04/06/2022 - 20:55

Bến đợi 

Truyện ngắn: Hoàng Khánh Duy

 

Đã lâu rồi tôi mới trở lại bến, kể từ ngày tôi rời bỏ chiếc ghe cũ đến nỗi nước sông cứ chảy vào rỉ rả. Ngồi ở tầng cao của quán cà phê trên bến, tôi có thể thấy được con sông xẻ đồng bằng chảy xuôi, những chiếc du thuyền sáng đèn tấp nập, cả chiếc cầu dây văng mềm mại như dải lụa nối đôi bờ… Cảnh đẹp và trù phú. Sông dài huyền diệu trong đêm.

Những hình ảnh đó gợi cho tôi nhớ về những đêm xa xưa tôi ngồi trên mũi ghe xếp thuyền giấy thả trên dòng sông. Thuyền giấy nổi không được bao lâu thì ngấm nước, chìm nghỉm. Cha gọi tôi vào trong ghe, sợ tôi cảm gió. Tôi giăng mùng, nằm co ro trên tấm chiếu cũ, nước vỗ vào sườn ghe róc rách. Âm thanh dịu dàng của đồng bằng đưa tôi vào giấc ngủ. Trong đêm cha tôi thường ngồi hút thuốc sau lái, khói tỏa ra thành từng vệt trôi rồi rã ra trong không gian bất tận…

Lúc đó cha con tôi sống trên chiếc ghe nhỏ lang bạt nay đây mai đó. Những chỗ mà chúng tôi dừng lại, cha gọi là bến tạm, bởi không biết đâu là bến cuối để chúng tôi có thể rời bỏ chiếc ghe mà nước sông bắt đầu ngấm sâu vào từng thớ gỗ, để lên bờ cất nhà, sống cuộc đời bình yên mà không phải sợ những ngày gió giông mưa bão. Cha nói chừng nào tìm được mẹ tôi thì chúng tôi mới lên bờ. Ở trên ghe, tôi thường thấy buồn mỗi lúc chiều buông, khi cánh vạc kêu, xa xôi trên nền trời đỏ ửng như lửa cháy. Tôi thích sống trên bờ hơn dưới ghe, đơn giản vì cố định một chỗ và không cần phải toan tính sẽ rẽ sông trái hay sông phải ở ngã ba để đi tiếp, không phải phập phồng lo sợ mỗi đêm mưa giông. Tôi cũng muốn được tiếp tục đi học. Tôi nhớ ngày xưa mỗi sáng mẹ đều bơi xuồng qua sông rồi dẫn tôi đi học, trưa trưa cha đón tôi về nhà, cõng tôi qua khúc cây khô bắc ngang con mương. 

“Lên bờ đi cha. Cha con mình tìm mẹ cả năm rồi mà có gặp đâu...”. Tôi nói với cha như vậy khi khát khao tìm mẹ vẫn lớn mãi trong cha. Cha tìm kiếm và chờ đợi mẹ trở về. Cha từ bỏ lời ngỏ của người đàn bà mặc áo bông đứng liêu xiêu bên bờ sông, rằng muốn cùng cha đi hết đoạn đời còn lại. Cha dong ghe đi, không nói một lời. Tôi hỏi sao người ta thương cha mà cha đối xử với người ta bạc bẽo dữ vậy. Cha ngó lơ, nhìn dáo dác. Hai bên sông toàn là dừa nước xanh um. Ở đây sông nào cũng như nhau, khó phân biệt. Cha nói gọn: “Cha có mẹ của bây rồi”. Tôi ngoái lại nhìn người đàn bà đang đứng ở bến sông với đôi mắt u buồn. Biết đâu đó là lần cuối cùng tôi nhìn thấy bà, vì cha tôi thường không đi lại quãng sông cũ.

Cha tôi hay nhắc về mẹ. Những bữa cơm trên ghe tôi nấu đơn giản, có cá kho, rau luộc, hoặc thêm tô canh rau tập tàng cha hái được ở một bờ bãi nào đó. Thoảng cha lại chê món này hơi mặn, món kia hơi lạt, cơm hơi khô… không giống như mẹ nấu. Tôi giận sôi nước mắt: “Vậy thì cha đi tìm mẹ về nấu cho cha đi”. Cha im re, ngồi xoay mặt ra sông hút thuốc, tôi nhìn kỹ, thấy tóc cha đã bạc hơn một nửa mái đầu. Tôi lùi lũi ra sau ghe nấu lại mấy món ăn, cố nêm nếm sao cho giống mẹ. Dù dư vị năm xưa đã phai lợt trong tôi ít nhiều.

*

Cái xóm cũ đã lùi xa sau lái ghe, biền biệt. Những hình ảnh cuối cùng về xóm cũ còn lại trong tôi mấy ngôi nhà bên bờ sông, chỗ cái bến có mấy chiếc ghe lạ thường về neo đậu. Ở đó, có những chiều tôi theo mẹ ra sông giặt đồ, những sớm mai tôi ngồi trên chiếc xuồng nhỏ để mẹ bơi sang sông đưa tôi đi học, có con sáo sậu thường về đậu trên cành tre bên kia sông, đưa mắt nhìn sang bên này… Rồi sáo bay đi. Mẹ tôi cũng đi, trong một đêm tôi ngủ say, cha thì bơi xuồng đi soi cá ở tận mấy con rạch heo hút.

Mẹ tôi thích hát và hát hay, cha tôi cũng thường tấm tắc khen mẹ hát không thua gì nghệ sĩ. Một buổi chiều mẹ ngồi dưới gốc me trước sân nhà gỡ tóc cho tôi, mẹ hỏi: “Con thấy mẹ hát có hay không?”, rồi mẹ xõa tóc ra, cười hiền, mắt long lanh đứng trước mặt tôi, hỏi: “Con thấy mẹ có giống nghệ sĩ không?”. Tôi cười, gật đầu để mẹ tôi vui, chớ nào giờ tôi có biết nghệ sĩ nào đâu mà so sánh. Mẹ ngồi dựa gốc me, mặt hơi ngước lên, mắt nhìn đâu đó xa xăm tận bên kia sông, nhìn về phương xa vô định. Trên trời, một cánh chim chiều rộn rã bay…

Mẹ tôi cũng lặng lẽ bay đi xa. Và rồi cha con tôi cũng đi. Tìm mẹ. Cha nói: “Chắc mẹ bây quanh quẩn đâu đó cùng đoàn ca múa nhạc trên sông. Thôi cứ đi, gặp đoàn ca múa nhạc hay chỗ nào đông đông thì dừng lại. Thể nào cũng gặp”. Cha tôi vẫn cứ ôm ấp mãi bóng hình của mẹ, người phụ nữ có mái tóc dài, cặp mắt có chiều sâu với đôi mi cong vút thuở thanh xuân đã để lại nỗi vương vấn trong lòng không biết bao nhiêu chàng trai. Nhưng mẹ chọn cha. Và rồi mẹ lại bỏ cha giữa đường. Cha tặc lưỡi nói với tôi: “Mẹ bây có ước mơ riêng của mình”.

Những ngày tháng trên ghe không vui, không buồn, tôi vô định như chiếc lá trôi trên dòng nước, cho đến khi cha con tôi nhận được lời nhắn vào một chiều chập choạng, rằng nội tôi bệnh nặng, muốn gặp lần cuối...

Tôi vẫn nhớ ánh mắt hốt hoảng, ân hận và bất lực của cha khi đối diện với nội. Lúc đó nội chỉ còn da bọc xương sau thời gian liệt giường vì cơn tai biến giữa đồng trưa. Tia sáng trong mắt nội dần tan rã, nhưng vẫn ánh lên yêu thương và tội nghiệp dành cho tôi. Nội trăng trối với cha: “Để con bây lên bờ cho đi học, được sống tử tế”.

Vậy là tôi ở lại ngôi nhà và mảnh ruộng của nội, sống với chú thím út. Cha tôi vào vụ vẫn về cày cấy, gặt lúa cùng chú thím út, xong rồi thì lại lên ghe đi tìm mẹ tôi. Tôi được học hành lên đại học, rồi tìm được việc ở phố, sống tử tế như tâm nguyện của nội. Những chuyến đi kiếm tìm của cha tôi cũng thưa dần bởi thời gian làm sức lực của cha không còn như xưa để đối mặt sông sâu nước xiết. Thỉnh thoảng tôi cũng hay đi dọc những dòng sông xưa để tìm mẹ. Nhưng đất dài sông rộng, có muốn tìm cũng chẳng biết tìm đâu…

Bến càng về khuya càng vắng. Đâu đó, giữa những người xa lạ còn lại trên bến, tôi thoáng trông thấy bóng ai y hệt mẹ. Năm tháng qua và tôi tưởng như đã quên mất hình dáng của mẹ, cho đến khi tôi thấy một người đàn bà bưng sề trái cây, đậu phộng luộc… bước xuống ghe về nhà sau cuộc mưu sinh trên bến, tôi mếu máo chạy theo. Có tia hy vọng nào đó le lói trong trái tim tôi.

Chia sẻ bài viết