22/11/2011 - 08:43

Ai Cập đối mặt cuộc cách mạng lần hai?

Mô tả cuộc biểu tình bạo động đẫm máu mấy ngày qua ở Ai Cập, báo Le Fagaro (Pháp) hôm qua cho rằng đây có thể là sự khởi đầu cho “cuộc cách mạng lần hai” ở nước này.

 Cảnh sát trấn áp người biểu tình. Ảnh: NWAonline

Cuộc biểu tình bạo loạn tại Quảng trường Tahrir ở Thủ đô Cairo từ hôm 19-11 đã bước sang ngày thứ 3 (21-11) làm thêm 24 người chết, một quan chức Bộ Y tế Ai Cập (giấu tên) nói với hãng tin Mỹ AP. Như vậy, các cuộc chạm trán nảy lửa giữa cảnh sát và dòng người biểu tình khổng lồ quá khích trong mấy ngày qua tại đây đã làm 35 người thiệt mạng, trong đó có nhiều nạn nhân bị trúng đạn thật. Bộ Y tế nước này xác nhận đã có tổng cộng 1.700 người bị thương, trong đó có 2 người đang trong tình trạng nguy kịch vì trúng đạn. Theo hãng tin Pháp AFP, cảnh sát Ai Cập đã bắt giữ 45 phần tử quá khích. Đây là lần đầu tiên lực lượng an ninh của chính quyền quân sự lâm thời mạnh tay trấn áp cuộc biểu tình quy mô lớn tại Quảng trường Tahrir. Những người biểu tình tuyên bố họ sẽ tiếp tục các hoạt động chống đối cho đến khi nào chính quyền quân sự chuyển tiếp của ông Essam Sharaf từ chức và thành lập “nội các cứu quốc” dân sự có thực quyền. Có tin đồn rằng phe đối lập đã “tiến cử” cựu Tổng Giám đốc Cơ quan Năng lượng Nguyên tử Quốc tế (IAEA) Mohamed ElBaradei làm người dẫn đầu “nội các cứu quốc”, nhưng lãnh đạo tổ chức Huynh đệ Hồi giáo – lực lượng được cho là dẫn đầu cuộc biểu tình, đã bác bỏ thông tin này.

Về phần mình, người phát ngôn của Hội đồng Tối cao các lực lượng vũ trang Ai Cập (SCAF) đã ra thông cáo tái khẳng định cuộc tổng tuyển cử vẫn diễn ra đúng thời hạn 28-11. Đây sẽ là cuộc bầu cử đầu tiên thử thách nền dân chủ mới ở Ai Cập sau sự sụp đổ của chế độ độc tài Hosni Mubarak. Tuy nhiên, hầu hết các chính trị gia và các nhà trí thức, trong đó có ông ElBaradei, đã kêu gọi hoãn cuộc bầu cử để có thời gian xem lại các điều kiện chính trị của SCAF. Người ta lo ngại xảy ra tình trạng gian lận trong bầu cử và các thế lực thân cận với quân đội cũng như với chế độ cũ sẽ có cơ hội chi phối quốc hội, cho dù SCAF tuyên bố “mọi công dân chân chính có quyền tự do lựa chọn đại diện của mình”. Cuộc bầu cử sẽ diễn ra vào thứ hai (28-11), nên dư luận hồi hộp những ngày cuối tuần này có nguy cơ nổ ra bạo động tàn khốc mới với hậu quả khó lường.

Trước những diễn biến mới tại Ai Cập, Đại diện cấp cao phụ trách chính sách an ninh và đối ngoại của Liên minh châu Âu (EU), bà Catherine Ashton đã lên án việc sử dụng vũ lực tại Ai Cập, đồng thời kêu gọi các bên kiềm chế. Bà Catherine nói: “Quá trình chuyển tiếp chắc chắn là một quá trình khó khăn và nhiều thách thức, song luật pháp và trật tự cần phải được đảm bảo”. Bộ trưởng Quốc phòng Canada Peter MacKay cũng cho rằng các vụ bạo động là rất đáng lo ngại. Bộ Ngoại giao Anh cũng lên án các hành vi bạo lực, trong khi Ý và Đức bày tỏ lo ngại sâu sắc và kêu gọi các bên chấm dứt ngay lập tức mọi hành động bạo lực.

KIẾN HÒA (Theo Le Figaro, Nytimes)

Chia sẻ bài viết