22/11/2020 - 10:00

Ảnh hưởng của vi sinh vật đường ruột với bệnh phổi 

Công bố trên tạp chí Nature Communications, nghiên cứu mới của các nhà khoa học Úc lần đầu tiên chỉ ra mối quan hệ giữa bệnh phổi tắc nghẽn mãn tính (COPD) và sự thay đổi của hệ vi sinh đường ruột.

Theo Tổ chức Y tế Thế giới, COPD là nguyên nhân gây tử vong thứ 3 trên thế giới. Ảnh: Central Hastings Family Health Team

COPD là tình trạng xảy ra khi phổi bị viêm, tổn thương và hẹp đường dẫn khí, dẫn đến các triệu chứng khó thở, ho, tiết chất nhầy và thở khò khè. Nguyên nhân hàng đầu của bệnh là do hút thuốc lá và tiếp xúc không khí ô nhiễm. Y học cũng từng phát hiện hệ vi sinh trong phổi có ảnh hưởng tới tiến triển của bệnh. Do đó trong nghiên cứu mới, tác giả Phil Hansbro và các đồng sự đặt giả thuyết xem xét môi trường ruột có liên quan đến nguy cơ mắc bệnh hay có thể coi đây là chỉ dấu chẩn đoán COPD hay không.

Các chuyên gia đã phân tích mẫu phân của 28 bệnh nhân COPD và 29 người khỏe mạnh thuộc nhóm đối chứng. Kết quả cho thấy có sự khác biệt đáng kể giữa hai nhóm, bao gồm mức độ khác nhau của hơn 140 loài vi khuẩn. Ðơn cử, sự hiện diện của một số chủng liên cầu khuẩn (Streptococcus) được nhìn thấy với số lượng nhiều hơn ở bệnh nhân COPD. Tính đa dạng của chủng Streptococcus trước đây cũng từng được phát hiện trong hệ vi sinh trong phổi của người mắc COPD.

Theo giải thích của Giáo sư Hansbro, “trục đường ruột - phổi” phản ánh hệ miễn dịch chung của đường tiêu hóa và hệ hô hấp, đồng nghĩa hoạt động trong ruột có thể tác động đến hoạt động ở phổi. Với khám phá mới, Giáo sư Hansbro đề nghị nên đưa sức khỏe hệ vi sinh đường ruột vào các mô hình nghiên cứu để xem xét phát triển các phương pháp mới hỗ trợ chẩn đoán, theo dõi và điều trị COPD không xâm lấn và hiệu quả hơn.

VI VI (Theo New Atlas)

Chia sẻ bài viết