16/03/2021 - 19:02

Anh từng bước “xoay trục” sang châu Á 

Thắt chặt quan hệ đồng minh với Mỹ song song với việc mở rộng phạm vi ảnh hưởng ở khu vực Ấn Ðộ Dương - Thái Bình Dương là một trong những ưu tiên trong chính sách đối ngoại của Anh thời “hậu Brexit”.

Anh có thể triển khai tàu sân bay HMS Queen Elizabeth đến khu vực để đối phó Trung Quốc. Ảnh: Royal Navy

Anh có thể triển khai tàu sân bay HMS Queen Elizabeth đến khu vực để đối phó Trung Quốc. Ảnh: Royal Navy

Rời Liên minh châu Âu (hay còn gọi Brexit) vào cuối năm ngoái, chính quyền Thủ tướng Anh Boris Johnson bắt đầu rà soát các ưu tiên về chính sách đối ngoại, quốc phòng nhằm chuẩn bị cho công cuộc “đại tu” kể từ sau Chiến tranh Lạnh. Theo Thủ tướng Johnson, tiến hành đánh giá tổng thể sẽ phản ánh vị thế của Anh trước xu hướng chuyển dịch của trật tự toàn cầu trong những thập kỷ tới; đồng thời thiết lập kỷ nguyên mới cho nước này với trọng tâm là tham gia dẫn đầu quá trình xây dựng các quy tắc quốc tế dựa trên thượng tôn pháp luật, hợp tác và thương mại tự do.

Chi tiết kế hoạch hiện thực hóa mục tiêu của Thủ tướng Johnson sẽ được trình bày trong báo cáo dài 100 trang công bố vào hôm nay 17-3. Nhưng trước đó, Hãng tin Reuters đã tiết lộ một phần nội dung văn kiện. Theo đó, về đối ngoại, Chính phủ Anh đặc biệt coi trọng mối quan hệ với Washington cũng như việc đảm bảo vị thế nước này trong các ưu tiên quốc tế của Nhà Trắng dưới thời Tổng thống Joe Biden. Ðược biết, Văn phòng Thủ tướng Johnson hiện xem xét xây dựng trung tâm kiểm soát các trường hợp khẩn cấp theo mô-típ Phòng Tình huống trong Nhà Trắng và lập đề án ngăn chặn các phần tử cực đoan cùng những thế lực thù địch.

Nội dung khác gây chú ý nữa là cam kết của ông Johnson về việc “tăng cường hoạt động quốc tế” giữa một thế giới ngày càng cạnh tranh hơn, từ đó làm rõ lập trường của Anh đối với sức mạnh chiến lược đang lên của Trung Quốc. Tuy không trực tiếp nhắc đến Trung Quốc, Thủ tướng Johnson chỉ trích gay gắt một số “cường quốc mới” đang vận dụng tất cả phương tiện nhằm thực hiện ý đồ thay đổi thậm chí phá hoại trật tự quốc tế dựa trên các quy tắc mở và tự do.

Tuyên bố này đồng thời củng cố phát biểu trước đó của chủ nhân nhà số 10 phố Downing, rằng nước Anh hậu Brexit sẽ “nghiêng” về Ấn Ðộ Dương - Thái Bình Dương khi khu vực này đang trở thành trung tâm địa chính trị của thế giới. Năm ngoái, báo cáo của tổ chức nghiên cứu Policy Exchange cho rằng Anh nên có bước chuyển hướng tập trung vào Ấn Ðộ Dương - Thái Bình Dương. Chính quyền Johnson thời điểm đó cũng đồng ý thay đổi cách tiếp cận của Luân Ðôn theo hướng hỗ trợ các nước khu vực đối phó Bắc Kinh.

Ðánh giá về chính sách mới, cựu chỉ huy Hải quân Hoàng gia Anh Alan West xác nhận Ấn Ðộ Dương - Thái Bình Dương là khu vực kinh tế phát triển nhanh nhất và rất quan trọng đối với chiến lược “nước Anh toàn cầu”. Việc Anh “xoay trục” đồng thời gửi đi thông điệp quan trọng tới Trung Quốc, rằng Bắc Kinh sẽ không tránh khỏi bị cô lập nếu kiên quyết bỏ qua hệ thống dựa trên quy tắc toàn cầu.

Ðể đánh dấu những thay đổi hiện nay, Chính phủ Anh xác nhận chuyến thăm của Thủ tướng Johnson tới Ấn Ðộ vốn trì hoãn trước đó sẽ được xúc tiến vào tháng 4. Anh cũng đẩy mạnh sự hiện diện ở Thái Bình Dương khi đã sẵn sàng cho kế hoạch điều nhóm tác chiến tàu sân bay HMS Queen Elizabeth tới khu vực và tham gia tập trận với các đồng minh Mỹ, Nhật Bản. Theo sau Pháp và Ý, xứ sở sương mù cũng đang đề nghị được cấp “quy chế đối tác” với Hiệp hội các quốc gia Ðông Nam Á.

MAI QUYÊN (Theo Reuters)

Chia sẻ bài viết