18/12/2017 - 14:35

2017- Năm nhiều thách thức đối với Liên Hiệp Quốc 

Bức tranh thế giới năm 2017 trong phần lớn các báo cáo do Liên Hiệp Quốc (LHQ) và các tổ chức trực thuộc công bố tiếp tục nhiều gam màu tối hơn gam màu sáng: tình trạng mất an ninh leo thang, bất bình đẳng gia tăng, xung đột lan rộng và hiện tượng biến đổi khí hậu vẫn hết sức nghiêm trọng...

Trong năm 2017, LHQ tiếp tục phát huy vai trò trung gian hòa giải giữa các bên xung đột và đã đạt được một số thành tích nhất định. Nổi bật nhất là LHQ đã và đang tích cực hỗ trợ tiến trình hòa bình tại Colombia sau khi chính phủ nước này và Lực lượng vũ trang cách mạng Colombia (FARC) đạt được thỏa thuận hòa bình, chấm dứt hơn 50 năm xung đột. 

Tuy nhiên, tại nhiều “điểm nóng” khác như cuộc xung đột tại Syria, chương trình hạt nhân Iran, và đặc biệt là chương trình hạt nhân và tên lửa của Triều Tiên, vai trò của LHQ có vẻ mờ nhạt. Nỗ lực của LHQ tìm kiếm giải pháp hòa bình cho các vấn đề kể trên thậm chí đôi khi phải chịu bước thụt lùi khi các ủy viên Hội đồng Bảo an (HĐBA), cơ quan quyền lực nhất LHQ, thường xuyên không tìm được tiếng nói chung, dẫn đến cản trở giải pháp của nhau. 

Sự “bất lực” của LHQ thể hiện rõ nhất qua vấn đề Triều Tiên khi trong vòng một năm, HĐBA đã ra tổng cộng 3 nghị quyết liên quan đến chương trình hạt nhân và tên lửa của Bình Nhưỡng. Tuy nhiên, những nghị quyết đó chưa giúp giải quyết căng thẳng trên bán đảo Triều Tiên, mà trái lại còn có vẻ khiến Bình Nhưỡng càng quyết tâm theo đuổi tham vọng trở thành cường quốc hạt nhân.

Biểu tình tại Frankfurt (Đức) hôm 16-12 phản đối việc Mỹ công nhận Jerusalem là thủ đô Israel. Ảnh: AAP

Bên cạnh đó, LHQ cũng ngày càng gặp nhiều khó khăn trong cả hai lĩnh vực là cơ chế vận hành và nguồn lực cho các hoạt động. Trước áp lực của chính quyền Mỹ, nước đóng góp tài chính nhiều nhất cho ngân sách LHQ (chiếm khoảng 22%), ngân sách hoạt động của LHQ (hoàn toàn riêng biệt với ngân sách phục vụ cho việc gìn giữ hòa bình) đã bị cắt giảm gần 600 triệu USD cho tài khóa 2017-2018 (bắt đầu từ ngày 1-7-2017). 

Chưa hết, mới trong tháng 12 này, có tin Mỹ đã đề xuất giảm ngân sách cho LHQ thêm 250 triệu USD, tương đương 5% ngân sách của tổ chức này. Hiện nhiều tổ chức của LHQ thường xuyên rơi vào tình trạng tài chính eo hẹp, không đủ để trang trải cho các hoạt động thiết yếu trong khi các cuộc xung đột dai dẳng khiến ngày càng nhiều người dân cần sự trợ giúp từ LHQ.

Đơn cử như Quỹ Nhi đồng LHQ (UNICEF) liên tục thông báo thiếu kinh phí để hỗ trợ trẻ em tại Syria hay tại các khu vực xung đột ở Cộng hòa Trung Phi. Bên cạnh đó, việc Mỹ quyết định rút khỏi Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hóa của LHQ (UNESCO) từ năm 2019 đe dọa sẽ làm gián đoạn một số dự án quan trọng của tổ chức này.

Cũng trong năm 2017, LHQ  đã nỗ lực khởi động tiến trình tự cải tổ chính mình, vốn trong tình trạng “giậm chân tại chỗ” bấy lâu. Đây là ưu tiên hành động của tân Tổng Thư ký Antonio Guterres ngay từ những ngày đầu ông đảm đương trọng trách mới, đồng thời là nội dung được nêu bật tại kỳ họp cấp cao thường niên của Đại hội đồng LHQ diễn ra vào tháng 9 vừa qua.

Bên lề kỳ họp, tuyên bố chính trị 10 điểm do Mỹ soạn thảo ủng hộ các nỗ lực của Tổng Thư ký Guterres về cải cách tổ chức này đã nhận được chữ ký tán thành của khoảng 130/193 thành viên, trong đó có các nước lớn như Đức, Nhật Bản, Ấn Độ và Brazil.

Tuy nhiên, việc Nga và Trung Quốc, hai ủy viên thường trực HĐBA, không tán thành đề xuất của Mỹ khiến cho tuyên bố chính trị này cũng chỉ là một quyết tâm trên giấy. Mặt khác, những đề xuất của Tổng thống Mỹ Donald Trump về việc cắt giảm chi tiêu của Mỹ cho các chương trình của LHQ có nguy cơ cản trở các cuộc cải cách LHQ và gây ra lỗ hổng tài chính khó có thể san lấp.

Cuối cùng là thách thức lớn trong lĩnh vực biến đổi khí hậu. LHQ đã phải chứng kiến một “bước lùi” nghiêm trọng trong năm 2017 khi Mỹ tuyên bố rút khỏi Hiệp định Paris về chống biến đổi khí hậu do LHQ khởi xướng.

LHQ xem xét dự thảo nghị quyết bác bỏ quyết định của Mỹ về Jerusalem

HĐBA LHQ đang xem xét một dự thảo nghị quyết bác bỏ hiệu lực pháp lý của mọi thay đổi đối với quy chế của Jerusalem, sau quyết định của Mỹ công nhận thành phố này là thủ đô của Israel.

Các nhà ngoại giao tại LHQ cho biết dự thảo này, do Ai Cập soạn thảo, có thể được mang ra bỏ phiếu trong sáng 18-12. Bản dự thảo nhấn mạnh Jerusalem là vấn đề “phải được giải quyết thông qua đàm phán” và “lấy làm tiếc về các quyết định mới đây liên quan đến quy chế của Jerusalem”, song không đề cập cụ thể đến động thái của Tổng thống Mỹ Donald Trump. Bản dự thảo khẳng định “bất cứ quyết định và hành động nào nhằm làm thay đổi đặc điểm, quy chế hay thành phần nhân khẩu học của Jerusalem đều không có hiệu lực pháp lý, không có giá trị và phải bị hủy bỏ”.

TTXVN

Chia sẻ bài viết