30/12/2009 - 08:39

ASEAN+3 tăng cường hợp tác

Các nhà lãnh đạo ASEAN+3 tại Thái Lan hồi cuối tháng 10-2009.

Các quan chức Bộ Tài chính Nhật Bản vừa cho biết thỏa thuận hoán đổi tiền tệ đa phương trị giá 120 tỉ USD của ASEAN +3 (gồm 10 nước Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á cùng với Nhật Bản, Trung Quốc và Hàn Quốc) nhằm mục đích đảm bảo khả năng thanh toán bằng USD trong trường hợp khủng hoảng tài chính, sẽ có hiệu lực từ ngày 24-3-2010. Thỏa thuận mới được mở rộng từ khuôn khổ song phương của Sáng kiến Chiang Mai năm 2000, thành thỏa thuận đa phương với các nước tham gia góp quỹ từ nguồn dự trữ ngoại tệ.

Theo đó, Nhật Bản và Trung Quốc (kể cả Đặc khu hành chính Hồng Công) mỗi nước sẽ góp 38,4 tỉ USD, và Hàn Quốc góp 19,2 tỉ USD. Tổng mức đóng góp của 3 nước này chiếm 80% quỹ, số còn lại là từ các nước ASEAN. Cụ thể, Indonesia, Thái Lan, Malaysia, Singapore và Philippines mỗi nước góp 4,77 tỉ USD; Việt Nam 1 tỉ USD, Campuchia 120 triệu USD, Myanmar 60 triệu USD, Brunei và Lào mỗi nước 30 triệu USD.

Theo thỏa thuận mang tên Đa phương hóa Sáng kiến Chiang Mai (CMIM) này, các nước tham gia có thể hoán đổi đồng tiền của mình lấy USD trong trường hợp họ cần được hỗ trợ ngay lập tức để đối phó với những khó khăn về thanh khoản trong ngắn hạn. Quỹ này sẽ được cấp trong vòng 1 tuần khi có yêu cầu và hoàn lại trong 90 ngày, có thể gia hạn tới 720 ngày, với lãi suất được tính theo thị trường liên ngân hàng Luân Đôn. Khoản tiền hoán đổi được quy định theo mức đóng góp của mỗi nước, hay nói cách khác là được quyền vay theo hệ số vay tính theo số vốn góp. Chẳng hạn Nhật Bản và Trung Quốc góp 38,4 tỉ USD với tỷ lệ hoán đổi 0,5, tức vay được 19,2 tỉ USD; Indonesia, Thái Lan, Malaysia, Philippines, Singapore góp 4,77 tỉ USD với tỷ lệ 2,5, tức vay được 11,93 tỉ USD. Riêng Việt Nam, Lào, Campuchia, Myanmar, Brunei được hoán đổi tiền mỗi nước sang USD gấp 5 lần mức cam kết góp vốn (nghĩa là Việt Nam được vay 5 tỉ USD). Tuy nhiên, bất kỳ nước nào muốn sử dụng quỹ chỉ có thể vay tối đa 20% mức được phép trong điều kiện không khủng hoảng, 80% còn lại chỉ được hoán đổi khi tình hình quá nghiêm trọng đến nỗi nước đó yêu cầu giải cứu từ Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF).

Cũng từ đầu năm 2010, ASEAN và Trung Quốc sẽ chính thức trở thành khu mậu dịch tự do lớn thứ ba thế giới, sau Khu vực Kinh tế châu Âu (EEA) và Khu mậu dịch tự do Bắc Mỹ (NAFTA). Thương mại giữa Trung Quốc và 10 nước ASEAN đã tăng mạnh trong những năm gần đây, từ 59,6 tỉ USD năm 2003 lên 192,5 tỉ USD năm 2008. Khu mậu dịch tự do ASEAN - Trung Quốc dự kiến sẽ thúc đẩy mạnh buôn bán ở thị trường có 1,9 tỉ người tiêu dùng này.

Trước đó, Hiệp định thương mại tự do (FTA) ASEAN-Hàn Quốc đã có hiệu lực từ giữa năm 2007 và FTA ASEAN-Nhật Bản đi vào cuộc sống từ cuối năm 2008. Thủ tướng Nhật Bản Yukio Hatoyama còn đề xuất một sáng kiến đầy tham vọng là tiến tới thành lập Cộng đồng kinh tế Đông Á chỉ gồm ASEAN+3 hoặc ASEAN+3 là trụ cột.

N. KIỆT
(Theo WSJ, Jakartapost, Economic Times)

Chia sẻ bài viết