09/07/2022 - 09:40

1C - con đường huyền thoại

* Bút ký của Nhà thơ NGUYỄN BÁ

 

Chương sáu mươi sáu

TẬP HUẤN BỘ ĐỘI MIỀN BẮC

(Xem từ số báo ngày 22-12-2021)

6. HAI NÔ BỊ AI BẮN?

Mặt trời lân bang đã tuột dần xuống triền núi, đàn voi, trâu bò và ngựa đủng đỉnh đi về chuồng để nghỉ ngơi sau một ngày cày kéo, chỉ có các chiến sĩ thuộc 3 đơn vị và những bộ phận trực thuộc lại đưa nhau về khoảng sân rộng lớn của Trường Đại học NG để dự buổi liên hoan. Nhiều loại bánh, cốm do bà con Khmer địa phương làm ra và do đại đội quân lương cung cấp… được dọn dài ra bên khoảng trống giữa những bồn hoa đầy màu sắc. Chú Tư Khánh mặc quân phục giải phóng, vui vẻ bước ra sân rộng, nơi có đặt micro, nói mấy lời :

- Thưa các đồng chí cán bộ và chiến sĩ thuộc 3 đơn vị chúng ta hiện có mặt ở sân lễ này. Thưa các vị sư sãi, các vị trưởng lão, các đồng chí Đảng bộ và chánh quyền địa phương cùng bà con bổn sóc. Anh em của chúng tôi đã sẵn lòng đến dự buổi tiễn đưa đơn vị 72 của chúng tôi lên đường công tác. Chúng ta quây quần quanh tiệc trà, liên hoan ca múa nhạc và bắt tay nhau để giữ mãi những kỷ niệm của một thời sống, học tập và rèn luyện nơi đây. Thay mặt Ban chỉ huy, chúng tôi kính chúc sức khỏe các vị chân tu và đồng chí đồng bào cùng các bạn có mặt ở đây. Chúc buổi liên hoan của chúng ta đầm ấm vui vẻ.

Chú Tư dứt lời, hàng ngàn người vỗ tay hoan hô nhiệt liệt. Bấy giờ các nam nữ chiến sĩ không còn ngồi theo trật tự của Ban tổ chức cắm ranh và giăng dây dành cho khán giả và các đơn vị khách mời - mà các cô chú tự động tìm những người mình yêu thích ngồi thành cụm, thành chùm để trò chuyện và trao đổi tình cảm cũng như những vật kỷ niệm cho nhau. Chú Hai Nô bất bình trước thái độ tự tiện của các chiến sĩ và cán bộ dưới quyền mình, nên giữa cuộc vui chú đến chộp micro phát biểu:

- Tôi đề nghị các đồng chí đơn vị nào về đơn vị nấy theo sự sắp xếp của Ban tổ chức. Trong buổi liên hoan ta tập trung vào chương trình văn nghệ, không được trò chuyện riêng tư và không được lợi dụng chỗ đông đảo để làm chuyện yêu đương, trai gái… phạm vào quy định “ba khoan” mà các đồng chí đã cam kết với tổ chức.

Một cán bộ “B quay” đến giành micro:

- Tôi có ý kiến. Mà tôi nói ý kiến này không chỉ của riêng mình. Cuộc vui giữa trời cao đất rộng, không những để ăn bánh, uống trà, ca hát, vũ múa… để tiễn chân nhau ra trận chiến đấu với quân thù. Mà cuộc dạ hội này còn là dịp để chúng ta tỏ rõ tình cảm thiêng liêng, cao quý và thiết thân giữa tuổi trẻ Bắc - Nam, giữa tuổi trẻ hai bên bờ biên giới của hai nước láng giềng anh em. Như vậy, những phát biểu của Hai Nô, tôi cho là không đúng chỗ, không đúng lúc và nói chung là không đúng quan điểm cách mạng của Đảng, của Đoàn và của Quân đội Nhân dân Việt Nam. Tôi xin hết ý kiến…

Người cán bộ trẻ trai này vừa nói dứt, hầu như mọi người đều vỗ tay hưởng ứng và nơi nào cũng có những tiếng xầm xì nguyền rủa Hai Nô. Trong một nhóm bạn trẻ, nổi rõ những lời bình luận mà người kế cận có thể nghe thấy như sau :

- Hai năm nay cái thằng cha này qua đây để tránh ác liệt chết chóc chứ có làm được bao nhiêu việc đâu mà lên mặt dạy đời. Hơn nữa, cái chuyện trai gái là thằng chả phạm lỗi lớn nhất. Cả đơn vị thực hiện “ba khoan” thì thằng cha này lại lấy Năm Phi. Cả đơn vị bất bình, thiên hạ cười chê. Vậy mà bữa nay còn mang cái mặt bằng hai tay chéo ra dạy đời.

Cẩm Tiên:

- Thủ trưởng của em có tánh dễ giải với mình mà chặt chẽ với người khác, anh không biết sao, còn nổi nóng làm gì ?

Cô Tám:

- Lâu nay tụi em muốn sang các anh nói chuyện vui vào những giờ rảnh công tác, nhưng thủ trưởng em “thiết quân luật” đám con gái không cho bén mảng đến doanh trại của bộ đội miền Bắc trú đóng.

Cán bộ “B quay”:

- Cái tay này, ông Hai Nô này nói xấu tụi anh đủ điều. Chỉ có mỗi mình ổng là tốt. Trên thực tế, ông này có ra gì đâu! Nói chuyện với chiến sĩ thì hằn học, nạt nộ. Quan hệ với chùa chiền, bổn sóc thì không biết làm công tác quần chúng. Hễ thấy các nữ chiến sĩ của mình đứng nói chuyện với anh em bộ đội thì liền kêu về kiểm thảo ngay. Được rồi, để tụi tôi cho nó biết tay!

Nhiều cụm khác cũng rộ lên phản đối Hai Nô. Biết vậy nên Hai Nô cùng hai vệ sĩ Sáu Mạnh và Năm Tổng dắt nhau đi rảo từ cụm này sang cụm khác để thị uy những người đang bình luận về mình. Có một toán anh em, thấy Hai Nô tới gần, nói lớn những câu vạch trần bản chất Hai Nô cho ông ta nghe:

- Ông ta đâu có làm chuyện gì để tiêu biểu vai trò gương mẫu đâu. Đi học làm cơm sấy thì về không sấy được. Học làm xúc xích cũng thất bại luôn, phải đem thịt ra băm nhỏ xào mặn. Phát động ba khoan thì ông phá vỡ để lấy vợ trước ba quân. Phát động bám chiến trường ác liệt thì ông chạy sang đất bạn để hưởng lạc cầu an với vợ mới cưới. Cái con người đó mà còn vác mặt dạy đời!

Hai Nô đi trờ tới :

- Mầy nói cái gì đấy, thằng lưu manh?

Quay sang mấy cô gái, nói tiếp:

- Còn mấy con nhỏ này, tụi bây thèm con trai lắm hả? Sao bên kia sợi dây giăng không ngồi mà lết qua đây ngồi với cái đám mất dạy? Ngày mai rồi tụi bây biết!!

Cô Tám:

- Đồng chí Hai Nô! Ngôn ngữ và thái độ của đồng chí không phải là của người lãnh đạo mà là của một tên lưu manh!

Hai Nô nóng giận, ra lệnh cho hai vệ sĩ kéo mấy cô về vị trí đã xếp sẵn. Nhưng mấy cô kháng cự:

- Hai anh bảo vệ vị thủ trưởng của đơn vị Liên đội I do Đảng và Đoàn phân công chớ không phải bảo vệ cái thằng tham tàn này! Từ lâu nó đã bộc lộ bản chất hèn hạ và cứ thế lấn lướt anh em!

Đang tranh cãi quyết liệt giữa Hai Nô và nhóm bạn trẻ ở một góc sân chơi của đêm liên hoan, lúc giữa sân khấu một đoàn vũ nữ đang minh họa cho nghệ sĩ Chanl-thi biểu diễn điệu múa “Cánh chim và mặt trời” - vũ khúc có thể so sánh với vũ khúc “Hồ thiên nga” nổi tiếng. Những ngày còn trị vì tại vương quốc Campuchia, Quốc vương Sihanouk rất thích tiết mục này. Điệu múa chưa dứt thì bỗng nhiên đèn tắt. Và có tiếng súng nổ lúc Hai Nô đi qua mấy hàng cây bí bái rậm rạp để trở về doanh trại xem có việc gì xảy ra. Sau tiếng nổ, Hai Nô bật ra tiếng kêu trời:

- Trời ơi, bọn gián điệp bắn tôi bị thương rồi các đồng chí ơi!

Những cây đèn bấm tập trung nhau, pha ánh sáng vào nơi có tiếng la của Hai Nô. Hai vệ sĩ và Bảy Nông, Năm Thơ cũng chạy đến kịp thời, đỡ người bị thương ngồi dậy và lấy băng cá nhân băng vết thương, rồi lập tức đưa về trạm phẫu thuật cho chú Chín Tần - Trần Minh Hữu xử lý. Chú Chín Tần:

- Các đồng chí bơm đèn măng-xông bố trí phòng mổ, tôi rửa tay khử trùng là vô ngay.

Hai Nô:

- Máu chảy ra nhiều quá anh Chín ơi. Cái thằng này nó bắn tôi bằng đạn gì mà nhức nhối quá. Chắc tôi phải hư cái chân này!

Năm Phi:

- Anh cự cãi với anh em làm gì! Mình “dĩ đức phục nhân” thì tốt hơn. Anh em vốn đã phiền anh ngăn cấm việc quan hệ nam nữ giao lưu tình cảm nhau, nhưng anh bố thiết họ quá. Chắc là có cậu nào mất bình tĩnh bắn cảnh cáo anh đây thôi. Còn nếu muốn giết anh, thì viên đạn không phải ở chân, phần mềm - mà sẽ ghim vào ở chính ngực, hay đầu anh sau tiếng nổ.

Hai Nô:

- Ôi trời ơi, đau nhức quá Năm Phi ơi, em rờ vào chân anh xem nó có đỡ chút nào không?

Chú Chín Tần và hai y tá khẩn trương với dao kéo giải phẫu để gắp viên đạn K54 ra khỏi phần mềm của bắp chân Hai Nô. Viên đạn bỏ vào cái dĩa nhôm khua lên một tiếng “kẻng” lạnh lùng. Quanh phòng phẫu thuật bấy giờ có hơn vài mươi bạn trẻ đến theo dõi vết thương “oan khiên” của con người ưa thóa mạ đồng đội như thế nào. Trong bóng tối lại có lời bàn tán: “Thế nào rồi, chỉ bắn cảnh cáo thôi phải không?”,  “Chỉ độ 5, 10 bữa là vết thương của ông ta lành lại phải không?”, “Thiệt là đáng đời, đó là dạy cho ông ta một bài học”. Hai Nô dù đau nhức khi thuốc tê đã tan, nhưng tai ông ta vẫn nghe rõ những lời phỉ báng mình. Có điều là không còn khả năng để phản ứng mọi người nữa, ông ta nằm im trên chiếc giường tre của trạm xá, chờ Năm Phi pha cho ông ta một cốc sữa, uống đền bù mớ máu đã chảy ra sau lúc bị thương.

(Còn tiếp)

Chia sẻ bài viết