Duy Lữ (Tổng hợp từ Hồ sơ di sản, tư liệu Cục Di sản văn hóa)
Bảo tàng Điêu khắc Chăm Đà Nẵng được khánh thành năm 1919, hiện được xếp hạng là Bảo tàng hạng 1. Nơi đây đang bảo quản và trưng bày các bộ sưu tập quý hiếm về nghệ thuật điêu khắc Champa với gần 2.000 hiện vật, được phân chia thành các phòng trưng bày: Mỹ Sơn, Trà Kiệu, Đồng Dương, Tháp Mẫm…
Độc đáo nhất, Bảo tàng Điêu khắc Chăm Đà Nẵng đang bảo quản và trưng bày 3 Bảo vật quốc gia là Đài thờ Trà Kiệu, Đài thờ Mỹ Sơn E1 và Tượng Bồ tát Tara. Mới đây, UBND TP Đà Nẵng cũng vừa có văn bản đề nghị công nhận Bảo vật quốc gia đối với Đài thờ Đồng Dương, đang trưng bày tại đây.
Đài thờ Đồng Dương. Ảnh: DUY KHÔI
Đài thờ Trà Kiệu
Tên gọi Trà Kiệu xuất phát từ việc hiện vật này được khai quật tại địa danh Trà Kiệu (thuộc xã Duy Sơn, huyện Duy Xuyên, tỉnh Quảng Nam).
Đài thờ Trà Kiệu được làm bằng chất liệu đá sa thạch, kích thước cao 128cm, dài 190cm, rộng 190cm, có niên đại thế kỷ VII-VIII. Đài thờ gồm hai phần: phần trên khối tròn, phần dưới khối vuông, bốn cạnh có chạm khắc các nhân vật, trong đó có một cạnh chạm khắc 11 nhân vật hình dáng gần giống nhau, trong tư thế múa; 3 cạnh còn lại chạm khắc các nhân vật với các hình dáng, tư thế khác nhau, cảnh sinh hoạt tôn thờ của các vị thần, cánh sen cách điệu 2 lớp, mỗi lớp 18 cánh. Trên cùng là một linga và yoni.
Phần trên Đài thờ Trà Kiệu. Ảnh: DUY KHÔI
Đài thờ Trà Kiệu là hiện vật tiêu biểu cho sự tồn tại của một khu kinh thành và thờ tự của Champa. Các chạm khắc hình người trên đài thờ tiêu biểu cho một phong cách nghệ thuật Champa ở Trà Kiệu, với 4 mặt trang trí thể hiện hoàn chỉnh một chủ đề trong thần thoại, tiêu biểu cho sự giao lưu, ảnh hưởng văn hóa Ấn Độ và Đông Nam Á. Theo các nhà nghiên cứu, các cảnh quanh đài thờ thể hiện câu chuyện về đám cưới Sita-Rama trong trường ca Ramayana của Ấn Độ.
Đài thờ Mỹ Sơn E1
Đài thờ Mỹ Sơn E1 được khai quật tại khu Thánh địa Mỹ Sơn (thuộc xã Duy Phú, huyện Duy Xuyên, tỉnh Quảng Nam).
Theo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Di sản văn hóa (2009), quy định Bảo vật quốc gia phải có các tiêu chí: là hiện vật gốc độc bản; có hình thức độc đáo; có giá trị đặc biệt...
Đến nay, Thủ tướng Chính phủ đã quyết định công nhận Bảo vật quốc gia 6 đợt (2012, 2013, 1- 2015, 12- 2015, 2016, 2017) với 142 hiện vật, nhóm hiện vật đã được công nhận. TP Cần Thơ có 1 nhóm hiện vật được công nhận Bảo vật quốc gia là Bộ Khuôn đúc Nhơn Thành (đợt 6, năm 2017). |
Đài thờ được làm bằng đá sa thạch, có niên đại thế kỷ VII-VIII, có chiều cao 65cm, chiều dài 353cm và rộng 271cm. Đài gồm 12 khối đá ghép thành hình vuông, tạo thành nhiều cấp được trang trí cả bốn mặt, với các mô típ đặc trưng của Champa như cảnh sinh hoạt, tu sĩ, động vật, lá dương sỉ, hoa sen... Ở phần cấp cũng như ở mặt ngoài của các khối đá đều chạm khắc các đường viền, các gờ chỉ. Trong các ô lõm có chạm nổi hình người, động vật và thực vật, được các nhà nghiên cứu phỏng đoán là cảnh sinh hoạt tôn giáo và ẩn dật của các tu sĩ. Đây là Đài thờ Champa duy nhất được tìm thấy có miêu tả nhiều nhân vật và cảnh sinh hoạt cùng cảnh tượng thiên nhiên, động vật, là căn cứ để nghiên cứu về đời sống tâm linh và đời sống xã hội của Champa cổ đại, đặc biệt về quan hệ giao lưu văn hóa giữa các nước trong khu vực thể hiện qua nội dung và phong cách nghệ thuật.
Mặt trước của Đài thờ là một bậc cấp nhỏ, thành của bậc cấp là một bức chạm tả cảnh ba người trong điệu múa khăn. Người ở giữa trong tư thế uốn mình hai chân xoãi gần sát đất, hai tay dang rộng nâng một dải lụa. Hai bên là hai vũ công, chân trái khép lại, chân phải xoãi bật ra, tất cả toát lên một vẻ đẹp thành kính trong nghi lễ dâng cúng thần linh. Bên hông phải của bậc cấp là cảnh một đạo sĩ ngồi trầm ngâm trước một quyển kinh, bên trái đạo sĩ là một chú két, bên phải là một chú sóc. Các ô khác của đài thờ miêu tả cảnh một tu sĩ nằm tĩnh tâm, lần chuỗi hạt dưới một bóng cây, cảnh biểu diễn âm nhạc với người thổi sáo và người vỗ trống ba-ra-nưng...
Tượng Bồ tát Tara
Pho tượng này cao 129,3cm, có niên đại thế kỷ thứ IX, được khai quật tại làng Đồng Dương, xã Bình Định Bắc, huyện Thăng Bình, tỉnh Quảng Nam. Tượng được làm bằng đồng, khảm thêm đá quý ở mắt, trán.
Tượng Bồ tát Tara đứng, mặt rộng cằm ngắn; trán hẹp, dẹt, đôi lông mày rậm, giao nhau; miệng rộng, môi dày, có vành môi sắc nét; tóc được tết thành nhiều tết nhỏ búi ngược cao lên trên và chia làm hai tầng; tầng tóc bên trên có hình Phật A-di-đà nhỏ ngồi xếp bằng. Tượng có mắt thứ ba ở giữa trán hình thoi lõm, cổ cao ba ngấn, thân eo, ngực căng tròn để trần, hai bàn tay giơ ra phía trước, dưới cuốn xà-rông dài hai lớp, lớp xà-rông này thể hiện bằng những đường xếp ly lượn sóng từ thắt lưng xuống đến gần mắt cá chân bó sát mình.
Phần trên Đài thờ Trà Kiệu. Ảnh: DUY KHÔI
Tượng mang đậm bản sắc bản địa và nhiều tính sáng tạo trong giai đoạn phát triển là đỉnh cao của nghệ thuật Champa. Pho tượng được đúc hoàn chỉnh với một kỹ thuật đúc đặc biệt, không có vết khuôn đúc, đặc biệt có những phần lõm để nạm ngọc và kim loại quý trên trán.
Đài thờ Đồng Dương
Đài thờ được khai quật vào năm 1902 tại làng Đồng Dương, xã Bình Định Bắc, huyện Thăng Bình, tỉnh Quảng Nam.
Đài thờ Đồng Dương được làm bằng đá sa thạch, có niên đại vào cuối thế kỷ IX đầu thế kỷ X, cao 197cm, dài 396cm, rộng 354cm. Đài thờ gồm 24 khối đá ghép lại với nhau tạo nên cấu trúc đài thờ với 4 bộ phận: Đế, bệ thờ lớn mặt hình vuông, trên bệ thờ lớn là bệ thờ nhỏ cũng hình vuông và một bệ thờ cao hơn áp vào mặt sau của bệ thờ lớn. Các hình ảnh chạm khắc trên đài thờ đặc tả về sự tích Đản Sanh, giác ngộ của Đức Phật Thích Ca, các hình ảnh về cuộc đời Đức Phật và các cảnh sinh hoạt cung đình. Những đường nét điêu khắc và hoa văn trên hiện vật cũng là yếu tố đặc trưng tiêu biểu cho phong cách nghệ thuật Đồng Dương.
UBND TP Đà Nẵng vừa có tờ trình đề nghị Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch xem xét, trình Thủ tướng Chính phủ quyết định công nhận Bảo vật quốc gia đối với hiện vật Đài thờ Đồng Dương.