07/07/2022 - 23:39

1C - con đường huyền thoại

 Bút ký của Nhà thơ NGUYỄN BÁ

Chương sáu mươi sáu

TẬP HUẤN BỘ ÐỘI MIỀN BẮC

(Xem từ số báo ngày 22-12-2021)

4. Ở một góc khác, đồng chí Bảy Nông cùng một số nữ chiến binh thanh niên xung phong hạ đạt khoa mục lội sông. Hàng trăm chiến sĩ nghe truyền mệnh lệnh: “Tất cả buộc phao bơi ni lông, gác súng lên phao, cự ly 5 tấc, lội qua sông: Bảy Nông”. Mệnh lệnh ấy được truyền đi nho nhỏ từ người trước qua tai người sau và tất cả ngồi xuống, cởi ba lô ra, lấy vải đi mưa túm ba lô và áo quần, ruột tượng mình lại rồi lấy sợi dây buộc đã chuẩn bị sẵn, buộc túm tấm vải mưa thành một chiếc phao tròn, rồi nhẹ nhàng tuột xuống nước để lội băng qua sông, rạch hoặc kinh mương…

Tại hồ bơi Trường Ðại học NG, chú Bảy Nông mỗi ngày tập huấn hàng tiểu đoàn tân binh khoa mục vượt sông rạch. Và ngày nào cũng phải có túc trực một tiểu đội lội vớt những chàng trai xứ kinh thành không biết “bơi”, chìm nghỉm xuống đáy hồ, uống no một bụng nước.

Bị chìm giữa hồ nước sâu vừa được vớt lên, Tiên kêu:

- Cô Tám, cô Thắm ơi. Cái bụng tôi no nước quá, giờ làm sao?

Thắm:

- Anh ngồi chổng khu ói bớt nó ra đi, thôi làm sao anh thở được!

- Tôi muốn ói mà ói không được, giờ làm sao?

Tám:

- Thôi được, em sẽ làm cho anh ói.

Tám vừa nói xong, nhanh tay thọc vào họng của Tiên, liền sau đó Tiên ói ra liên tục. Ói một lúc, cái bụng xẹp lép, nước mắt trào ra như vừa bị mẹ đánh đòn. Thế mà nhìn hai bạn gái bên cạnh lại cố gắng cười méo mó:

- Cái cô này hay thật. Sao cô biết thọc tay vô họng tôi vậy?

Thắm:

- Thì tụi tôi ở miền sông nước, hồi nhỏ té sông uống nước no bụng, má thọc tay vào họng là ói ra khỏi phải xốc nước.

- Xốc nước là sao?

Tám:

- Khi nào anh gần chết thì dùng kỹ thuật “xốc nước” để cứu.

Thắm:

- Xốc nước là để anh nằm úp bụng lên cái khạp da bò, đốt lửa trong lòng khạp cho ấm, rồi lăn qua lăn lại cho bụng anh bị sức nặng trên người đè ép nước trào ra họng… hết nước trong bụng và thở được, là sống.

Tiên:

- Chu choa ơi khiếp quá.

Thắm:

- Mai, tụi em phải dạy cho anh biết lội.

- Lội gì, bơi đấy hả?

Tám:

- Ừ, thì bơi đấy. Mà anh nhớ trong này gọi là lội. Còn bơi là lấy dầm bơi xuồng nhớ chưa?

- Sao hai cô xuống nước nó nổi phình. Còn tớ hễ nhảy xuống là chìm ngay như một hòn đá.

Thắm:

- Bởi vì tụi em không có được như anh, nên nhẹ hơn anh.

- Mấy cô nói lạ, thì tôi cũng như mấy cô thôi, có gì mà nặng hơn mấy cô được.

Tám:

- Anh tối dạ quá! Sao anh như tụi tôi được, anh phải nặng hơn chớ. Anh là con trai mà.

Cứ như vậy mà ngôn ngữ trả treo, đùn đẩy qua lại. Ðến khi chàng trai hiểu được mấy cô gái nói phá mình thì cùng nhau cười như không hề có chiến tranh đang treo trước mắt họ. Hàng trăm, hàng mấy trăm cuộc vui như vậy trong bao nhiêu năm tháng đơn vị 195 và Liên đội Thanh niên xung phong tuyến 1C làm nhiệm vụ tiếp nhận vũ khí và tân binh của Trung ương chi viện. Tuổi trẻ Việt Nam - Tây Nam Bộ thời đánh Mỹ cứu nước đã ghi dấu nơi đây - Trường Ðại học NG đất bạn những kỷ niệm sâu lắng không bao giờ mờ phai với bạn bè cả nước.

5.

Bên cạnh những chàng trai hăm hở đi ra trận, ngày đêm tham gia tập luyện các khoa mục của Ban chỉ huy đoàn hạ đạt, lại còn một bộ phận khác, chiếm tỷ lệ nhỏ hơn, nhưng qua 10 đợt chuyển quân họ đọng lại lên đến con số non 2.000. Nguyện vọng của họ là muốn được trở về miền Bắc với những lý do khác nhau nhưng nói chung là họ không thể chấp nhận sự ác liệt của chiến trường miền Nam. Qua Kinh Vĩnh Tế để đến với mục đích lý tưởng chiến đấu của mình, thì coi như vĩnh biệt. Nhưng đồng chí Mười Khang, cán bộ Trung ương Cục phụ trách quân sự phía Nam ký lệnh không cho số anh em này trở ra Bắc, làm mất ảnh hưởng chánh trị của bộ đội ta. Chú Bảy Bình:

- Tôi thay mặt Ðoàn 195, đến báo cáo với các đồng chí về tình hình thế giới, trong nước và những vấn đề mắc mứu mà ta cùng nhau giải quyết.

Anh em “B quay”:

- Ðồng chí nói với ông Mười Khang là không nên dồn chúng tôi vào ngõ cụt. Yêu nước chiến đấu là tự giác. Chúng tôi mất sức khỏe và gia cảnh gặp khó khăn. Cần trở về thu xếp. Ta và địch còn đẩy cây nhau một vài thập niên cũng không chừng, lo chi không còn cơ hội để ra trận.

Chú Bảy Bình:

- Anh Mười Khang gởi lời thăm các đồng chí. Và chuyển phiếu lương thực của các đồng chí cho chúng tôi cung cấp. Những đồng chí nào đã xuất ngũ ra dân, hoặc tham gia du kích, chánh quyền bạn, hoặc cưới vợ Khmer, Việt kiều, Hoa kiều… thì ta tìm địa chỉ để gọi họ về sinh hoạt có nề nếp, chuẩn hóa đơn vị để bảo vệ thanh danh của Quân đội Nhân dân Việt Nam anh hùng.

Anh em “B quay”:

- Trong số chúng tôi hiện nay có cấp bậc Ðại úy, Trung úy… đề nghị các đồng chí cho chúng tôi lập một đơn vị để tự quản lý nhau tốt hơn.

- Ý kiến của các anh, tôi sẽ chuyển về Trung ương Cục và Bộ Tư lệnh miền Nam, xem anh Tư Trà và anh Mười Khang giải quyết ra sao. Tuần tới chị Ba Nguyễn Thị Ðịnh - Phó tổng Tư lệnh miền Nam sẽ đến thăm và giải quyết chánh sách cho các đồng chí.

- Chị Ba đến là tụi tôi đón chào nhiệt liệt. Có người chỉ huy nào mà vá áo cho chiến sĩ mình. Tôi nghe Liên đội I Thanh niên xung phong có nữ Chánh ủy Út Nhì thường bắt chí và chải tóc, vá quần áo cho chiến sĩ mình. Chúng tôi mà gặp các đồng chí ấy thì khỏi phải nói giang ca. Các đồng chí ra lệnh gì chúng tôi cũng tuân thủ ngay!

- Chiều nay có buổi liên hoan để tiễn đưa D72 của đồng chí U - tức tiểu đoàn đặc công thủy tinh nhuệ của Bộ Tư lệnh Hải quân đưa vào chiến trường miền Tây, mà vừa tập huấn xong, chúng tôi có lệnh đưa tiễn. Mời tất cả các đồng chí đến dự buổi liên hoan văn nghệ.

- Cậu U là bạn của bọn mình. Ðồng chí về nói với U là chúng tôi sẽ đến dự buổi tiễn đưa chiều nay.

(Còn tiếp)

Chia sẻ bài viết