22/01/2013 - 22:37

Bàn giải pháp hoàn thành cơ bản công tác cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất

(CT)- Sáng ngày 22-1-2013, Bộ Tài nguyên và Môi trường (TN&MT) tổ chức Hội nghị trực tuyến triển khai kế hoạch năm 2013 và bàn giải pháp phấn đấu hoàn thành cơ bản cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất (QSDĐ) theo Nghị quyết 30/2012/QH13 về chất vấn và trả lời chất vấn tại kỳ họp thứ 3, Quốc hội khóa XIII và Chỉ thị 1474/CT-TTG của Thủ tướng Chính phủ về thực hiện một số nhiệm vụ, giải pháp cấp bách để chấn chỉnh việc cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất và xây dựng cơ sở dữ liệu đất đai. Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải đến dự và chủ trì hội nghị.

Năm 2012, vượt qua những khó khăn, thách thức, ngành TN&MT đã hoàn thành các chỉ tiêu, nhiệm vụ kế hoạch của năm, đóng góp quan trọng vào việc thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội của đất nước. Bộ TN&MT đã tập trung chỉ đạo, hướng dẫn UBND các tỉnh, thành phố thực hiện các nhiệm vụ, giải pháp để đẩy nhanh tiến độ cấp Giấy chứng nhận QSDĐ, quyền sở hữu nhà ở và tài sản gắn liền với đất. Đến nay, các địa phương trong cả nước đã cấp được gần 38 triệu giấy chứng nhận các loại với tổng diện tích gần 21 triệu ha. Riêng năm 2012, cả nước đã cấp được trên 4,3 triệu giấy chứng nhận các loại, tăng hơn hai lần so với kết quả của 2 năm 2010 và 2011. Trong năm này, ngành TN&MT triển khai xây dựng cơ sở dữ liệu đất đai tại 49 tỉnh, thành phố và 90 quận, huyện. Trong đó, nhiều địa phương như: Đồng Nai, An Giang, TP Hồ Chí Minh, Vĩnh Long... cơ bản hoàn thành và đưa vào khai thác sử dụng có hiệu quả tích cực trong công tác quản lý đất đai. Bên cạnh đó, Bộ TN&MT đẩy mạnh công tác thanh tra, kiểm tra, chấn chỉnh việc cấp giấy phép và hoạt động khoáng sản tại các địa phương. Triển khai Chương trình mục tiêu quốc gia khắc phục ô nhiễm và cải thiện môi trường giai đoạn 2012 - 2015 với trọng tâm ưu tiên là khắc phục ô nhiễm và cải thiện môi trường làng nghề tại 47 làng nghề đang bị ô nhiễm môi trường đặc biệt nghiêm trọng; phối hợp chặt chẽ với các địa phương tập trung xử lý triệt để các cơ sở gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng. Năm 2012, Bộ TN&MT đôn đốc, hướng dẫn các bộ, ngành, địa phương xây dựng và triển khai kế hoạch hành động ứng phó với biến đổi khí hậu. Đến nay có 35/63 tỉnh, thành phố ban hành Kế hoạch hành động về biến đổi khí hậu của địa phương…

Năm 2013 là năm có ý nghĩa quan trọng đối với việc hoàn thành các mục tiêu đề ra cho việc thực hiện Kế hoạch 5 năm 2011 - 2015; với mục tiêu tạo bước chuyển biến cơ bản trong công tác quản lý TN&MT, nâng cao giá trị đóng góp của ngành cho nền kinh tế quốc dân, tăng cường bảo vệ môi trường, góp phần ổn định xã hội, giữ vững vai trò là một trong những ngành chủ lực tham gia thực hiện mục tiêu phát triển bền vững đất nước. Ngành TN&MT tiếp tục đẩy mạnh hoàn thiện thể chế, chính sách; tập trung đẩy nhanh tiến độ cấp Giấy chứng nhận QSDĐ, quyền sở hữu nhà ở và tài sản gắn liền với đất. Đồng thời, ngành cũng tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, xử lý vi phạm trong lĩnh vực đất đai, bảo vệ môi trường và hoạt động khoáng sản trên cả nước; đẩy mạnh công tác tuyên truyền, giáo dục, phổ biến pháp luật về tài nguyên và môi trường, quản lý tổng hợp thống nhất biển, hải đảo; tuyên truyền nguy cơ của biến đổi khí hậu và những biện pháp thích ứng, giảm nhẹ biến đổi khí hậu phục vụ mục tiêu phát triển bền vững đất nước...

Phát biểu tại hội nghị, Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải đánh giá cao sự nỗ lực của ngành TN&MT trong năm 2012. Để tiếp tục vượt khó, hoàn thành tốt nhiệm vụ năm 2013, Phó Thủ tướng chỉ đạo: Ngành TN&MT cần tăng cường trao đổi giữa bộ, ngành và địa phương; có thời gian nghiên cứu góp ý sát đáng để Luật đất đai sửa đổi gần với thực tế, khắc phục những nhược điểm tồn tại trong thời gian qua. Ngành TN& MT cần triển khai thực hiện các giải pháp một cách bài bản trong công tác phát triển bền vững tài nguyên nước; đặc biệt, quản lý hiệu quả lưu vực sông. Nghiên cứu tác động thủy điện trên dòng Mekong, các thủy điện trên dòng chính, dòng nhánh đến khu vực ĐBSCL. Đây là một thách thức rất lớn, cần triển khai sớm. Đồng thời, ngành TN&MT tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra và xử phạt nhằm lập lại trật tự trong quản lý khai thác khoáng sản; đầu tư cơ sở vật chất, nguồn lực giảm dần sai số trong dự báo khí tượng thủy văn, giảm nhẹ thiệt hại thiên tai…

T.Trinh

Chia sẻ bài viết