 |
Người thất nghiệp Hy Lạp xếp hàng nhận trợ cấp. Ảnh: AP |
Chính phủ Hy Lạp, nước đảm nhận chức chủ tịch luân phiên Liên minh châu Âu (EU) từ ngày 1-1, bắt đầu năm mới với cam kết thoát khỏi tình trạng suy thoái kinh tế kéo dài 6 năm, cân bằng ngân sách và chấm dứt một cách hiệu quả cuộc khủng hoảng tài chính ở khu vực đồng euro. Tuy nhiên, dù số tiền 240 tỉ euro trong các gói cứu trợ hầu hết đã được giải ngân, Hy Lạp vẫn còn một khoản nợ không nhỏ, và nước này đang phải đối mặt với mối đe dọa bất ổn chính trị, tình trạng thất nghiệp và đói nghèo.
Thất nghiệp, không bảo hiểm y tế
Cuộc khủng hoảng tài chính ở Hy Lạp đã cuốn đi gần 1/4 tổng giá trị nền kinh tế và khoảng 1 triệu việc làm. Từ mức 7,2% trước thời kỳ suy thoái năm 2008, tỷ lệ thất nghiệp vọt lên tới 27% trong quý 3- 2013, khiến Hy Lạp trở thành quốc gia có tỷ lệ thất nghiệp cao nhất trong 34 nền kinh tế thuộc Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế (OECD). Hiện ở Hy Lạp, trên 70% những người thất nghiệp không tìm được việc làm mới trong hơn một năm qua, cuộc sống của họ phụ thuộc chủ yếu vào các tổ chức từ thiện sau khi không còn nhận được các khoản trợ cấp hàng tháng cũng như bảo hiểm y tế. George Patoulis, người đứng đầu Hiệp hội Y khoa Athens, cho biết bị ảnh hưởng nhiều nhất vẫn là những người mắc các căn bệnh mãn tính, và những bệnh nhân cần được điều trị bằng các loại thuốc đắt tiền. Theo ước tính của ông Patoulis, hiện có khoảng 2 triệu người Hy Lạp không có bảo hiểm y tế.
Bất ổn chính trị
Chính phủ liên hiệp của Thủ tướng Antonis Samaras là chính phủ thứ ba trong vòng 2 năm và đang gặp rất nhiều khó khăn. Trong 18 tháng qua, từ chỗ chiếm 179 ghế trong quốc hội 300 ghế, giờ con số đó chỉ còn 153. Mức tín nhiệm của ông Samaras trong các cuộc thăm dò dư luận gần đây giảm mạnh và thua xa lãnh đạo Alexis Tsipras của đảng Dân chủ cánh tả Syriza. Syriza không tin vào hiệu quả của các gói cứu trợ, yêu cầu tái đàm phán hoặc thậm chí hoàn toàn từ bỏ các thỏa thuận giải cứu mà Athens đã ký với EU cũng như các định chế tài chính quốc tế. Đảng này mới đây tuyên bố sẽ lật đổ chính phủ trong cuộc bầu cử "kép" vào tháng 5-2014, bao gồm cuộc bầu cử chính quyền địa phương và cuộc bầu cử Nghị viện châu Âu. "Trong năm 2014, chúng tôi sẽ đánh bại chính phủ suy đồi, khiến đất nước lâm vào phá sản, tạo nên tình trạng tham ô, hối lộ" - ông Tsipras hùng hồn tuyên bố.
Trong khi đó, đảng cực hữu Golden Dawn (Bình minh vàng) hiện vẫn rất mạnh mặc dù thủ lĩnh của họ đã bị bắt do liên quan tới các hoạt động tội phạm. Dĩ nhiên, Golden Dawn chắc chắn sẽ không chịu "ngồi yên" trước các cuộc đấu đá giữa hai ông Samaras và Tsipras.
Nợ công chất chồng
Giới phân tích cho rằng tình hình tài chính của quốc gia này đang dần cải thiện với nợ công giảm, bội chi được kiểm soát và xếp hạng tín dụng được cải thiện. Thị trường chứng khoán Athens đã tăng 28% trong năm 2013, lãi suất trái phiếu chính phủ kỳ hạn 10 năm vào cuối năm ngoái chỉ còn 8,42%, so với mức 13% hồi tháng 3. Tuy nhiên, khó khăn lớn nhất hiện nay của Hy Lạp chính là các khoản nợ công vẫn còn quá lớn, chiếm tới 176% tổng sản phẩm quốc nội (GDP). Thủ tướng Samaras cho biết đang cố tránh vay thêm tiền để trang trải thâm hụt ngân sách năm 2014, mà thay vào đó là nỗ lực trở lại thị trường trái phiếu quốc tế sau 4 năm vắng bóng.
TRÍ VĂN (Theo AP)