29/06/2011 - 08:39

Bản chất khó đổi

Từ ngày 28 đến 30-6, Tổ chức Hội nghị Hồi giáo (OIC) có cuộc họp cấp ngoại trưởng thường niên lần thứ 38 tại Thủ đô Astana của Kazakhstan. Theo hãng tin Nga RIA Novosti, mục tiêu chính của cuộc họp là thảo luận và thông qua việc đặt tên mới cũng như biểu tượng mới cho tổ chức gồm 57 quốc gia thành viên này sau 41 năm ra đời, tồn tại và phát triển. Trước mắt, hội nghị đã thông qua quyết định đổi tên OIC thành Tổ chức Hợp tác Hồi giáo (OIC - Organization of Islamic Coorperation).

OIC là một tổ chức chiếm hơn ¼ số quốc gia thành viên Liên Hiệp Quốc với khoảng 1,6 tỉ người sinh sống, hiện diện ở khắp các khu vực trên thế giới như Trung Đông, châu Phi, Trung Á, Đông Nam Á, Nam Á, Kavkaz, Balkan và cả Nam Mỹ. Tuy nhiên, vai trò và tiếng nói của OIC trên trường quốc tế thời gian qua dường như chẳng tương xứng với tầm vóc của tổ chức này. Có người nói, OIC dường như bị phân liệt, thiếu nhất quán trong nhiều vấn đề thế giới quan trọng, không thể tự xử lý chuyện nội bộ hoặc bảo vệ các nước thành viên trước sự can thiệp từ bên ngoài. Sự bất lực đó của OIC thể hiện rõ qua các cuộc chiến tranh xảy ra ở Afghanistan, Iraq, Liban, Libye; hay bất ổn chính trị ở Tunisie, Ai Cập, Yemen và Syrie.

Các nhà lãnh đạo OIC thừa nhận những cuộc khủng hoảng chính trị và xung đột bạo lực ở các nước thành viên nhiều năm qua có tác động tiêu cực, nếu không muốn nói là gây thiệt hại nặng nề, đến nền an ninh, phát triển kinh tế và thương mại nội khối. Vì thế, lãnh đạo OIC cho rằng đây là lúc họ phải đấu tranh xây dựng nội bộ, củng cố lại vị thế và vai trò của tổ chức này trên các diễn đàn quốc tế. Nói như Tổng thống Kazakhstan Nursaultan Nazarbayev, điều quan trọng nhất của OIC trong hoàn cảnh phức tạp hiện nay là phải phát huy tiềm năng hợp tác, hỗ trợ lẫn nhau nhằm mang lại lợi ích cho từng quốc gia thành viên, vì sự đoàn kết và hội nhập chung.

Tuy nhiên, các nhà lãnh đạo OIC thừa hiểu đây là một tập hợp của nhiều nước ở nhiều khu vực khác nhau trên thế giới có đặc điểm chính trị, văn hóa và ưu tiên lợi ích quốc gia khác nhau, lại tồn tại quá nhiều vấn đề không thể một sớm một chiều có thể giải quyết được. Nó đòi hỏi một quyết tâm chính trị rất cao của từng nước thành viên để có được những thay đổi thực chất bên trong chứ không đơn thuần chỉ là chuyện đổi tên và biểu tượng.

KIẾN HÒA
(Theo RIA Novosti, Arab News)

KIẾN HÒA (Theo RIA Novosti, Arab News)

Chia sẻ bài viết