11/06/2022 - 15:01

1C - con đường huyền thoại

 Bút ký của Nhà thơ NGUYỄN BÁ

 

Chương năm mươi lăm
VĂN PHÒNG KHU ĐOÀN

Khắc phục vùng trắng các địa bàn thị xã, Khu đoàn phân công các đồng chí nữ Ủy viên Khu Ðoàn như Bảy Ðịnh, Sáu Tưởng xuống thị xã Trà Vinh, Vĩnh Long nằm bên kia sông Tiền, tạo mối quan hệ mở rộng để nắm thanh niên. Khu đoàn đẩy mạnh tuyên truyền 5 xung phong, trong đó có xung phong đi bất cứ đâu, làm bất cứ việc gì. Thường vụ Khu đoàn quyết định mở lớp bồi dưỡng đào tạo cán bộ Ðoàn để đáp ứng tình hình nhiệm vụ mới. Từ đó, trường chánh trị mang tên Nguyễn Chí Thanh mở lớp liên tục, có chương trình nội dung thích hợp, đội ngũ giảng viên do các đồng chí trong Ban chấp hành và cán bộ Khu đoàn phụ trách. Ðã mở 14 lớp, đào tạo hơn 1.000 học viên là cán bộ Tỉnh đoàn, Huyện, Thị đoàn, Bí thư Xã đoàn; cùng Ban công tác thành thị, Khu đoàn đào tạo hàng trăm cán bộ thành thị. Lại mở trường Tiền Phong cho con em cán bộ tiếp nối sự nghiệp cách mạng trong 6 tỉnh miền Tây, hơn 200 em đã được học, nhiều em trưởng thành là cán bộ cốt cán của tỉnh và các thành thị miền Tây - đó là danh dự và niềm tự hào của học sinh dưới mái trường kháng chiến. Ðồng chí Sáu Huỳnh, Tư Chiêu phụ trách trường Tiền Phong ở rừng đước Ðầm Dơi; đồng chí Hai Phúc, Tư Quới phụ trách trường Nguyễn Chí Thanh ở Khánh Lâm - U Minh. Còn toàn bộ cán bộ Khu đoàn về tuyến Cần Thơ để chuẩn bị cho đợt tổng tiến công giải phóng miền Nam dưới sự lãnh đạo chặt chẽ của Khu ủy.

Cuối năm 1973, đồng chí Năm Hạnh về Trung ương Ðoàn, Khu ủy chủ trương các ban ngành trực thuộc chuyển về Ba Ðình cho gần trọng điểm Cần Thơ. Ðồng chí Bảy Thủy - Ủy viên Thường vụ Khu đoàn, đồng chí Mười Xuân làm Chánh văn phòng, đồng chí Sáu Việt Trung, Hai Nô đi học phân viện Nguyễn Ái Quốc phía Nam, đồng chí Năm Ðoàn cùng cán bộ thiếu nhi Khu về Cần Thơ, để đến năm 1974 triển trai cán bộ bám sát thành phố trọng điểm 1. Ðó là những suy nghĩ từ trong ký ức thẳm sâu của chú Năm Bang - Nguyễn Duy Quờn.

Cũng nằm trên chiếc võng treo giữa cơ quan trong khu rừng u tịch như đã nói trên, chú Năm Hạnh - Lê Văn Bình lại quay về ký ức của mình với biết bao kỷ niệm của một thời chưa xa: Ban Thanh vận Khu, tiền thân của Khu đoàn có anh Hai Trần - Xứ đoàn ủy viên - đi học “R” bị bắt, cơ quan lại rút thêm Ba Anh, Mười Chánh (Tám Tưng Bừng), Tư Thanh và Út Nhì (nữ Huyện ủy viên Thường vụ Long Mỹ). Sau, Tư Thanh sang Tuyên huấn Khu, Mười Chánh sang Quân khu 9. Ban Thanh vận khu hình thành: Ba Anh, Năm Hạnh, Út Nhì, Ba Sánh, Sáu Nhứt, Tám Thuận, Năm Xinh, Sáu Ðông, Mười Nho, Ba Nơi, Mười Hòa, Sáu Mến. Ðến khi thành lập Khu đoàn, Bảy Thủy, Mười Cầu mới được rút lên. Tháng 3-1965 Ðại hội Ðoàn miền Nam, Ba Anh không đi, Năm Hạnh đi với Sáu Huỳnh, Hai Lên… tất cả thành đoàn đại biểu thanh niên Tây Nam Bộ, cỡ 20 người. Ði gian khổ quá sức, qua Trà Vinh lại thêm đại biểu sư sãi, Vĩnh Long có thêm Minh Thanh, Chín Thép, Di Lan. Hồi đó anh em vui lắm, có câu ca dao động viên nhau:

Thà là thua mẹ thua cha

Song song một lứa ai mà thua ai

Giữa đường, Minh Thanh bị trái rạ, nằm trên võng mê man, phải khiêng nhau đi cho tới điểm Ðại hội, biết bao gian nan khổ cực nhưng chan hòa nghĩa tình đồng chí anh em. Lên tới cửa rừng Trung ương Cục, gặp các anh Chín Ðào, Tư Toàn, Ðoàn Hồng Ðoàn là những cán bộ lãnh đạo Thanh niên Nam Bộ kháng chiến mà chúng tôi có quen biết, nên gặp nhau, mừng quá!

Sau Tết Mậu Thân, cơ sở Ðoàn bị giặc giết một nửa, có nơi hai phần ba như Sóc Trăng trước Mậu Thân có 2.600 đoàn viên, năm 1969 còn 600 đồng chí. Tuy vậy, khi Khu ủy nghị quyết giải thể các ban ngành chuyên môn cấp Khu vì tình hình quá căng thẳng thì nông dân, phụ nữ bị giải thể, duy nhất Ðoàn thanh niên khu Tây Nam Bộ đấu tranh với cấp lãnh đạo Khu nên còn giữ nguyên. Khu đoàn có những cán bộ dũng cảm. Sáu Nhứt cán bộ dân tộc Khmer xông xáo. Các Khu đoàn ủy viên: Bảy Ðịnh, Sáu Tưởng, Bảy Thủy, Mười Cầu… bám trụ giỏi. Những cán bộ như Tư Lèo, Năm Xinh đều có thành tích tốt. Các em, các đồng chí bảo vệ: Mười Hòa, Út Thuận, Mây, Sắc Thủ, Thành, Hùng con, Hải, Ai, Năng, Ánh, Mến, Mười Nho… đều biểu hiện vai trò đoàn viên dũng cảm, hoàn thành nhiệm vụ, chiến đấu
ngoan cường.

Chú Ánh đi công tác với đồng chí Mười Xuân, Ba Lập, ra sông Bảy Háp gặp tàu sắt bắn rát. Ánh và Mười Xuân đều bị thương nhẹ. Ðể bảo vệ cán bộ, Ánh trụ lại mé sông bắn chặn bọn địch đổ bộ. Nhờ lòng dũng cảm, Ánh cứu thoát Mười Xuân. Một lần khác, ta hội nghị xong, giăng mùng la liệt những chỗ đất trống. Giặc biệt kích vào đến từng mùng anh em đè bắt sống. Còn Ánh ngủ mùng đen, giặc không thấy nên Ánh xách súng bò ra khỏi vòng vây. Thay vì chạy thoát để bảo toàn tính mạng, Ánh lại từ ngoài bắn vô bọn giặc, giải thoát tất cả anh em ta.

Cũng dũng cảm và mưu trí như Ánh, chú Sắc một lần đi công tác với đồng chí Sáu Xuyên, qua sông Tiền gặp giặc giữa sông, Sắc dùng AK bắn vào quân giặc và tranh thủ bơi xuồng vào bãi, cứu thoát cán bộ ta.

Chú Hải, 18 tuổi, dân Trà Vinh, đi liên lạc đụng giặc, đã rút vào kho lương thực và quân cụ của cơ quan bạn, bám đó làm công sự chiến đấu chống càn với bọn địch đổ quân cho tới chiều bằng một khẩu AK.

Hùng con mới 16 tuổi đi bảo vệ Năm Hạnh, nghe ô-buýt đề-pa, Hùng lên cây đước coi làn đạn bắn hướng nào, em bị thương cột sống, nằm bệnh viện Khu, được kết nạp Ðảng và mất vì vết thương quá nặng.

Chú Thành người dân tộc Khmer, 17 tuổi, siêng năng và can đảm. Chú Mây bảo vệ đồng chí Sáu Việt Trung, giỏi giăng câu giăng lưới, đặt lờ đặt lợp, coi như tay sát cá, lo thức ăn cho cơ quan, lội riết nước ăn lở tay lở chân mà vẫn tươi cười. Lần giặc đánh vô cơ quan Khu đoàn, Mây và Út Thông đánh giặc từ sáng tới 3 giờ chiều với một tiểu đoàn địch. Hai em đều hy sinh!

Dũng (bảo vệ Năm Hạnh) trước là bộ đội, bị thương, vào thanh niên xung phong, sau về cơ quan Khu đoàn đi công tác với Năm Hạnh, siêng năng và dũng cảm. Những hình ảnh thân thương ấy ghi sâu trong ký ức của đồng chí Bí thư Khu đoàn tưởng chừng thời gian không thể làm mờ phai.

(Còn tiếp)

Chia sẻ bài viết