Tính đến nay, Taliban đã nắm quyền kiểm soát Afghanistan được 3 năm. Mặc dù không được quốc tế công nhận là lực lượng điều hành chính thức Afghanistan nhưng giới lãnh đạo Taliban vẫn thường xuyên có các cuộc gặp cấp cao với lãnh đạo các cường quốc như Trung Quốc, Nga. Họ thậm chí còn tham dự các cuộc đàm phán do Liên Hiệp Quốc (LHQ) bảo trợ. Ðó được xem là một chiến thắng dành cho Taliban.

Lực lượng an ninh Taliban trên đường phố Afghanistan. Ảnh: EPA
Tuy nhiên, Taliban vẫn áp dụng các chính sách gây tranh cãi nhất, trong khi lãnh tụ tối cao Hibatullah Akhundzada vẫn nắm quyền lực. Taliban quy định các lãnh tụ tối cao không nghỉ hưu hoặc từ chức, họ lãnh đạo cho đến khi qua đời. “Việc tìm cách để chia rẽ Taliban là điều viển vông. Taliban đã thống nhất và vẫn sẽ là một lực lượng chính trị trong nhiều năm. Họ cai trị, chiến đấu như một nhóm” - Ibraheem Bahiss, nhà phân tích của Chương trình Nam Á thuộc Crisis Group - tổ chức phi chính phủ về ngăn chặn và giải quyết các cuộc xung đột nguy hiểm, cho biết. Ông Bahiss gọi đây là “Chính phủ Afghanistan mạnh nhất trong thời hiện đại”.
Song, nền kinh tế Afghanistan đã suy yếu. Năm 2023, viện trợ nước ngoài chiếm khoảng 30% GDP quốc gia Tây Nam Á này. Trong 3 năm qua, LHQ đã chi ít nhất 3,8 tỉ USD để tài trợ cho Afghanistan. Và Mỹ vẫn là nhà tài trợ lớn nhất khi gửi hơn 3 tỉ USD hỗ trợ kể từ khi Taliban trở lại nắm quyền. Sự phụ thuộc vào viện trợ nước ngoài của Afghanistan ngày càng tăng khi thiên tai xuất hiện ngày càng nhiều, trong khi dòng người Afghanistan từ Pakistan ồ ạt trở về nước.
Trong bối cảnh đó, Taliban vẫn mạnh tay đánh thuế. Năm ngoái, họ thu về khoảng 3 tỉ USD tiền thuế. Con số này tuy không nhiều nhưng Taliban lại không có phương tiện để kích thích nền kinh tế. Ngân hàng Trung ương Afghanistan không thể in tiền mà tiền được in ở nước ngoài. Taliban cũng không thể vay tiền, bởi họ không được công nhận là lực lượng điều hành chính thức Afghanistan.
Một đòn đáng kể khác với nền kinh tế Afghanistan là Taliban ban hành lệnh cấm phụ nữ tham gia hầu hết các lĩnh vực của đời sống công cộng và ngăn các bé gái đi học sau lớp 6, làm giảm phân nửa lượng tiền đóng thuế vốn có thể giúp củng cố nền kinh tế.
Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hóa của LHQ (UNESCO) mới đây cho biết, ít nhất 1,4 triệu bé gái ở Afghanistan không được theo học trung học kể từ khi Taliban trở lại nắm quyền hồi năm 2021, khiến tương lai của cả một thế hệ ở nước này “gặp nguy hiểm”. “Chỉ trong vòng 3 năm, chính quyền Taliban đã gần như xóa sạch 2 thập niên tiến bộ vững chắc về giáo dục ở Afghanistan và tương lai của cả một thế hệ đang gặp nguy hiểm. Tình trạng này có thể dẫn đến sự gia tăng lao động trẻ em và vấn nạn tảo hôn” - UNESCO lo ngại.
Tuy Taliban bảo vệ Afghanistan thông qua các trạm kiểm soát, xe bọc thép và hàng trăm ngàn chiến binh nhưng đất nước này hiện được cho không an toàn, đặc biệt là đối với phụ nữ và người dân tộc thiểu số, trong bối cảnh nhiều vụ đánh bom liều chết hay các cuộc tấn công khác vẫn diễn ra ở nước này. Thời gian qua, tổ chức tự xưng Nhà nước Hồi giáo (IS) đã nhiều lần nhắm mục tiêu vào Dasht-e-Barchi, khu dân cư có đa số người Hồi giáo dòng Shiite ở thủ đô Kabul.
Chưa kể, việc Taliban trở lại nắm quyền đã truyền cảm hứng và khuyến khích đáng kể các nhóm có cùng chí hướng như Tehreek-e-Taliban (TTP) và nhóm IS tỉnh Khorasan (ISKP). Ðáng chú ý, Taliban biến Afghanistan thành vùng đất bảo vệ cho mạng lưới khủng bố quốc tế al-Qaeda. Trong báo cáo hồi tháng 2, nhóm chuyên gia của LHQ cho biết quan hệ giữa Taliban và al-Qaeda vẫn rất thân thiết. Báo cáo cho rằng Taliban đã không tôn trọng cam kết với Mỹ - được nêu trong thỏa thuận Doha - là cắt đứt quan hệ với al-Qaeda, ngược lại còn tăng cường bảo vệ và hỗ trợ các thành viên al-Qaeda kể từ khi giành lại quyền kiểm soát Afghanistan. Theo báo cáo, al-Qaeda đã thành lập “tới 8 trại huấn luyện mới ở Afghanistan, với một căn cứ mới để dự trữ vũ khí ở Thung lũng Panjshir”. Tổ chức khủng bố này điều hành 5 ngôi trường Hồi giáo madrasa để đào tạo và giáo dục trẻ em trở thành chiến binh ở phía Ðông và Ðông Bắc Afghanistan. Al-Qaeda còn “duy trì nhiều nơi an toàn tại thủ đô Kabul và tỉnh Herat để tạo điều kiện thuận lợi cho việc di chuyển qua lại giữa Afghanistan và Iran”.
TRÍ VĂN (Tổng hợp)