05/03/2023 - 07:49

Ảnh hưởng của Trung Quốc tại Hungary 

TRÍ VĂN 

Trong thập niên qua, chính quyền Hungary dưới thời Thủ tướng Viktor Orban có quan hệ ngày càng sâu sắc với Nga và Trung Quốc, khiến Liên minh châu Âu (EU) quan ngại. Sự tham gia của Hungary vào nhóm thương mại 16+1, gồm Trung Quốc và các nước Trung Âu, Đông Âu (CEE), cũng như vào sáng kiến “Vành đai, Con đường (BRI)” của Bắc Kinh là những ví dụ điển hình cho quan hệ Trung Quốc - Hungary ngày càng thắt chặt.

Nhà đầu tư lớn nhất

Nhà ngoại giao hàng đầu Trung Quốc Vương Nghị (trái) và Thủ tướng Hungary Viktor Orban trong cuộc gặp tại thủ đô Budapest hôm 19-2. Ảnh: AP

Nhà ngoại giao hàng đầu Trung Quốc Vương Nghị (trái) và Thủ tướng Hungary Viktor Orban trong cuộc gặp tại thủ đô Budapest hôm 19-2. Ảnh: AP

Theo tờ The Diplomat, lý do khiến Hungary tăng cường quan hệ thương mại và chính trị với Trung Quốc nằm ở chính sách “Mở cửa hướng Đông” của nước này. Lần đầu được công bố sau chiến thắng của ông Orban và đảng Fidesz trong cuộc bầu cử hồi năm 2010, chính sách này nhằm mục đích giảm sự phụ thuộc của Hungary vào các nước phương Tây và “xoay trục” Budapest về phương Đông với hy vọng nhận được thêm các khoản đầu tư và khoản vay. Dù chính sách này phần lớn không mang lại kết quả như mong đợi nhưng Chính phủ Hungary vẫn tiếp tục tìm kiếm mối quan hệ với các đối tác ở phương Đông, gồm Trung Quốc. Trong đó, một dự án nổi bật của Trung Quốc ở Hungary là tuyến đường sắt Budapest - Belgrade, được cho là dự án quan trọng nhất của BRI ở châu Âu. Tuy nhiên, tuyến đường nối thủ đô của Hungary và thủ đô của Serbia này đã bị chỉ trích vì thiếu minh bạch, có nguy cơ tham nhũng và có khả năng khiến Hungary mắc “bẫy nợ”. Sau khi hoàn thành, tuyến đường này sẽ chỉ phục vụ cho việc vận chuyển hàng hóa và giúp đưa hàng hóa của quốc gia đông dân nhất thế giới từ cảng Piraeus (Hy Lạp) đến Trung Âu. Do đó, nó được cho là ít có giá trị đối với chính Hungary và EU.

Hồi năm 2020, thông tin chi tiết về kế hoạch xây dựng khuôn viên Đại học Phục Đán ở Budapest bị rò rỉ, khiến cư dân thủ đô phẫn nộ do chi phí liên quan đến dự án cũng như vị trí mà khuôn viên này dự kiến được đặt. Đáng chú ý nhất là Thị trưởng Budapest Gergely Karácsony cũng bày tỏ lo ngại về những nỗ lực tiềm tàng của các hoạt động tìm kiếm ảnh hưởng ở châu Âu của Trung Quốc, bởi Bắc Kinh được cho sử dụng các tổ chức học thuật để làm suy yếu tự do tri thức và tăng cường ảnh hưởng của nước này.

Gần đây nhất, vào tháng 8-2022, nhà sản xuất pin xe điện Trung Quốc Contemporary Amperex Technology Co Ltd (CATL) đã công bố kế hoạch mở một nhà máy sản xuất ắc quy ôtô mới tại thành phố Debrecen. Với khoản đầu tư 7,3 tỉ euro, gấp 3 lần so với khoản đầu tư lớn nhất trước đó vào Hungary thì đây sẽ là nhà máy lớn nhất ở châu Âu và có tầm quan trọng chiến lược đối với Hungary. Như vậy, theo kế hoạch cấm ôtô động cơ đốt trong của EU từ năm 2035, nhà máy sẽ giúp “cứu” ngành công nghiệp ôtô của Hungary, vốn chiếm 1/5 sản lượng xuất khẩu của nước này.

Giới phân tích cho rằng chính lập trường thân Trung Quốc của Hungary là một trong những lý do dẫn đến quyết định xây dựng nhà máy ở nước này của CATL. Mặt khác, khoản đầu tư của CATL còn thể hiện “mối quan hệ chính trị thực tế” giữa 2 nước và biểu thị sự tiếp tục của chính sách “Mở cửa hướng Đông” của Hungary và định hướng đối với các khoản đầu tư của Trung Quốc. Theo Ngoại trưởng Hungary Peter Szijjarto, Trung Quốc là nhà đầu tư lớn nhất tại quốc gia Đông Âu này vào năm 2022 và điều này giúp Budapest hưởng lợi giữa lúc kinh tế châu Âu nói chung gặp khó khăn.

Tận dụng quyền phủ quyết 

Tuy nhiên, giới phê bình cho rằng khoản đầu tư mới này vào Hungary có thể giúp mở rộng hơn nữa ảnh hưởng kinh tế của Trung Quốc ở châu Âu và mang đến cho Bắc Kinh đòn bẩy ngoại giao. Theo Tiến sĩ Edit Zgut-Przybylska, sở dĩ Hungary trở nên hấp dẫn đối với Trung Quốc là bởi Budapest sở hữu quyền phủ quyết tiềm tàng đối với lập trường chỉ trích Trung Quốc của EU, do đó bảo vệ Bắc Kinh khỏi sự chỉ trích của quốc tế và làm suy yếu sự đồng thuận của châu Âu về các lập trường liên quan đến Trung Quốc, nhờ đó mà nước này có thể tận dụng ảnh hưởng chính trị đối với Hungary thông qua các khoản đầu tư. Quả thực, việc chính quyền ông Orban từng nhân nhượng Trung Quốc và phủ quyết các lập trường chỉ trích Bắc Kinh tại EU đã giúp ông “ghi điểm” trong mắt Trung Quốc, từ đó các khoản đầu tư của Trung Quốc được cho sẽ “chảy” vào Hungary nhiều hơn.

Tuy một số nhà nghiên cứu và giới chuyên gia về CEE coi các khoản đầu tư của Trung Quốc vào Hungary là mối đe dọa an ninh tiềm ẩn và là nguồn gây ảnh hưởng của Bắc Kinh nhưng thực chất nó cũng mang lại nhiều lợi ích cho Budapest. Thứ nhất và quan trọng nhất là, Trung Quốc có thể lấp đầy khoảng trống tài chính dai dẳng trong khu vực, điều mà EU và các tổ chức tài chính không thể lấp đầy. Thứ hai là, Bắc Kinh mang đến cho Budapest cơ hội nhận được những khoản đầu tư lớn ít ràng buộc hơn. Thứ ba là, các dự án của Trung Quốc giúp ông Orban củng cố quyền lực tại Hungary. Và cuối cùng, mối quan hệ với Bắc Kinh trang bị cho ông Orban đòn bẩy chính trị mà ông có thể sử dụng trong các cuộc đàm phán với EU.

Năm 2018, ông Orban từng cảnh báo rằng Hungary sẽ quay sang Trung Quốc nếu như EU không cung cấp thêm tài trợ cho các dự án cơ sở hạ tầng. Với sự rạn nứt ngày càng tăng giữa EU và Hungary về vấn đề tự do và quỹ tài trợ thì các khoản đầu tư của Trung Quốc chính là “phao cứu sinh” để Budapest duy trì tăng trưởng kinh tế. Cuộc bầu cử vào tháng 3-2023 được dự báo đảng Fidesz sẽ duy trì quyền lực và chính sách của Hungary với Trung Quốc cũng sẽ không có gì thay đổi trong những năm tới, đặt ra một thách thức đối với Brussels về sự đoàn kết chống lại Bắc Kinh.

Năm 2016, Hungary cùng với Croatia và Hy Lạp ngăn cản tuyên bố của EU về phán quyết phản đối yêu sách chủ quyền của Trung Quốc ở Biển Đông. Hungary cũng đã im lặng trong vụ Trung Quốc bắt giữ nhà cựu ngoại giao Michael Kovrig mang quốc tịch Canada và Hungary năm 2018. Năm 2021, Budapest lại ngăn chặn tuyên bố của EU chỉ trích luật an ninh của Bắc Kinh đối với Hong Kong.
Chia sẻ bài viết