31/08/2019 - 17:46

Ấn Độ khủng hoảng rác thải nhựa 

Ấn Độ mỗi ngày tạo ra gần 26.000 tấn rác thải nhựa, khiến quốc gia Nam Á này trở thành nơi ô nhiễm rác thải nhựa xếp thứ 15 trên toàn cầu, theo tờ Quartz.

Tại Ấn Độ, rác thải nhựa hiện diện khắp nơi, từ những con đường đến các con sông, tạo thành những bãi rác khổng lồ. Vào mùa mưa, chai nhựa tại các bãi rác tích tụ nước, trở thành nơi sinh sản lý tưởng cho muỗi. Bên cạnh mùi hôi thối bốc ra, các bãi rác còn gây nguy hiểm đối với sức khỏe của cư dân địa phương khi nó là “ổ” các bệnh do muỗi truyền.

Một bãi rác đầy chai nhựa tại Ấn Độ. Ảnh: Business Standard

Viện Năng lượng và Tài nguyên (TERI) trích dữ liệu của Cơ quan kiểm soát ô nhiễm trung ương Ấn Độ (CPCB) cho thấy, rác thải nhựa chiếm 8% tổng lượng chất thải rắn được tạo ra ở Ấn Độ hàng năm. Trong số 25.940 tấn rác thải nhựa được tạo ra hàng ngày tại Ấn Độ, 94% là nhựa nhiệt dẻo hoặc vật liệu có thể tái chế như PET (thường được dùng sản xuất chai đựng nước) hay PVC. Tuy nhiên, những vật liệu này chỉ có thể được tái chế tối đa 7-9 lần trước khi bị vứt bỏ. CPCB hồi năm 2014 ước tính rằng Ấn Độ tái chế tới 80,28% rác thải nhựa, một phần nhờ vào “đội quân” chuyên thu gom và phân loại rác thải. Song, trong số chất thải không thể tái chế, chỉ có 28,4% có thể được xử lý, phần còn lại gây ô nhiễm các bãi rác, các con sông. TERI và chính quyền các tiểu bang nhiều lần ban hành luật chống rác thải nhựa nhưng đa số không mang lại kết quả. “Nhiều luật đã được ban hành nhưng đều thất bại do thiếu sự quyết tâm của con người. Không luật nào mang lại hiệu quả trừ phi người dân nhận thức được tác hại và cam kết tránh sử dụng nhựa” - Anand Arya, nhà bảo vệ môi trường ở thủ đô New Delhi, cho biết.

Nhận thức được cuộc khủng hoảng rác thải nhựa trong nước, Ấn Độ dự kiến sẽ áp dụng lệnh cấm trên toàn quốc đối với túi, ly, đĩa, chai và ống hút nhựa từ ngày 2-10 tới nhân kỷ niệm 150 năm ngày sinh của vị anh hùng dân tộc Mahatma Gandhi. “Lệnh cấm sẽ toàn diện. Theo đó sẽ cấm việc sản xuất, sử dụng và nhập khẩu các mặt hàng đó” - một quan chức Ấn Độ cho biết. Theo vị này, lệnh cấm sẽ giúp cắt giảm từ 5-10% lượng nhựa tiêu thụ của Ấn Độ hiện ở mức 14 triệu tấn/năm. Thủ tướng Narendra Modi trong bài phát biểu nhân ngày Quốc khánh Ấn Độ 15-8 cũng đã kêu gọi người dân và các cơ quan chính phủ hãy tiên phong hưởng ứng lệnh cấm nhằm đưa Ấn Độ thoát khỏi loại nhựa sử dụng một lần. Theo Liên đoàn Phòng Thương mại và Công nghiệp Ấn Độ, gần phân nửa lượng nhựa tiêu thụ ở nước này là sản phẩm dùng một lần.

Trong khi Hạ viện Ấn Độ cấm sử dụng các chai nước bằng nhựa không thể tái sử dụng tại cơ quan này từ ngày 20-8, ban quản lý các tuyến đường sắt do chính phủ điều hành cũng cấm sử dụng nhựa một lần tại tất cả các nhà ga và trên xe lửa, thay vào đó là sử dụng các túi có thể tái sử dụng. Đáng chú ý là Chính phủ Ấn Độ cũng có kế hoạch siết chặt tiêu chuẩn môi trường đối với các sản phẩm nhựa, yêu cầu người dân chỉ sử dụng nhựa có thể tái chế, đồng thời yêu cầu các công ty thương mại điện tử cắt giảm việc sử dụng bao bì nhựa vốn chiếm gần 40% lượng nhựa tiêu thụ hàng năm của Ấn Độ.

Không những vậy, Ấn Độ trong dự thảo Chính sách hiệu quả tài nguyên quốc gia (NERP) năm 2019 còn đề xuất các mục tiêu đầy tham vọng nhằm cắt giảm rác thải nhựa. Theo đó, New Delhi mong muốn tái chế và tái sử dụng 100% nhựa PET. NERP cũng đặt mục tiêu tái chế ít nhất 75% các loại rác thải nhựa khác; cấm đưa vào bãi rác các loại chất thải có thể tái chế như nhựa, kim loại, thủy tinh, giấy và chất thải phân hủy sinh học khác vào năm 2025.

TRÍ VĂN (Theo Quartz, Weather, Business Standard)

Chia sẻ bài viết