07/11/2008 - 21:04

Bài học từ những hợp tác xã sản xuất kinh doanh thành công

Hiện nay, toàn tỉnh Tiền Giang có 94 hợp tác xã (HTX), quỹ tín dụng nhân dân (QTDND). So với các tỉnh trong khu vực Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) số lượng HTX không nhiều, đứng đến thứ 8 nhưng Tiền Giang được xem là tỉnh có số HTX sản xuất kinh doanh mạnh (4 HTX) nhiều nhất trong 100 HTX sản xuất kinh doanh mạnh toàn quốc. Làm thế nào để HTX đạt được sản xuất kinh doanh mạnh? Đó là vấn đề được trao đổi trong Hội nghị HTX sản xuất kinh doanh mạnh tỉnh Tiền Giang lần thứ I-2008. Đây là hội nghị HTX sản xuất kinh doanh mạnh của cụm các tỉnh ĐBSCL.

* THỊ TRƯỜNG - YẾU TỐ HÀNG ĐẦU

Các HTX sản xuất kinh doanh mạnh tỉnh Tiền Giang cho rằng, muốn có kết quả sản xuất kinh doanh thành công phải nắm bắt được thị trường. Đây chính là mục tiêu để HTX định hướng sản xuất kinh doanh. Khi sản phẩm làm ra được thị trường chấp nhận tiêu thụ thì mới ăn nên làm ra.

HTX Quang Minh (TP Mỹ Tho), HTX đầu đàn xuất khẩu hàng thủ công mỹ nghệ ĐBSCL, được Bộ Công Thương trao tặng danh hiệu “Doanh nghiệp xuất khẩu uy tín 4 năm liền từ 2004-2007”. Để đạt danh hiệu như hôm nay, HTX Quang Minh đã trải qua nhiều gian nan tìm kiếm thị trường. Xác định thị trường mục tiêu nước ngoài là chính yếu nên ngay khi thành lập (năm 2003), HTX Quang Minh đã dành nhiều công sức, tiền của tham gia các hội chợ hàng thủ công mỹ nghệ được tổ chức ở Đức, Hongkong, Trung Quốc, Dubai... để quảng bá thương hiệu, sản phẩm. Kết quả, các sản phẩm thủ công mỹ nghệ như kệ, khai, rổ, rương, thùng đựng quần áo... từ nguyên liệu thiên nhiên lục bình của HTX Quang Minh được biết đến và có nhiều đơn hàng. Kim ngạch xuất khẩu năm sau tăng cao hơn năm trước. Trong 9 tháng đầu năm 2003, HTX chỉ đạt được kim ngạch xuất khẩu 296 ngàn USD. Đến năm 2004, tăng vọt lên 2 triệu USD và năm 2007 đạt 4,2 triệu USD. Ông Cao Dũng Khanh, Chủ nhiệm HTX Quang Minh, đúc kết: “Chúng tôi thấy rằng, để một HTX phát triển mạnh và bền vững là phải đề ra những phương án sản xuất kinh doanh khả thi, căn cứ vào nhu cầu của thị trường, năng lực HTX mà lựa chọn hướng đi thích hợp. Từ đó, đầu tư có trọng điểm, đúng đối tượng, mạnh dạn áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật, công nghệ mới hiện đại vào sản xuất, phát triển sản phẩm mới, mặt hàng mới chất lượng cao, tích cực tìm kiếm thị trường trong và ngoài nước, xây dựng quảng bá thương hiệu, tạo uy tín nơi đối tác...”.

Sản xuất hàng thủ công mỹ nghệ xuất khẩu ở HTX Quang Minh (Tiền Giang). 

HTX thương mại-dịch vụ (TMDV) Phường 1 (TP Mỹ Tho) được thành lập từ năm 1978, trải qua 30 năm thăng trầm nhưng HTX vẫn tồn tại và phát triển đi lên. Đây là một trong những HTX thương mại hiếm hoi còn tồn tại ở ĐBSCL. Không chỉ tồn tại mà hiện nay HTX TMDV Phường 1 đang ăn nên làm ra và được bình chọn là HTX sản xuất kinh doanh mạnh toàn quốc. HTX này đang làm đại lý phân phối cho 18 công ty, với các mặt hàng sữa, bột ngọt, bột giặt, dầu ăn, nước tẩy rửa, dầu gội, cá hộp, nước giải khát..., có hơn 1.300 khách hàng bán sỉ lớn nhỏ thuộc TP Mỹ Tho và 8 huyện thuộc địa bàn tỉnh Tiền Giang. Đó chưa kể Cửa hàng bách hóa trung tâm tại TP Mỹ Tho như một siêu thị mini với hơn 5.000 mặt hàng, lúc nào cũng tấp nập người mua... HTX TMDV Phường 1 còn có 8 xe tải 1-5 tấn để chuyển hàng đi bán khắp nơi trong tỉnh, vào dịp Tết tổ chức phục vụ bán hàng đến tận nông thôn. Mạng lưới kinh doanh mở rộng đến các vùng sâu, vùng xa, hàng hóa là những mặt hàng tiêu dùng thiết yếu, đầy đủ, giao hàng kịp thời, đúng yêu cầu khách hàng, nên được tín nhiệm và doanh số ngày một tăng cao. Doanh thu năm 2007 của HTX hơn 152 tỉ đồng, lợi nhuận trước thuế hơn 1,6 tỉ đồng. Trong 9 tháng đầu năm 2008, đạt doanh thu đã hơn 147 tỉ đồng, tăng 20% so với cùng kỳ.

Trên địa bàn TP Mỹ Tho có nhiều siêu thị như Co.op Mart, Quang Đại..., HTX TMDV Phường 1 làm thế nào để cạnh tranh và tồn tại được với các hệ thống siêu thị này? Ông Huỳnh Kim Tuấn, Chủ nhiệm HTX TMDV Phường 1, trả lời: “Nói cạnh tranh, tôi không dám nghĩ đến. Còn tồn tại và phát triển được như hôm nay là HTX biết tìm được chỗ trống của thị trường. Đó là những gì siêu thị chưa có thì HTX làm. Hiện nay, các siêu thị chỉ ở quanh quẩn thành phố còn ở chợ huyện, chợ xã chưa với tới, nên HTX xây dựng phát triển hệ thống bán lẻ nơi này. Chính những nơi đây không chỉ giúp HTX tồn tại mà ngày càng phát triển”.

* ĐỔI MỚI CÔNG NGHỆ

Liên minh HTX tỉnh Tiền Giang cho biết, hầu hết các HTX mạnh đều đầu tư để mở rộng sản xuất kinh doanh, đổi mới công nghệ, trang thiết bị cơ sở vật chất vào trong sản xuất kinh doanh, nhằm tăng năng lực cạnh tranh. Trong các năm qua, các HTX đã đầu tư hơn 279 tỉ đồng để đổi mới công nghệ, xây dựng cơ sở vật chất phục vụ sản xuất. Nhiều HTX đã có những bước đột phá, mạnh dạn đầu tư để thay đổi các thiết bị lạc hậu cũ kỹ, lạc hậu và đạt được kết quả khả quan.

Điển hình là HTX Rạch Gầm, trong 3 năm qua, HTX đã đầu tư trên 240 tỉ đồng đóng sà lan, tàu vỏ sắt, trọng tải 550-1.500 tấn, nhằm sắt hóa đội tàu. Đây là thời kỳ đầu tư mạnh mẽ nhất làm tài sản của HTX tăng lên gấp 2 lần, đội tàu đường sông có tổng trọng tải 95.500 tấn lớn nhất cả nước, hàng năm vận tải hàng hóa trên 3 triệu tấn. Đồng thời, HTX Rạch Gầm đã đầu tư gần 3 tỉ để xây dựng triền đà đóng tàu tại xưởng đóng tàu Đồng Tâm. Việc đầu tư này đã giúp HTX Rạch Gầm cải thiện mạnh mẽ năng lực đóng tàu và sửa chữa sà lan, từ phân xưởng nhỏ sửa chữa ghe gỗ, sà lan nhỏ thành xưởng đóng sà lan sắt tới trọng tải 1.750 tấn chở container... Ông Nguyễn Văn Dễ, Phó chủ nhiệm HTX Rạch Gầm, cho biết thêm: “Hai hướng đầu tư lớn của HTX đã đi đúng yêu cầu, làm cho HTX có sức cạnh tranh lớn mạnh ở khu vực cả về vận tải hàng hóa đường sông và đóng, sửa tàu sông có trọng tải lớn. Thành công của HTX Rạch Gầm trong những năm qua là do HTX mạnh dạn đầu tư đổi mới công nghệ loại bỏ ngay những sản phẩm cũ kỹ lạc hậu không đáp ứng nhu cầu thị trường...”.

HTX chế biến thức ăn chăn nuôi Bình Minh (HTX Bình Minh) thì xem đầu tư đổi mới công nghệ là sự sống còn. Những ngày đầu mới thành lập, HTX Bình Minh (cuối năm 1997) chỉ có trang thiết bị máy móc và công cụ dụng cụ sản xuất thô sơ được sản xuất trong nước hoặc tự tạo, có tổng công suất thiết kế 5.000-6.000 tấn/năm. Sản phẩm chính của HTX là các loại thức ăn hỗn hợp dạng bột dành cho chăn nuôi heo. Thị trường chủ yếu tại các huyện trong tỉnh Tiền Giang và một phần ở các tỉnh lân cận như Long An, Bến Tre, Vĩnh Long... Nhưng rồi chẳng bao lâu sản phẩm của HTX Bình Minh không thể cạnh tranh với các sản phẩm khác của những nhà máy chế biến thức ăn chăn nuôi có công suất lớn, đa dạng sản phẩm và giá thành hạ. Ông Lê Minh Ảnh, Chủ nhiệm HTX Bình Minh, bộc bạch: “Làn sóng đầu tư của các nhà liên doanh nước ngoài vào Việt Nam trong lĩnh vực sản xuất thức ăn chăn nuôi với công nghệ và trang thiết bị hiện đại ngày càng có qui mô lớn hơn. Song song với sự phát triển đó thì nhu cầu của thị trường lại đặt ra đa dạng, thức ăn dạng viên cho gia súc, gia cầm, thủy cầm, thủy sản ngày lại nhiều về số lượng và chất lượng. Để đáp ứng được yêu cầu của thị trường, sự tồn tại và phát triển, HTX Bình Minh quyết định đổi mới trang thiết bị hiện đại, xây dựng và mua sắm máy móc, trang thiết bị nhập khẩu của Thụy Sĩ với tổng vốn đầu tư 25 tỉ đồng...”. Kết quả: dây chuyền sản xuất thức ăn chăn nuôi theo công nghệ châu Âu của HTX Bình Minh đã tạo ra sản phẩm có năng lực cạnh tranh và không chỉ được thị trường ĐBSCL sử dụng mà còn vươn ra miền Đông Nam bộ, Tây Nguyên... Bình quân hàng năm chế biến tiêu thụ hơn 10.000 tấn, tăng gấp đôi so với trước.

Tỉnh Tiền Giang phấn đấu đến năm 2010 đạt 30% HTX toàn tỉnh sản xuất kinh doanh mạnh, không có hộ xã viên, người lao động trong HTX thuộc diện nghèo. So với hơn 10% HTX sản xuất kinh doanh mạnh hiện nay thì đích đến năm 2010 vẫn còn xa. Nhưng kỳ vọng với kinh nghiệm và nhân rộng mô hình các HTX sản xuất kinh doanh mạnh hiện có, tỉnh Tiền Giang sẽ đạt được mục tiêu đã đề ra.

QUANG HẢI

Chia sẻ bài viết