài trong các cuộc chiến tranh với hy vọng làm lung lay tinh thần của đối phương. Họ thừa nhận hành động này nhưng chưa bao giờ lên tiếng xin lỗi hay cam kết bồi thường cho nạn nhân. Họ biết rõ đó là tội ác song dường như Washington vẫn cố tình tái phạm.

PHÚC NGUYÊN (Theo IPS)

Chia sẻ bài viết