15/04/2021 - 21:15

Báo động nạn tấn công tình dục trong xung đột vũ trang 

Tiến sĩ Denis Mukwege, chủ nhân giải Nobel Hòa bình năm 2018, vừa lên tiếng cảnh báo nạn tấn công tình dục và cưỡng hiếp trong các cuộc xung đột vũ trang đang trở thành một “đại dịch thực sự”. Không trừng phạt và đòi lại công lý cho các nạn nhân, những hành động ghê tởm này sẽ còn tiếp diễn.

Một phụ nữ được điều trị tại cơ sở y tế Mekelle, thủ phủ của vùng Tigray. Ảnh: DW

Một phụ nữ được điều trị tại cơ sở y tế Mekelle, thủ phủ của vùng Tigray. Ảnh: DW

“Chiến thuật tàn nhẫn”

Nói trước Hội đồng Bảo an Liên Hiệp Quốc (LHQ) tại buổi thảo luận trực tuyến hôm 14-4, Tiến sĩ Mukwege cho rằng “chúng ta vẫn chưa vạch lằn ranh đỏ đối với hành động sử dụng tấn công tình dục, cưỡng hiếp làm chiến thuật cho sự khủng bố và thống trị trong chiến tranh”. Do vậy, bác sĩ người Congo này kêu gọi cộng đồng quốc tế sớm làm điều đó. Ông Mukwege nhấn mạnh “lằn ranh đỏ” phải mang ý nghĩa là những danh sách đen gồm các biện pháp trừng phạt về chính trị, tài chính và kinh tế cũng như truy tố thủ phạm và những kẻ chủ mưu. Vị này đã thành lập Bệnh viện Panzi tại thành phố Bukavu, phía Ðông Congo và trong hơn 20 năm qua, ông đã điều trị cho hàng trăm phụ nữ bị cưỡng bức trong cuộc xung đột giữa những nhóm vũ trang tranh giành quyền kiểm soát nguồn khoáng sản dồi dào của quốc gia Trung Phi này.

Theo báo cáo gần đây của Tổng Thư ký LHQ Antonio Guterres, đại dịch COVID-19 đã dẫn tới sự gia tăng tình trạng bạo lực liên quan giới tính trong năm 2020. Các tay súng vẫn tiếp tục sử dụng tấn công tình dục tập thể như một “chiến thuật tàn nhẫn của chiến tranh và là công cụ trấn áp chính trị”. Qua thu thập thông tin ở 18 quốc gia, LHQ đã liệt kê 52 tổ chức vũ trang (bao gồm phe đối lập, nổi dậy hoặc các nhóm khủng bố thân IS hoặc Al Qaeda) “bị nghi chịu trách nhiệm cho những hình thức hiếp dâm hoặc các dạng tấn công tình dục khác” xảy ra trong các cuộc xung đột. Trong đó, hơn 70% tổ chức được xác định là “những thủ phạm thường xuyên”. Theo đó, Congo có 20 nhóm, CH Trung Phi có 6, Mali có 5, Nam Sudan và Syria mỗi nước có 4 nhóm, Sudan 2 nhóm, Iraq và Somalia mỗi nước có 1 nhóm. “Danh sách đen” của LHQ còn có cả lực lượng cảnh sát hoặc quân đội của một số quốc gia.

Cuộc chiến “vô hình”

Ðáng nói, tại vùng Tigray của Ethiopia, nơi giao tranh giữa quân đội chính phủ nước này và tổ chức chính trị Mặt trận Giải phóng Nhân dân Tigray nổ ra từ tháng 11-2020, ông Guterres cho rằng có hơn 100 vụ cưỡng hiếp phụ nữ và bé gái đã được ghi nhận, nhưng đó chỉ là phần nổi. Kênh CNN dẫn lời 9 bác sĩ ở Ethiopia cho biết số vụ tấn công tình dục và hiếp dâm đang gia tăng đáng báo động.

Những người từ Tigray đã chạy đến trú ẩn ở Hamdayet (Sudan), một thị trấn vùng biên giới với Ethiopia, cũng không thoát nạn. Một số phụ nữ kể lại việc họ bị hãm hiếp khi cố gắng chạy trốn cuộc chiến. Nhiều nạn nhân bị cưỡng bức tập thể, đánh thuốc mê và giữ làm con tin. Chính phủ Ethiopia được cho là hạn chế nhà báo tác nghiệp tại Tigray dẫn đến thông tin liên lạc bị gián đoạn, khiến cuộc chiến trở nên “vô hình” trên thế giới. Nhưng những tuần qua, chính phủ nước này đã bắt đầu cho truyền thông quốc tế vào. Kể từ đó, nhiều câu chuyện kinh hoàng về các vụ hãm hiếp và tấn công tình dục đã được hé lộ.

Theo Wafaa Said - Phó điều phối viên của LHQ tại Ethiopia, báo cáo từ 5 cơ sở y tế ở Mekelle, Adigrat, Wukro, Shire và Axum cho thấy có ít nhất 516 vụ hiếp dâm tại Tigray. “Phụ nữ tại đây bị các cá nhân có vũ trang xâm hại. Nhiều người bị cưỡng hiếp tập thể hoặc trước mặt các thành viên gia đình. Nhiều đàn ông bị ép buộc cưỡng hiếp chính thành viên trong gia đình mình”, Wafaa Said nói.

HẠNH NGUYÊN (Theo AP)

Chia sẻ bài viết