27/05/2022 - 05:10

1C - con đường huyền thoại

* Bút ký của Nhà thơ NGUYỄN BÁ

 

Chương năm mươi

LIÊN ĐỘI II

(Xem từ số báo ngày 22-12-2021)

1. Chú Năm Đoàn tạm biệt các chú các cô ở cơ quan Khu đoàn, dùng vỏ lãi của Đội giao liên công khai đến cơ quan Thường trực của Đoàn 962 bàn bạc về nhiệm vụ vận chuyển. Trong một khu rừng đước tĩnh mịch. Đại tá Huỳnh Long Bài và chiến sĩ cách mạng Nam Kỳ lão thành Bông Văn Dĩa thay mặt cho đơn vị tiếp chú Năm. Thuốc Thăng Long và trà Phú Thọ cùng với nhiều loại kẹo bánh sản xuất từ Hà Nội, trái tim của Tổ quốc Việt Nam, được chuyển về bằng ghe hai đáy, làm quà tiếp khách hết sức sang trọng. Doanh trại của Đoàn 962 phân bổ rải rác trong các khu rừng sầm uất mà mấy đợt chất độc khai hoang không tàn sát nổi. Tuy nhiên, bom pháo cũng để vết xung quanh ngôi nhà sàn làm việc của đồng chí Trung tá Trưởng đoàn. Thuyền trưởng Bông Văn Dĩa mới đi đón tàu và tranh thủ thăm lưới gộc từ biển khơi về, ông kéo từ chiếc ghe biển lên 2 con cá vược, mỗi con gần 100 ký. Khi đánh vẩy, phải lấy búa bửa củi lưỡi tròn như búa Thạch Sanh trong cổ tích rồi đẻo từng nhát vào thân cá, mỗi nhát đẻo chỉ tróc ra một hoặc hai cái vẩy cá tròn bằng miệng chén, dầy cứng như một miếng mo cau phơi nắng. Chú Hai Bông Văn Dĩa vui vẻ mời chú Năm Đoàn ở lại dùng bữa cơm đơn giản với những người thợ biển. Trong doanh trại lại có hai con chó săn lưng có xoáy ngựa. Sau khi nghe tiếng sủa văng vẳng ngoài rừng của nó, nó kéo vào một chú kỳ đà nặng gần 10 ký. Chú Hai Dĩa nói:

- Chú Năm thật có lộc ăn, bây giờ mình ăn kỳ đà nấu cháo trước. Thịt kỳ đà ngon ngọt như thịt gà xé phai. Khúc đuôi kỳ đà ăn rất béo. Cho nên người ta thường nói: “Nhì đuôi kỳ đà!”.

Năm Đoàn:

- Còn nhất là gì, chú Hai? Nhì đuôi kỳ đà, còn nhất là gì?

- Nhất là gì thì chú biết rồi, tôi nói làm chi cho mất công. Mình nói nhì đuôi kỳ đà là mình có sẵn cái đuôi kỳ đà ở đây. Còn cái nhất thì trong rừng này làm gì có?

Chú cháu vui vẻ cười. Chú Mười Bài nói:

- Chúng tôi muốn bàn với đồng chí, ta phải có non 200 lực lượng khỏe mạnh, bơi chèo rành rẽ và được huấn luyện tổ chức kỷ luật, tinh thần can đảm, ý thức bí mật… coi như một đội quân đặc biệt tinh nhuệ thì mới sử dụng vào việc vận chuyển vũ khí ở B4 này được.

Chú Năm Đoàn:

- Thường trực Khu đoàn đã giao nhiệm vụ phụ trách đơn vị này cho tôi. Nhưng lực lượng thì phải do các Tỉnh đoàn, nhất là Tỉnh đoàn Cà Mau cung cấp. Khi anh em tòng quân nhập ngũ, có mang theo lý lịch cho ta nghiên cứu trước khi đưa họ vào biên chế đơn vị. Việc này tôi phải nhờ anh Mười và chú Hai giúp sức để gạn lọc nhân sự cho tinh giản, gọn nhẹ mà đủ chất lượng.

Chú Hai Dĩa:

- Đoàn 962 sẽ cung cấp một tiểu đội “tinh binh” cho đơn vị Liên đội II. Tiểu đội này có nhiệm vụ túc trực ở trạm đầu cầu. Trong cự ly bảo toàn kho bãi 20 cây số, tiểu đội này sẽ dùng phương tiện xuồng, ghe máy, vỏ lãi chuyển vũ khí từ các kho trong rừng đến trạm Hào Di giao cho Liên đội II Thanh niên xung phong.

Chú Năm Đoàn:

- Chú Hai và anh Mười tính như vậy rất hay. Chúng tôi sẽ tiếp nhận địa bàn ở bến Hào Di, xây dựng kho bãi ở đó để tiếp nhận vũ khí của Đoàn 962 chuyển giao và nội đêm chuyển về đến Trạm 2, rồi Trạm 3 để tỏa ra cả khu vực.

2. Tại bến Hào Di, Chánh trị viên Liên đội Bùi Tấn Sĩ điều khiển cuộc họp Ban chỉ huy Liên đội đầu tiên. Đồng chí Đoái Văn Phước, cán bộ Khu đoàn, rút từ Tỉnh đoàn Rạch Giá bổ sung được đề bạt làm Liên đội trưởng. Đồng chí Tư Lập, Năm Hơn… là thành viên trong Ban chỉ huy, với hơn 150 chiến sĩ gồm nam nữ thanh niên trong lứa tuổi 16 đến 25 tràn đầy sức trẻ. Bấy giờ, chú Năm Đoàn thông báo tình hình trong nước và trên thế giới làm nội dung mở đầu buổi sinh hoạt Liên đội:

- Thưa các đồng chí, đầu năm 1969 vừa nhậm chức Tổng thống, Nixon đã đưa ra học thuyết mang tên mình với nội dung chủ yếu là hòa hoãn với Liên Xô, Trung Quốc để đối phó với cuộc chiến Việt Nam. Thực chất của chiến lược này là dùng người Việt đánh người Việt bằng vũ khí của Mỹ, để cô lập và tiêu diệt cách mạng miền Nam. Chiến lược Việt Nam hóa của Mỹ triển khai 3 giai đoạn. Một, làm cho ta suy yếu, để Mỹ chuyển giao nhiệm vụ chiến đấu cho ngụy, từng bước rút quân Mỹ về Mỹ, giao cho ngụy nhiệm vụ chiến đấu ở Nam Việt Nam. Hai, làm cho ta suy yếu trầm trọng để ta lui về phòng thủ. Ba, củng cố chánh quyền phản động để kềm kẹp nhân dân Nam Việt Nam. Việt Nam hóa chiến tranh theo nhà báo Úc W. Burchett dẫn lời của một nhà ngoại giao nước ngoài thì “Việt Nam hóa chiến tranh là thay màu da trên xác chết”. Đề nghị đồng chí Ba Phước trình bày tiếp về tình hình địch cho các đồng chí nắm.

Đồng chí Ba Phước:

- Thưa các đồng chí, Mỹ nhanh chóng tăng cường quân ngụy, và cung cấp cho quân ngụy gần 1 triệu khẩu súng M16, thay thế cho các loại súng cũ, đưa thêm 12.000 súng máy M.60, 40.000 súng phóng lựu M.79…, huấn luyện hàng trăm ngàn sĩ quan quân sự và dân sự ngụy Sài Gòn. Quân số tăng từ 700.000 lên 1,1 triệu đến năm 1972. Theo Marc Leepson trong chiến dịch Phượng hoàng do CIA điều khiển chỉ riêng năm 1969 đã có 200 nhà chánh trị bí mật của Việt cộng bị “trung lập hóa”. Sau tết Mậu Thân, đồn địch từ 4.954 lên 9.224, tức là tăng thêm 4.270 đồn. Trước tình hình như vậy, Khu ủy và Quân khu ủy giao nhiệm vụ nặng nề cho Liên đội chúng ta phải vận chuyển vũ khí từ sông Năm Căn trở về tuyến Ba Đình - Cái Sắn, để nuôi sống và phát triển phong trào vũ trang chiến đấu, bảo vệ thành quả cách mạng, và tạo thế mạnh cho Hiệp định Paris giành thắng lợi quyết định trên bàn hội nghị.

Năm Đoàn:

- Đề nghị đồng chí Tư Lập có ý kiến về mặt biên chế tổ chức.

Chú Tư Lập:

- Theo sự nhất trí chỉ đạo của Thường vụ Khu đoàn, có tham khảo với Ban chỉ huy Đoàn 962 - cơ quan bảo trợ cho đơn vị mình, thì Liên đội II chúng ta được xây dựng theo chế độ tam chế như Liên đội I tuyến 1C anh hùng. Tức là theo như lực lượng vũ trang mà Quân ủy Trung ương và Bộ Quốc phòng đã quy định cho 3 thứ quân.

Những vấn đề tổ chức, đời sống, ám khẩu, lịch công tác, nội quy phòng gian bảo mật… tất cả được đề cập trong hội nghị đầu tiên với không khí sôi nổi, khẩn trương và quyết tâm hoàn thành nhiệm vụ. Chiều đó, đơn vị tổ chức buổi liên hoan, nhiều tiết mục văn nghệ được trình bày. Một nữ chiến sĩ thanh niên xung phong xuất hiện trước đèn măng-xông rực sáng đọc bài thơ “Đêm qua sông” của nhà thơ Hữu Thành:

Những chiếc xuồng ẩn trong đám lá

Lòng nao nao từng phút qua sông

Ai cũng đợi như chờ tín hiệu

Nói khẽ nhau mà vẫn phập phồng

 

Nghe em báo “vượt sông” đã đến

Nhắc từng người im lặng đi qua

Sao hồi hộp từng cơn gió đến

Xuồng qua sông sóng cuốn sao trời

 

Tiếng pháo nổ đâu đâu chớp sáng

Thấy bóng em sáng nón tai bèo

Với khẩu súng quen đường, dẫn lối

Những đêm khuya rộn rã mái chèo

Tất cả vỗ tay hoan nghinh nhiệt liệt khi bài thơ chấm dứt. Nhiều chiến sĩ hô “Kim Tiên ơi chép lại cho xin bài thơ đó nghe”. Tiếp theo, Tư Lập bước ra chào đồng đội khán thính giả giữa tiếng vỗ tay nhiệt liệt và xin trình bày mấy câu vọng cổ “Bác là niềm tin” của soạn giả Huỳnh Hảnh.

Nhiều tiết mục khác nối nhau, làm cho đêm liên hoan xuất quân của Liên đội II tưng bừng sôi nổi với lực lượng tự biên tự diễn mà chẳng kém những đoàn chuyên nghiệp của địa phương. Cô bác, đồng bào quanh doanh trại kéo nhau đến dự rất đông. Những má những ba và các anh chị tập trung quà gồm bánh kẹo, khô cá, khoai bắp và có cả… cho tiền nữa. Một không khí như vậy thường có trong những năm tháng chiến tranh ác liệt ở Tây Nam Bộ, đã góp phần cổ vũ chiến đấu. “Tiếng hát át tiếng bom” và văn nghệ hóa thành nguồn sức mạnh giục giã tuổi thanh xuân ra trận quyết chiến và quyết thắng kẻ thù lớn mạnh hơn mình.

Cần Thơ, tháng 11-2006

(Còn tiếp)

Chia sẻ bài viết