06/09/2023 - 19:46

Ấn Độ chuẩn bị đổi tên nước? 

MAI QUYÊN

Thay vì danh xưng India theo tiếng Anh, Ấn Độ gần đây sử dụng từ cổ Bharat trong một số sự kiện ngoại giao chính thức, làm dấy lên đồn đoán New Delhi muốn đổi tên nước để xóa dấu vết còn sót lại về thời kỳ thuộc địa của Anh.

Áp phích hội nghị G20 trên đường phố New Delhi. Ảnh: Getty Images

Áp phích hội nghị G20 trên đường phố New Delhi. Ảnh: Getty Images

Từ ngày 9-10/9, Ấn Độ tổ chức Hội nghị thượng đỉnh thường niên Nhóm các nền kinh tế phát triển và mới nổi hàng đầu thế giới (G20). Và trong thiệp mời các chính khách dự tiệc tối, Chính phủ của Thủ tướng Narendra Modi dùng cụm từ “Tổng thống Bharat - President of Bharat” để nhắc đến bà Droupadi Murmu thay cho “President of India”. Cùng ngày, người phát ngôn đảng Nhân dân Ấn Độ (BJP) cầm quyền Sambit Patra chia sẻ hình ảnh tấm thiệp chính thức đề cập chuyến thăm của “Thủ tướng Bharat Shri Narendra Modi” tới Indonesia để dự Hội nghị cấp cao Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) - Ấn Độ lần thứ 20 vào ngày 7-9.

Trước nay, quốc gia với hơn 1,4 tỉ dân này được biết đến chính thức với 2 tên gọi là Ấn Độ (India) và Bharat, nhưng danh xưng đầu tiên được sử dụng phổ biến cả trong nước lẫn quốc tế. Một từ khác nữa là Hindustan và thường được dùng trong văn học cùng những hình thức văn hóa đại chúng khác. Là từ tiếng Phạn cổ, Bharat theo nhiều nhà sử học thì có nguồn gốc từ các văn bản đầu tiên của người Hindu. Cụm từ trên có thể hoán đổi với từ India trong tiếng Anh và điều khoản đầu tiên trong Hiến pháp nước này cũng nêu rõ, “Ấn Độ tức Bharat là một Nhà nước Liên bang”. Những năm gần đây, Bharat dần mang ý nghĩa chính trị khi trở thành thuật ngữ ưa thích của đảng BJP theo chủ nghĩa Hindu giáo. Thủ tướng Modi thường xuyên gọi Ấn Độ là Bharat và coi đây là nỗ lực cần thiết để từ bỏ “tư duy thuộc địa”. Các thành viên trong đảng cầm quyền theo chủ nghĩa dân tộc còn vận động chống lại việc sử dụng tên Ấn Độ, vốn có nguồn gốc từ thời cổ đại ở phương Tây và được đặt cho quốc gia Nam Á trong thời kỳ Anh đô hộ.

Trong nhiều thập kỷ, các chính phủ Ấn Độ đã tìm cách xóa dấu vết thời kỳ thuộc địa ở nhiều cấp độ, chẳng hạn như đổi tên đường hay thành phố. Dưới thời Thủ tướng Modi, quá trình này được thúc đẩy hơn nữa khi New Delhi không những loại bỏ những biểu tượng về sự cai trị của Anh khỏi cảnh quan đô thị, các công trình kiến trúc nhà nước mà còn trong sách giáo khoa và thể chế chính trị. Chẳng hạn như tháng rồi, chính phủ vạch ra kế hoạch sửa đổi sâu rộng bộ luật hình sự trước giai đoạn Ấn Độ giành độc lập để loại bỏ các tham chiếu đến chế độ quân chủ Anh. Đối với động thái mới nhất, truyền thông địa phương suy đoán đảng BJP có thể đề xuất đổi tên nước chính thức thông qua nghị quyết của Quốc hội. Trước đó, có tin chính phủ triệu tập phiên họp đặc biệt của quốc hội từ ngày 18 đến 22-9. Chương trình nghị sự chưa được công bố nhưng Đài truyền hình News18 dẫn các nguồn tin chính phủ giấu tên tiết lộ, BJP sẽ đưa ra nghị quyết đặc biệt để ưu tiên cho tên Bharat.

Diễn biến này lập tức gây ra phản ứng trái chiều. Những người ủng hộ đảng BJP cho rằng đổi tên nước thành Bharat khôi phục quá khứ Hindu giáo của Ấn Độ là đòn giáng vào tâm lý nô lệ. Trong khi đó, một số chính trị gia đối lập chỉ trích chính phủ thực chất nhắm vào liên minh mới. Được biết, hồi tháng 7, hơn 20 đảng đối lập đã gác lại khác biệt và đoàn kết thành lập Liên minh Toàn diện Phát triển Quốc gia Ấn Độ (INDIA) nhằm thách thức đảng BJP cầm quyền trong cuộc bầu cử quốc hội vào năm tới. Mục tiêu là bảo đảm một Ấn Độ thế tục theo Hiến pháp. Trước đó, Chính phủ của ông Modi đã loại bỏ địa danh Hồi giáo được đặt trong thời kỳ đế chế Mughal, một động thái mà giới phê bình cho là biểu tượng khẳng định quyền lực của tôn giáo Hindu chiếm đa số ở Ấn Độ. Nhưng BJP khẳng định họ đại diện cho tất cả người dân Ấn Độ và muốn thịnh vượng cho tất cả mọi người.

Việc thay đổi tên chính thức của thành phố hay quốc gia có lịch sử lâu dài và đầy thách thức về mặt chính trị. Năm 2018, vị vua cuối cùng tại châu Phi, Quốc vương Mswati III đã đổi tên đất nước từ Swaziland thành Eswatini. Năm ngoái, Thổ Nhĩ Kỳ yêu cầu Liên Hiệp Quốc và nhiều tổ chức quốc tế đổi cách gọi nước này từ Turkey sang Türkiye.
Chia sẻ bài viết