01/07/2022 - 10:13

1C - con đường huyền thoại 

♦Bút ký của Nhà thơ NGUYỄN BÁ

 

Chương sáu mươi ba

VOI ƠI, TA GIÃ BIỆT

 (Xem từ số báo ngày 22-12-2021)

Chú Chín Tần hỏi tiếp chú Tư Khánh:

- Quan hệ giữa voi và các loài thú khác thế nào anh Tư?

- Voi sợ nhất là con vật nhỏ nhất, đó là loài bù mắc hay đeo cắn mí mắt voi. Có lần tôi đưa đàn voi ra cảng Sihanouk Ville để nhận hàng, đột nhiên cả 7 con voi bỏ chủ mà chạy trối chết. Tôi không hiểu việc gì xảy ra nên hết sức lo sợ. Bấy giờ anh Hai Dĩa vỗ vai tôi: “Nó sợ bù mắc nên bỏ mình chạy đó. Chú nhờ một người chủ voi ở bờ biển này, đưa những con voi địa phương tìm kéo nó về”. Ðúng vậy anh Dĩa là người có kinh nghiệm chỉ huy voi. Tôi mướn một con voi địa phương vào kéo đàn voi của mình ra biển, chất hàng lên vừa xong, là nó cõng hàng tấn vũ khí đạn dược trên lưng tuôn ào ào vì sợ bù mắc cắn.

- Gặp rắn lớn dọc đường voi đối phó thế nào anh?

- Rắn không cắn voi, rắn lớn thấy voi thì nằm như chết, không cất đầu khò khò đe dọa như khi rắn gặp người. Nhưng cũng lạ là rắn nằm như chết, chẳng chịu bò qua lộ để cho voi đi. Mà voi cũng không chịu bước ngang mình rắn. Chú Chín có biết ông bà ta nói: “Nhất điểu, nhì ngư, tam xà, tứ tượng”, đó là 4 con vật vĩ đại của loài thú. Lớn nhất, đứng đầu hàng là chim, kế đến là cá, thứ ba là rắn, thứ tư mới tới voi. Theo trật tự này thì rắn cao cơ hơn voi. Nhưng chẳng thấy rắn cắn voi hoặc voi dầy xéo rắn bao giờ. Tôi đi qua rừng Bắc Ðay, nhiều lúc gặp rắn chắn ngang đường, voi cứ đứng chờ rắn bò qua đặng mình đi, nhưng rắn lì lợm không bò qua, buộc lòng voi phải đi vòng trong rừng rồi mới trở lên đoạn lộ đi tiếp.

- Voi ghét con gì nhất, anh Tư?

- Mình cũng không hiểu hết loài voi ghét con gì nhất. Nhưng mấy năm tôi làm Quản tượng để tải vũ khí, tôi thấy voi ghét nhất là con ngựa. Hễ mỗi lần đi qua bầy ngựa, thế nào voi cũng quất vòi vào lưng ngựa một cái nháng lửa. Cho nên ngựa thấy voi là lánh xa chỗ khác, làm như nó kỵ nhau. Chỉ có con ngựa bị mắc vào càng xe thì phải đứng nhận đòn của voi, bằng không thì thấy voi gần tới nó đã chạy chỗ khác.

- Mình có voi đực và voi cái trong đội vận tải, vậy chúng có đẻ voi con không anh Tư?

- Không, ở những tay thợ rừng thuần dưỡng voi lành nghề như ở Bản Ðôn - Ban Mê Thuộc, thì người ta có ép voi con. Nhưng mỗi lần voi động đực, chúng dẫn nhau vào trong rừng sâu cả tháng để tìm một nơi giao phối thích hợp. Chỉ giao phối một lần là voi cái thọ thai và hơn 30 tháng mới sanh con. Vì vậy mình bắt voi đi vận tải suốt, nên voi của mình không có thời gian động đực, vì thế ta không có voi con.

- Vì sao đội voi của mình từ 7 con giờ còn có 4 con, anh Tư?

- Ðó là một chuyện đau lòng của tôi. Nói thật với chú Chín tôi đi công tác xa, đêm nào tôi cũng nhớ về đàn voi thân yêu của tôi. Khi tôi đi xa và đi lâu, sau khi từ giã đồng đội của mình, tôi ra chỗ đàn voi, vỗ về nó và nói cho nó nghe là tôi bao lâu sẽ trở lại, dặn nó ở nhà phải có tổ chức kỷ luật, không được vào rẫy ăn lúa và ăn mía của nhân dân… Khi tôi về, đàn voi tỏ vẻ mừng rỡ, nó lấy vòi hút nước phun lên trời, nơi có cát thì nó vóc cát thả vào lưng nó, tỏ ý chào mừng tôi mới về. Nhưng có một lần tôi đi quá lâu, ở nhà trực thăng sà đến bắn, 3 con voi không chạy ra rừng kịp, bị giặc giết một cách thảm khốc. Trước khi chết nó mở mắt thao láo, có lẽ nó đang “nuối” tôi, chờ tôi về. Nhưng lần đó tôi không về kịp, anh em xẻ thịt nó phơi khô để dành cho tôi hàng đống. Chú Chín ơi, thấy khô voi tôi khóc muốn khan tiếng, làm sao tôi ăn thịt nó được chú, nó là đồng đội của mình mà!

- Còn 4 con voi này, mình tính sao, anh Tư?

- Nan giải lắm, chú Chín ơi! Tình hình này, ta cắt nguồn hàng từ cảng Sihanouk Ville, không còn dùng xe GMC, mà cũng không còn dùng voi để vận chuyển nữa. Từ tuyến này đưa về bên kia biên giới, dù đi đường Ðồng Tháp - Kiến Phong, hay đi đường Hà Tiên - Cái Sắn… ta cũng không thể đi voi được. Voi không thích hợp với đồng nước. Cho nên chắc là ta phải giã biệt những chú voi thân yêu, ta để chúng lại địa bàn này mà rút quân về nước khi có lệnh…

- Hay là mình bán nó, anh Tư?

- Không đâu chú Chín, dù bán với giá 10 cây vàng một con voi ta cũng không nên làm. Những chiến sĩ vận tải này ta coi như đồng đội của ta. Thành tích và chiến công của đàn voi này phải được trân trọng như một chiến binh trong sự nghiệp giải phóng miền Nam thống nhất đất nước. Ta không bán mà đem tặng cho những người biết thương voi, để khi mình không còn gần đàn voi nữa, thì người chủ mới vì nghĩa tình hào hiệp của mình mà đối xử tốt với những con voi - chiến sĩ này.

- Suy nghĩ của anh Tư thật là suy nghĩ của một tướng lĩnh quân đội anh hùng. Người xưa nói “Hiền nhân quân tử minh ư thạnh suy chỉ đạo, thông  hồ thành bại chi số, thẩm hồ trị loạn chi thế, đạt hồ khứ tựu chi lý, cố tìm cư bảo đạo dĩ đãi kỳ thời”, nghĩa là hiền nhân quân tử hiểu rõ cái đạo thạnh suy, thông suốt cái số mệnh thành bại, xét cái thế trị loạn, hiểu thấu cái lý hợp tan, cho nên ẩn náu giữa đạo để chờ thời. Anh là bậc hiền tài, cho nên anh mới sử dụng được đàn voi vận chuyển vũ khí. Trước anh, người anh hùng là chú Bông Văn Dĩa, cũng đã từng dùng voi vào công trình mở đường vận chuyển của mình…

 (Còn tiếp)

Chia sẻ bài viết