01/01/2010 - 22:04

TỪ NGÀY 1-1-2010:

Áp dụng giá mới cho máu toàn phần và các chế phẩm máu phục vụ cấp cứu, điều trị bệnh nhân

Từ ngày 1-1-2010, giá máu toàn phần và các chế phẩm phục vụ cấp cứu, điều trị bệnh nhân tăng gần gấp đôi so với giá hiện hành. Trao đổi với phóng viên Báo Cần Thơ, ông Nguyễn Ngọc Huỳnh, Giám đốc Trung tâm Huyết học-Truyền máu khu vực Cần Thơ, cho biết:

- Căn cứ theo Thông tư số 21/2009/TT-BYT ngày 20-11-2009 của Bộ Y tế về việc hướng dẫn nội dung, mức chi cho công tác tiếp nhận, sàng lọc máu toàn phần và điều chế các chế phẩm máu đạt tiêu chuẩn và Quyết định số 4578/QĐ-BYT ngày 20-11-2009 của Bộ Y tế về việc quy định giá tối đa của một số đơn vị máu toàn phần và chế phẩm máu đạt tiêu chuẩn, được sự chấp thuận của Sở Y tế TP Cần Thơ, Trung tâm Huyết học-Truyền máu khu vực Cần Thơ ban hành khung giá mới cho máu toàn phần và các chế phẩm máu, được áp dụng từ ngày 1-1-2010.

Sinh viên Khoa Công nghệ, Trường Đại học Cần Thơ tham gia hiến máu tình nguyện. Ảnh: ĐOÀN LÝ. 

Theo khung giá mới, giá máu toàn phần và các chế phẩm máu giữa cũ và mới cũng chênh lệch khá nhiều. Giá mỗi loại tăng khoảng từ vài chục ngàn đến gần 200.000 đồng. Trong các chế phẩm máu thì khối hồng cầu, khối tiểu cầu và huyết tương tươi đông lạnh được các bệnh viện sử dụng cho cấp cứu, điều trị nhiều nhất. Trong đó, khối hồng cầu thể tích 250ml đến 450ml, tăng từ 135.000 đồng đến 195.000 đồng (tùy thể tích); huyết tương tươi đông lạnh và huyết tương đông lạnh, mỗi loại tăng tương đối ít, chỉ tăng vài chục ngàn đồng; khối tiểu cầu pool thể tích 150ml tăng trên 150.000 đồng...

* Thưa ông, vì sao phải tăng giá máu?

-Từ trước đến nay để có được một đơn vị máu sạch cho cấp cứu, điều trị cho bệnh nhân thì Nhà nước phải bù lỗ. Trước đây, giá một đơn vị máu toàn phần thể tích 250ml, được cung cấp cho bệnh nhân với giá 260.000 đồng. Trong đó, chi 110.000 đồng cho công tác vận động, tuyên truyền, mua quà, trợ cấp bồi dưỡng (ăn uống) cho người hiến máu tình nguyện (nếu người hiến máu chuyên nghiệp thì chi 150.000 đồng). Sau khi lấy máu về, Trung tâm tiến hành các xét nghiệm chi phí tương ứng 70.000-80.000 đồng, tiền túi đựng máu 250ml là 57.000 đồng. Như vậy, giá bán máu cũ 260.000 đồng chỉ đủ chi cho công tác tuyên truyền, xét nghiệm, mua túi máu, chưa tính đến các chi phí mua trang thiết bị phục vụ cho việc sản xuất và bảo quản máu, các chế phẩm máu, tiền xăng xe đi thu gom máu, tiền trả lương cán bộ... những phần này Nhà nước đã phải bù lỗ. Đó là còn chưa kể phần bù lỗ cho 20% máu phải hủy. Đây là lượng máu sau khi thu gom về xét nghiệm, phát hiện nhiễm bệnh, không sử dụng được, phải hủy... ngoài ra, các chế phẩm của máu tiêu thụ không kịp cũng phải hủy. Theo Tổ chức Y tế Thế giới tính toán để có 1 đơn vị máu sạch dùng trong cấp cứu, điều trị phải mất từ 850.000-1.500.000 đồng. Vì thế, chắc chắn với giá máu mới này, nhà nước vẫn bù lỗ cho bệnh nhân truyền máu. Giá máu mới vẫn mang tính nhân đạo, sẻ chia.

* Phần tăng chênh lệch giữa giá mới và giá cũ sẽ được đầu tư vào hoạt động nào, thưa ông?

-Tăng giá máu để đầu tư vào xét nghiệm, quà cho người hiến máu... Cụ thể, người hiến máu tình nguyện sẽ được hỗ trợ tiền đi lại, ăn uống tại chỗ, quà tặng là 130.000 đồng. Như vậy, tăng so với mức cũ là 50.000 đồng. Số tiền này nhằm giúp người hiến máu tình nguyện bồi bổ sức khỏe. Hy vọng với sự quan tâm này, số người hiến máu sẽ tăng để đáp ứng nhu cầu máu cấp cứu, điều trị cho bệnh nhân. Hiện nay, cả nước, mới chỉ đáp ứng 50% nhu cầu máu cho cấp cứu, điều trị bệnh nhân, tại TP Cần Thơ cũng chỉ mới đáp ứng được 80% nhu cầu máu cho cấp cứu, điều trị. Tức là vẫn còn nhiều bệnh nhân kéo dài thời gian điều trị, thời gian nằm viện để chờ máu. Bên cạnh đó, nhu cầu và yêu cầu chất lượng máu ngày càng cao, đòi hỏi bổ sung nhiều xét nghiệm hiện đại hơn để bảo đảm có máu sạch, an toàn truyền cho bệnh nhân. Như vậy, tăng giá máu để có thêm kinh phí phục vụ cho việc nâng cao chất lượng và số lượng máu đáp ứng cho công tác cấp cứu, điều trị bệnh nhân ngày một tốt hơn.

* Thưa ông, giá máu tăng sẽ tạo gánh nặng mới cho các bệnh nhân nghèo, đặc biệt là những bệnh nhân bị ung thư máu, vậy có biện pháp nào để hỗ trợ cho các đối tượng này?

- Hiện nay, phần lớn người dân có tham gia bảo hiểm y tế. Nếu có thẻ bảo hiểm y tế, bệnh nhân truyền máu sẽ được quỹ bảo hiểm y tế thanh toán tiền truyền máu và các chế phẩm của máu. Vì thế người dân nên tham gia bảo hiểm y tế để khi có bệnh cần truyền máu đỡ lo chi phí. Đây là một biện pháp rất căn cơ, hiệu quả cần được mọi người quan tâm.

* Xin cảm ơn ông!

HUỆ HOA (thực hiện)

Chia sẻ bài viết