17/07/2011 - 10:27

Bác sĩ chữa "bệnh" lái xe gây tai nạn

Bác sĩ Jin đang trả lời phỏng vấn hãng tin AP.

Ở Trung Quốc, nơi ước tính trung bình mỗi ngày có 300 người bỏ mạng vì tai nạn giao thông, có một bác sĩ cao niên đã và đang áp dụng một cách không giống ai để góp phần làm đường sá trở nên an toàn hơn. Ông xem tình trạng lái xe ẩu dễ gây tai nạn như một căn bệnh có thể chẩn đoán và điều trị.

Gần 3 thập niên qua, bác sĩ Jin Huiqing đã dày công nghiên cứu lý do tại sao không ít bác tài lại dễ trở thành “hung thần trên đường phố”. Từ nghiên cứu của mình, ông đã mở công ty kinh doanh và chuyển giao chương trình lái xe an toàn cho nhiều địa phương ở Trung Quốc. Đến nay ít nhất một thành phố sau khi áp dụng “liệu pháp” của ông đã ghi nhận số ca tử vong do tai nạn xe cộ giảm đáng kể.

Không chỉ điều nghiên hồ sơ của hàng nghìn tài xế taxi, xe tải và xe buýt, bác sĩ Jin còn mời hàng chục người tham gia kiểm tra sức khỏe tâm thần kinh, xét nghiệm hàng trăm mẫu máu. Ông thậm chí còn nhận dạng được 3 gien đặc trưng ở các tài xế hung thần. Mục tiêu của ông là tìm ra căn nguyên của các vụ đụng xe bằng cách xác định các nét đặc trưng về mặt tâm sinh lý ở những tay lái tồi và cản họ không cầm lái hoặc thuyết phục họ tham gia các khóa học lái xe an toàn.

Đến nay, tập đoàn Anhui Sanlian của bác sĩ Jin đã thiết kế chương trình lái xe an toàn gồm 3 bước: thực hiện một loạt xét nghiệm tâm sinh lý để tầm soát “bệnh” lái xe ẩu, huấn luyện tài xế lái xe an toàn bằng các chương trình giả lập và gắn hệ thống camera để giám sát tai nạn trên đường phố. Thành phố Tế Nam, tỉnh Sơn Đông đã áp dụng phương pháp này và cảnh sát nơi đây cho biết trong 5 năm qua, số vụ tai nạn giao thông gây chết người đã giảm được 1/3.

Các tài xế taxi và xe khách ở Tế Nam đều được mời tham gia các xét nghiệm tâm sinh lý được công ty của bác sĩ Jin thiết kế hoàn toàn tự động. Các xét nghiệm này sẽ xác định khả năng của người lái trong việc ước tính tốc độ, phản ứng với những tình huống tác động phức tạp, tầm nhìn vào ban đêm cũng như thái độ và nhận thức của họ đối với sự an toàn và nguy hiểm trên đường. Nếu các kết quả xét nghiệm cho thấy “bệnh nhân” có khuynh hướng lái xe gây tai nạn, đội ngũ chuyên gia của Anhui Sanlian sẽ chỉ ra cho họ thấy những “khiếm khuyết” và hướng dẫn các giải pháp khắc phục. Chẳng hạn, nếu không đạt điểm trong bài xét nghiệm tầm nhìn vào ban đêm, “bệnh nhân” sẽ được khuyên không nên cầm lái khi trời sụp tối. Công ty nơi người đó đang làm việc hoặc sắp được tuyển dụng cũng sẽ được nhận những khuyến cáo tương tự.

“Chúng tôi quyết tâm góp phần mang lại những giải pháp phòng ngừa tai nạn và đang trong quá trình cung cấp một số kinh nghiệm cho thế giới” – bác sĩ Jin bộc bạch với phóng viên AP sau khi lái xe một vòng thành phố Hợp Phì, thủ phủ tỉnh An Huy, quê hương ông. Các nghiên cứu của ông chỉ ra rằng 6-8% dân số Trung Quốc có nguy cơ gây tai nạn khi cầm lái, những đối tượng này từng gây ít nhất 3 vụ va đụng trong vòng 5 năm liên tục. So với những người lái xe an toàn, những người có khuynh hướng gây tai nạn luôn đạt điểm kém trong các bài trắc nghiệm về tầm nhìn ban đêm, khả năng nhận thức các mối quan hệ trong không gian và khả năng ước tính tốc độ. Những đối tượng này cũng có tính cách hướng ngoại và thích mạo hiểm. Theo ông, do tai nạn giao thông gây nhiều tổn thất cho gia đình lẫn xã hội nên những tài xế từng gây tội ác cần phải bị cấm lái vĩnh viễn.

Từ một viện nghiên cứu nhỏ ra đời năm 1990, đến nay, bác sĩ Jin đã tạo dựng được một tập đoàn hướng dẫn lái xe an toàn, trong đó có một công ty gồm 2.000 nhân viên với doanh thu hằng năm hơn 4 triệu USD và một trường cao đẳng tư thục thu hút gần 10.000 sinh viên. Hơn 400 cơ quan, ban ngành ở Trung Quốc hiện là khách hàng của Anhui Sanlian. Và ít nhất một thành phố thủ phủ khác đang có kế hoạch áp dụng chương trình lái xe an toàn theo 3 bước như Tế Nam.

CHÂU MAI (Theo AP)

Chia sẻ bài viết