24/02/2016 - 21:02

Ấm áp với “Niềm tin chưa mất”

"Niềm tin chưa mất" là tập tùy bút của nhà văn - nhà giáo Võ Hồng (1921 - 2013) do NXB Văn hóa Văn nghệ ấn hành. Giữa nhịp sống hiện đại hối hả, tập tùy bút đưa người đọc trở về với không gian, thời gian xưa cũ, rót vào lòng những hoài niệm đầy ấm áp yêu thương của tình thầy trò, tình bạn hữu, tình thân gia đình…

Nhà văn Võ Hồng (quê quán Tuy An, Phú Yên) ghi dấu ấn trên văn đàn với 8 tiểu thuyết và truyện dài, trên 70 truyện ngắn, nhiều tập tùy bút, bút ký, các tập truyện viết cho thiếu nhi, hơn 40 bài viết, bài khảo cứu, phê bình… Là một thầy giáo viết văn, mỗi tác phẩm của ông không chỉ thể hiện tình cảm chân thành, bao dung đối với con người và cuộc đời mà còn thể hiện một cái nhìn tinh tế, sâu sắc về trách nhiệm làm người, trách nhiệm đối với cuộc đời.

 

12 tác phẩm trong "Niềm tin chưa mất" viết về mái trường, gia đình, bạn bè, kỷ niệm xưa… nhưng chủ đạo là tình thầy trò, là trách nhiệm của người làm thầy và nét đẹp của tinh thần "Tôn sư trọng đạo".

Những bài viết đều được viết từ mấy chục năm về trước, tập trung nhiều vào giai đoạn trước năm 1975, do đó bối cảnh, ngôn từ và nội dung câu chuyện mang dấu ấn đặc trưng của một giai đoạn lịch sử đã qua. Thế nhưng, lối hành văn, câu chữ gần gũi, bình dị là cầu nối đưa người đọc tìm về với quá khứ một cách nhẹ nhàng, khám phá những điều khác biệt như: chương trình giáo dục, cách học hay những tục lệ như: lễ cúng trường vào ngày 26 tháng Chạp, đi Tết thầy vào dịp Tết Nguyên đán…

Đặc biệt, hình ảnh những người thầy và câu chuyện về họ được tác giả tái hiện sinh động, tỉ mỉ. Đó là chuyện về thầy Trần Sĩ hằng đêm đi một vòng qua nhà các học trò xem trò lo học hay đi chơi (Nửa chữ cũng thầy); thầy Duật dạy Sử - Địa khuyến khích học sinh làm tấm thiệp chúc Tết bằng thơ, được học sinh trân trọng giữ mãi cho đến 5 năm, 10 năm, 20 năm sau (Cánh thiệp đầu xuân). Chuyện thầy Khang dạy Toán đã giảng giải cho học sinh về ý nghĩa "Ngày của Mẹ", khuyến khích học trò bày tỏ lòng hiếu thảo với các đấng sinh thành (Một ngày cho mẹ). Hay thầy Lê Thông với phẩm cách cao đẹp trong truyện "Người thợ xây tâm hồn" - một thầy giáo nghiêm khắc nhưng rất tận tâm, ngoài kiến thức chuyên môn, thầy còn dành nhiều thời gian để dạy vẽ, âm nhạc, thậm chí là cả võ Judo để học sinh biết cách tự vệ. Và cũng chính người thầy ấy đã dạy cho học sinh về lẽ công bằng, tinh thần trách nhiệm...

Đáp lại tình thầy, đó là sự tôn kính, quí trọng của học sinh và phụ huynh. Tinh thần "Tôn sư trọng đạo" được thể hiện qua từng lời nói, hành động, suy nghĩ, bởi: "Ngoài ông bà, cha mẹ, anh chị và người thân trong gia đình thì thầy và cô giáo là người thương yêu ta chân tình hơn ai hết và ta cũng yêu lại, tin tưởng, chân tình" (trang 214 – "Nửa chữ cũng thầy"). Chính vì thế, đã có nhiều học sinh nối tiếp con đường nghề nghiệp của các thầy cô mà mình yêu mến, trong đó có Võ Hồng.

Ngoài tình thầy trò, tập tùy bút còn ghi dấu ấn với người đọc bằng những câu chuyện nhẹ nhàng, sâu lắng về tình cảm gia đình, tình yêu đôi lứa tinh thần lạc quan, vươn lên từ gian khó. Tập tùy bút còn có một chút bất ngờ, châm biếm thâm sâu về những con người thực dụng, tính toán.

CÁT ĐẰNG

Chia sẻ bài viết