21/01/2023 - 10:37

Âm vang 55 năm Tổng tiến công và nổi dậy Tết Mậu Thân năm 1968 

Thực hiện: PHẠM TRUNG

“Cuộc Tổng tiến công và nổi dậy Tết Mậu Thân năm 1968 được chia làm 3 đợt: đợt 1: từ ngày 30-1 (đêm trước giao thừa) đến ngày 25-2; đợt 2: từ ngày 5-5 đến 16-6; đợt 3: từ ngày 13-8 đến ngày 30-9-1968. Trong đợt 1, quân dân ta đã loại khỏi vòng chiến đấu hơn 10.000 tên địch; phá hủy và bắn rơi 150 máy bay các loại; phá hủy 8 khẩu pháo, 50 xe quân sự và thiết giáp; giải phóng 10 xã với hơn 20.000 dân…”

Trích “Lịch sử Ðảng bộ TP Cần Thơ tập III (1954-1975)”

Bộ đội tải vũ khí vào Lộ Vòng Cung phục vụ cuộc Tổng tiến công và nổi dậy Tết Mậu Thân năm 1968 tại Cần Thơ. Ảnh: Chụp lại từ ảnh tư liệu tại Khu di tích lịch sử - văn hóa Vườn Mận.

Anh hùng LLVTND, Thiếu tướng Lê Thanh Sơn và lãnh đạo Bộ Chỉ huy Quân sự TP Cần Thơ viếng Nghĩa trang liệt sĩ ở huyện Tân Hiệp, tỉnh Kiên Giang. Ảnh: PHẠM TRUNG

Kể về sự hồi sinh, phát triển mạnh mẽ của vùng đất Long Tuyền và địa danh Căn cứ Vườn Mận, Anh hùng Lực lượng vũ trang Nhân dân (LLVTND) Thiếu tướng Lê Thanh Sơn (Ba Ngay) , nguyên Chỉ huy trưởng Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh Cần Thơ, xúc động: “Ðó là nơi chú Ba và đồng đội nhận nhiệm vụ tiến công vào TP Cần Thơ trong Tết Mậu Thân năm 1968. Ðơn vị được lệnh vào nội ô ngày mùng 1 để chi viện cho Ðại đội 20 đã vào trước đó 1 ngày...”. 

55 năm trôi qua nhưng ký ức hào hùng năm xưa vẫn sâu đậm trong lòng những người lính, người dân TP Cần Thơ từng sống và chiến đấu trong cuộc Tổng tiến công và nổi dậy Tết Mậu Thân năm 1968 (Tổng tiến công). Và hôm nay, ký ức đó được trao truyền cho các thế hệ kế tiếp để cùng trân trọng, giữ gìn; để mỗi người luôn thấy trách nhiệm, thêm quyết tâm tham gia xây dựng TP Cần Thơ giàu đẹp, nghĩa tình.

Hào khí anh hùng

Ðêm 28, rạng 29-1-1968 (đêm 29, rạng 30 Tết Mậu Thân), đồng chí Vũ Ðình Liệu, Bí thư Tỉnh ủy Cần Thơ, triệu tập Hội nghị Thường vụ Tỉnh ủy để phố biến Lệnh Tổng tiến công và nổi dậy. Theo kế hoạch, ngày 29-1 (tức 0 giờ đêm 30 Tết), dưới sự chỉ đạo trực tiếp của Khu ủy Khu 9 và Ủy ban Khởi nghĩa tỉnh Cần Thơ, quân ta tấn công vào TP Cần Thơ theo 4 hướng… Một trong những cán bộ, chiến sĩ vào TP Cần Thơ sớm nhất (lúc 21 giờ) là Anh hùng LLVTND, Ðại tá Phạm Hồng Thấy (Bảy Thấy). Ông Bảy Thấy là Trung đội trưởng Trung đội 1019, Ðại đội 20, Tiểu đoàn Tây Ðô (TÐTÐ). “Chúng tôi được cơ sở dẫn đường nên vào sớm, ém quân ở đường Phan Thanh Giản (nay là Xô Viết Nghệ Tĩnh), chờ đến giờ nổ súng. Nhưng đơn vị bị lộ, địch lùng sục chúng tôi khắp nơi” - ông Bảy Thấy kể.

Khoảng 12 giờ 15 phút, một tiểu đoàn bảo an của địch đi vào đường Phan Thanh Giản. Quân ta nổ súng, đẩy địch lui ra. Gần 300 quân địch bị tiêu diệt trên đoạn đường gần 1km. Khi ra đến ngã ba, địch dùng đại liên bắn trả quyết liệt. Ông Bảy Thấy bị thương ở hai tay và chân. Trung đội 1019 tiếp tục lợi dụng đêm tối, bờ tường đánh chiếm ngã ba, tiến tới gần Dinh Tỉnh trưởng, lúc hơn 5 giờ sáng. Trước dinh là 7 chiếc xe bọc thép, nhưng Trung đội 1019 không thể qua vì không có súng B40, B41 để tấn công các xe. Ông Bảy Thấy ra lệnh cho anh em rút ra khu vực hồ Xáng Thổi, lập đội hình tiếp tục chiến đấu.

6 giờ 30 sáng, tiểu đoàn biệt động quân của địch bao vây Trung đội 1019. Ðơn vị chiến đấu đến 12 giờ trưa thì gần hết đạn. Ông Bảy Thấy ra lệnh cho cán bộ, chiến sĩ vừa chiến đấu vừa rút khỏi nội ô. Riêng ông bị thương nặng nên nấp dưới dãy nhà sàn trên hồ Xáng Thổi. Ban đêm, ông lên bờ tìm đường ra nhưng gặp địch, phải quay trở lại. Cứ thế ba đêm liền ông Bảy Thấy không ăn, không uống. Vết thương trên hai tay và chân ông chuyển sang màu xanh ngắt. Sáng mùng bốn, ông Bảy Thấy mới tìm đường ra được đến trạm quân y...

Khi tham gia cuộc Tổng tiến công, ông Ba Ngay là Chính trị viên Ðại đội 23. Những trận đánh ác liệt giữa cán bộ, chiến sĩ Ðại đội 23 và quân Mỹ - ngụy diễn ra ở chợ Mít Nài (nay là chợ An Nghiệp), rạch Bần, rạch Tham Tướng… Ông Ba Ngay nhớ lại: “Anh em tiến vào là xác định chiến đấu đến hơi thở cuối cùng. Ðịch bắn pháo, ném bom chợ Mít Nài tan hoang, tro than khắp lối…”. Giọng ông Ba Ngay rưng rưng thuật lại những lời cuối cùng của người đồng đội tên Bé: “Tui bị thương, không xung phong được nhưng tui còn cầm súng được. Các anh cứ để tui ra giữ công sự...”. Ðại đội 23 có 120 quân vào nội ô Cần Thơ, nhưng khi rút ra chỉ còn khoảng 20 người.

Cùng với các lực lượng của tỉnh Cần Thơ, các đơn vị của Quân khu 9 (QK9) như Tiểu đoàn 307 đánh chiếm Ðài Phát thanh, Khu hậu cần Quân đoàn 4; Tiểu đoàn 303 đánh sân bay Lộ Tẻ (phi trường 31), đồng thời phối hợp Trung đoàn 6 Pháo binh QK9 pháo kích sân bay Trà Nóc, đưa bộ binh tiêu diệt các đơn vị tiền tiêu của địch… Ðại tá Nguyễn Công Bình, nguyên Chính ủy Trường Quân sự QK9, nguyên chiến sĩ trinh sát Ðại đội 3, Tiểu đoàn 307, nhớ lại: “Tiểu đoàn 307 được giao đánh chiếm Ðài Phát thanh. Ðại đội 3 phối hợp với Tiểu đoàn 303 và TÐTÐ tiến công sân bay Lộ Tẻ. Trong đợt 1, các lực lượng của ta tiêu diệt và bắn bị thương 274 tên, bắt 8 tù binh; phá hủy 1 kho doanh cụ, 12 máy bay, 2 xe M113… Ðêm 18-2, các Tiểu đoàn 307, 309 tiếp tục tiến công sân bay Lộ Tẻ lần 2, phá hủy 29 máy bay, 1 kho xăng, 1 kho đạn; diệt Ðại đội bảo an 629 của địch…”.

Pháo đài lòng dân

Nhắc đến cuộc Tổng tiến công 55 năm trước, ánh mắt bà Ðinh Thị Nương (Tám Nương), 79 tuổi, ở đường Nguyễn Viết Xuân, phường Trà An, quận Bình Thủy, ánh lên niềm tự hào xen lẫn xúc động. Bà nói, lúc đó nhân dân xã Long Tuyền rất vui mừng khi nghe tin “Bộ đội sẽ về ăn Tết cùng bà con”. 11 giờ ngày 30 Tết (năm 1968) bộ đội về, ghé nhà dân ăn cơm. Bà con đem nhiều thức ăn, bánh trái ra đãi bộ đội. 14 giờ, cán bộ, chiến sĩ tỏa đi các hướng để chuẩn bị tiến vào nội ô Cần Thơ. Bà Tám Nương nhớ lại: “Thấy bộ đội về, bà con mừng lắm, nói với nhau “sắp giải phóng rồi”. Các lực lượng nông hội, phụ nữ, thanh niên hoạt động bí mật giờ lộ ra hết, chờ quân ta thắng lợi…”. 

Khí thế tổng tiến công hừng hực, nhiều người dân tình nguyện tiếp tế lương thực, chuyển thương, tải đạn, đi mua vải về băng bó cho thương binh… Bà Tám Nương cùng nhiều người bất chấp nguy hiểm bơi xuồng đưa thương binh vào rạch Sao (xã Mỹ Khánh) để tiếp tục điều trị hoặc đưa về tuyến sau chăm sóc. Ở Mỹ Khánh, quân dân xã cũng tích cực hỗ trợ cứu thương, tiếp tế lương thực vào nội thành cho các đơn vị của ta. Ðịch phản công quyết liệt, các phòng mổ của Tiểu đoàn 303, 309 của QK9 đều trúng đạn pháo. Ðến tối mùng tám Tết, địch bắn pháo trúng các phòng mổ nên các lực lượng phải lui về phía sau...

Nhắc về nghĩa tình quân dân năm xưa, Ðại tá Nguyễn Công Bình trầm ngâm kể: “Lúc tiến đánh sân bay Lộ Tẻ (đợt 1), khi vào tới đường băng, tôi bị thương ở đầu. Tôi nấp vào lùm cỏ, đến hôm sau mới ra được. Trên đường về Long Tuyền, người dân đem cơm cho tôi ăn. Khi tôi vào trinh sát để chuẩn bị đánh, cơ sở trong nội thành đã đưa tôi tiếp cận sân bay...”. Sau Tổng tiến công, các đơn vị của QK9 rút ra khỏi Lộ Vòng Cung để củng cố lực lượng. Tiểu đoàn 307 và một tiểu đoàn của QK9 tiếp tục đóng quân trong Lộ Vòng Cung để thu hút lực lượng của địch. Trong những ngày gian khổ đó, nhân dân Mỹ Khánh, Long Tuyền, Giai Xuân tiếp tế từ lương thực, thuốc tây, đến thuốc hút, xà bông… cho bộ đội; góp ván, chặt cây để bộ đội làm hầm trú ẩn, công sự chiến đấu...

Hơn nửa thế kỷ trôi qua nhưng Anh hùng LLVTND, Thượng tá Nguyễn Thị Vân (Hai Vân) vẫn luôn nhớ tới gia đình ông Sáu Châu và bà Năm “may đồ” ở gần hồ Xáng Thổi. Ðây là các cơ sở giúp chứa hơn 2 tấn vũ khí của biệt động tỉnh khi chuẩn bị đánh vào TP Cần Thơ. Trong đợt 3, bà Hai Vân và các đồng đội đánh vào nhà việc Tân An, lấy được hơn 1.000 phôi căn cước công dân chưa có ảnh, làm cơ sở cho cán bộ hoạt động hợp pháp về sau. “Lúc tôi bơi qua sông, người dân ở Xóm Chài đã giúp tôi sưởi ấm trước khi về đơn vị. Tôi biết được hướng thoát cũng nhờ đã điều nghiên rất kỹ, với sự giúp đỡ của chú Ba Châu” - bà Hai Vân kể. 

Ông Ba Châu là luật sư, có hai con trai là cảnh sát và quân cảnh. Bà Hai Vân tiếp cận ông nhờ làm căn cước giả để hoạt động hợp pháp. Bà kết thân với ông Ba Châu và các con ông để nhờ họ đưa đi nắm tình hình các địa điểm. Sau này, bà Hai Vân đến gặp ông Ba Châu tiết lộ bà là biệt động của tỉnh và thuyết phục ông Ba Châu trở thành cơ sở của cách mạng cho đến ngày đất nước thống nhất.

Anh hùng LLVTND, Thiếu tướng Lê Thanh Sơn (thứ tư, từ phải qua) dự lễ khởi công xây dựng trụ sở Ban Liên lạc Cựu chiến binh TÐTÐ ở thị trấn Phong Ðiền, huyện Phong Ðiền. Ảnh: PHẠM TRUNG

Các tuyến đường trên địa bàn phường Long Tuyền, quận Bình Thủy đều được gắn đèn chiếu sáng, trồng hoa... Ảnh: PHẠM TRUNG

Giữ gìn truyền thống…

Hằng ngày, ông Ba Ngay vẫn chăm sóc vườn cây và ao cá; qua đó, truyền cho con cháu tinh thần cần cù lao động, lối sống tích cực. Mỗi ngày được ăn no, mặc ấm, ông lại nhớ đến những đồng đội chung chiến hào năm xưa. Ông trăn trở khi thấy nhiều đồng đội còn khó khăn, vất vả. 20 năm trước, ông Ba Ngay cùng nhiều cựu chiến binh đã thành lập Ban Liên lạc (BLL) Cựu chiến binh TÐTÐ. Ðược sự ủng hộ nhiệt tình của lãnh đạo Tỉnh ủy, UBND tỉnh Cần Thơ, năm 2002, BLL tổ chức họp mặt lần đầu với 300 người. Sau 20 năm hoạt động, BLL đã vận động cất hơn 1.200 căn nhà (trị giá 10-50 triệu đồng/căn) tặng các cựu chiến binh gặp khó khăn về nhà ở. Giờ tuổi cao, tuy không trực tiếp phụ trách BLL nhưng ông Ba Ngay luôn góp công, góp của để BLL hoạt động ngày càng hiệu quả. Ông bộc bạch: “Niềm vui lớn nhất của chú Ba là Tết Nguyên đán năm nay  BLL có trụ sở làm việc rộng 150m2, trị giá hơn 3,5 tỉ đồng, ở thị trấn Phong Ðiền. Trụ sở có không gian trưng bày hình ảnh, hiện vật về lịch sử TÐTÐ, về Lộ Vòng Cung. Những năm qua, BLL cũng tham gia vận động để làm tượng đài, bia kỷ niệm về TÐTÐ ở phường Thường Thạnh, quận Cái Răng; xã Thạnh Hòa, huyện Phụng Hiệp, tỉnh Hậu Giang; xã Vĩnh Xương, thị xã Tân Châu, tỉnh An Giang…”.

Tháng 6-1968, Ðại tá Võ Tấn Dũng (Tư Dũng), nguyên Phó Chỉ huy trưởng Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh Cần Thơ, tình nguyện nhập ngũ tại TÐTÐ cùng 10 người bạn công tác chung ở Ban Kinh tài tỉnh Cần Thơ. Sau Tổng tiến công và nổi dậy đợt 3, 9 trong 10 người bạn của ông Tư Dũng hy sinh. 10 năm qua, ông Tư Dũng tích cực tham gia giáo dục truyền thống cho thế hệ trẻ. Ông mày mò học tin học, vẽ bản đồ, trình chiếu… để các buổi nói chuyện luôn sinh động. Mỗi năm, ông được mời đến 10-22 trường học để kể chuyện về TÐTÐ, về trận đánh 6 ngày đêm ở Vườn Mận... Ðến nay, ông Tư Dũng đã tham gia giáo dục truyền thống cho hơn 26.000 lượt đoàn viên, thanh niên, học sinh, giáo viên, giảng viên. Hằng năm, sau Tết Nguyên đán, vào ngày 28 hoặc 29-2, ông Tư Dũng và các đồng đội đều tổ chức lễ giỗ cho các đồng chí trong TÐTÐ, biệt động thành phố và các lực lượng chiến đấu ở Lộ Vòng Cung tại Khu di tích lịch sử - văn hóa Vườn Mận.

Bia tưởng niệm về cuộc Tổng tiến công và nổi dậy Tết Mậu Thân năm 1968 ở Khu di tích lịch sử - văn hóa Vườn Mận, phường Long Tuyền, quận Bình Thủy.  Ảnh: PHẠM TRUNG

“Ðất lửa” nở hoa

Chúng tôi trở lại thăm những địa điểm từng diễn ra tranh chấp ác liệt giữa ta và địch trong chiến tranh dọc theo Lộ Vòng Cung. Hơn 47 năm sau ngày đất nước thống nhất, những xã, phường, thị trấn dọc theo tuyến Lộ Vòng Cung đã hồi sinh, phát triển ngoạn mục. Vùng đất bom cày, đạn xới tan hoang nay phủ xanh cây trái, rau màu... Nhiều nông hộ có cuộc sống khá, giàu với những mô hình sản xuất hiệu quả. Anh Phạm Tuấn Nhã, Bí thư Ðảng ủy, Chủ tịch UBND phường Long Tuyền, quận Bình Thủy, cho biết: “Nhiều mô hình kinh tế được thành lập, phát huy hiệu quả, đem lại thu nhập cao cho nhiều hộ. Hằng năm, hệ thống chính trị phường tích cực vận động hơn 2 tỉ đồng để chăm lo các gia đình chính sách, thanh niên tại ngũ, học sinh vượt khó học giỏi, các hoàn cảnh khó khăn...; người dân trong phường hiến đất làm đường, đóng góp gắn đèn chiếu sáng, trồng cây, trồng hoa, làm cột cờ… với tổng trị giá hơn 8 tỉ đồng”. Theo anh Nhã, trên 95% tuyến đường trên địa bàn phường Long Tuyền đã được bê tông, rộng 4-6m. 

Trong Tổng tiến công năm 1968, Chi bộ, quân và dân xã Mỹ Khánh tích cực tham gia bảo vệ các căn cứ của Tỉnh ủy, Khu ủy ở rạch Ngã Cái, rạch Sao, rạch Bà Hồ; bảo vệ hậu cần tiền phương và thương binh, bệnh binh… Mỹ Khánh là nơi tranh chấp quyết liệt giữa ta và địch. Quân dân xã lập nhiều chiến công nhưng cũng chịu nhiều thiệt hại vì bom đạn của Mỹ - ngụy. Giờ trên đất Mỹ Khánh là những vườn sầu riêng, vú sữa, dâu Hạ Châu… xanh tốt, trĩu quả. Nhiều khu du lịch, homestay, nhà vườn được đầu tư xây dựng, góp phần phát triển ngành “công nghiệp không khói” của thành phố.

Anh Ðỗ Ngọc Quới, Bí thư Ðảng ủy xã Mỹ Khánh (huyện Phong Ðiền), cho biết: “Từ xã thuần nông, giờ Mỹ Khánh phát triển theo cơ cấu dịch vụ, du lịch, nông nghiệp chất lượng cao gắn với du lịch sinh thái cộng đồng. Hơn 60% du khách đến Phong Ðiền đều ghé sử dụng các dịch vụ du lịch tại Mỹ Khánh. Năm qua, nhân dân xã đã đóng góp hơn 1,4 tỉ đồng để làm đường giao thông, gắn đèn chiếu sáng…”. Ðảng ủy, UBND xã Mỹ Khánh triển khai thực hiện nhiều giải pháp giúp nhân dân giảm nghèo, nâng cao đời sống. Năm 2022, Ðảng ủy xã chỉ đạo xây dựng mô hình “Hỗ trợ hộ nghèo giảm nghèo bền vững”. Hằng tháng, xã vận động hỗ trợ 9 hộ nghèo, mỗi hộ 700.000 đồng và 20kg gạo. Năm qua, xã vận động cất 7 căn nhà, trị giá 330 triệu đồng cho các hộ nghèo, có hoàn cảnh khó khăn. Ðến nay, các hộ đều thoát nghèo. Cuối năm 2022, Ðảng ủy, UBND xã chỉ đạo củng cố Hợp tác xã Du lịch sinh thái Mỹ Khánh, gồm 12 thành viên để cùng liên kết, phát triển du lịch địa phương. “Ðảng ủy xã chỉ đạo nâng chất các tiêu chí về trường học, đường giao thông, thu nhập của người dân… để năm 2023 xã đạt chuẩn xã nông thôn mới kiểu mẫu. Trong quá trình đó, vai trò của người dân là rất lớn bởi sự đồng thuận, đồng lòng của nhân dân là cội nguồn sức mạnh của địa phương trong kháng chiến cũng như trong xây dựng quê hương hôm nay” - anh Ðỗ Ngọc Quới khẳng định.

Chia sẻ bài viết