25/05/2022 - 23:42

1C - con đường huyền thoại

Bút ký của Nhà thơ NGUYỄN BÁ

 

Chương bốn mươi chín

CHÚ NĂM VỀ KHU ÐOÀN

 

(Xem từ số báo ngày 22-12-2021)

Tại văn phòng Khu Ðoàn ở góc Kinh Ðứng - Hàng Gòn, chú Năm Hạnh và Năm Ðoàn gặp nhau. Sau khi hỏi thăm sức khỏe và đời sống của đơn vị thanh niên xung phong ở tuyến đường, hai chú uống trà và nhắc lại chuyện xưa, hồi hai chú mới bước vào tuổi thanh niên. Chú Năm Hạnh:

- Tôi ở cơ quan Khu Ðoàn của mình, nhiều đêm nằm nhớ cái liếng khỉ của ông. Nhớ lần anh em mình bố trí diệt tên cảnh sát Phan, nhưng vì không ai biết mặt mũi nó ra sao, nên phải nhờ một nòng cốt chỉ dẫn. Vậy mà nó chỉ dẫn trật lất nên lần đó mình bắn nhầm một người khác, phải bị kỷ luật.

Chú Năm Ðoàn:

- Cái thằng Phan này lúc đó nó giết anh em mình tới mấy chục người. Gia đình kháng chiến, gia đình tập kết, nó cho dân vệ dồn ra trại tập trung ráo trọi. Ta giải thích biết mấy lần, bắt rồi giáo dục thả ra nó càng phản động hơn. Không còn cách nào khác là phải “sát nhứt miêu, cứu vạn thử”. Khi anh em mình tới nhà nó rồi, nòng cốt của mình đi theo nhận diện để hướng dẫn Tám Lực là người hạ thủ. Nhưng phải nhìn qua song cửa, mà đèn thì chập chờn, nên không nhìn rõ. Ta phải hỏi: “Ông có phải là cảnh sát Phan không?” người ngồi trên ghế giữa nhà của tên Phan trả lời: “Ðúng, tôi là cảnh sát Phan đây!” vậy là ông ta lãnh mấy phát đạn vào ngực. Anh em mình hạ sát tên ác ôn xong phấn khởi trở về căn cứ.

- Nào ngờ sáng hôm sau, bà con đi chợ về đồn rùm lên: Việt cộng đi ám sát cảnh sát Phan mà nhè bắn lầm thường dân! Lúc đó mấy ông đã báo cáo là chắc ăn trăm phần trăm rồi!

- Thì như tôi nói đó, hỏi có phải cảnh sát Phan không thì y ta nói đúng tôi là cảnh sát Phan, bởi nói tầm ruồng như vậy nên mới ăn đạn, thiệt là uổng mạng hết sức. Ta đâu có muốn giết ông bạn đó làm gì! Thật là chuyện không hiểu nổi, nói cà rỡn để giỡn chơi, dẫn tới cái chết như không!

Chú Năm Ðoàn và chú Năm Hạnh còn biết bao nhiêu chuyện vui buồn đầy kỷ niệm về một thời nổi dậy xây dựng cơ sở Ðoàn và diệt ác phá kềm. Lúc mấy chú ra rừng Mỹ Bình xây dựng tổ sống chung để phục vụ cho cuộc Ðồng Khởi, tài liệu học tập lúc bấy giờ có tiểu thuyết “Thép đã tôi thế đấy” của nhà văn  Liên Xô Ni-cô-lai Ô-Xtơ-Rốp-Xki và tiểu thuyết “Vượt Côn Ðảo” của Phùng Quán. Những cán bộ Ðoàn rất thích lấy tên các nhân vật trong những cuốn tiểu thuyết này để đặt tên cho mình. Trong đó có một câu nói của nhân vật chính là Pa-ven Coóc-sa-ghin: “Con người chỉ sống có một lần, hãy sống sao cho đến ngày xuôi tay nhắm mắt ta không ân hận là mình đã sống hoài, sống phí, mà phải sống để phục vụ cho lý tưởng của loài người ngay cả khi ta không còn nữa…”. Lý lịch của N.A.Ô-xtơ-rốp-xki hầu như các thành viên trong tổ sống chung nằm lòng: Năm 1919, ngày 20 tháng 7 gia nhập Ðoàn Thanh niên Cộng sản, ngày 9 tháng 8 gia nhập Hồng quân Liên Xô và ra trận. Năm 1920, tháng 6, cùng đơn vị Hồng quân trở về Sê-pê-tốp-ca, làm việc ở Ủy ban cách mạng thị trấn. Tham gia khám xét và tịch thu thực phẩm và tài sản của bọn tư sản. Tháng 8 khi bọn Bạch vệ Ba Lan tấn công, anh lại ra trận. Ngày 19 tháng 8 bị thương nặng trong trận chiến đấu gần  Lơ-vốp và được chuyển tới quân y viện  Ki-ép. Tháng 10 phục viên, trở về Sê-pê-tốp-ca với mẹ.

Năm 1931, thần tượng của tổ sống chung thanh niên ở căn cứ Mỹ Bình đã hoàn thành cuốn “Thép đã tôi thế đấy”, gởi bản thảo về Lê-nin-grát, I.P. Phê-đê-ép chịu trách nhiệm mang bản thảo đến nhà xuất bản “Thanh niên cận vệ”…

Thời điểm trước Ðồng Khởi, trong và sau Ðồng Khởi ở khu Tây Nam Bộ, lực lượng thanh niên đã được giáo dục lý tưởng sống chiến đấu thật dữ dội. Mà những tài liệu từ Liên Xô, Trung Quốc và từ cuộc kháng chiến chống Pháp để lại đã nung nấu trái tim rực lửa căm thù và tình yêu nước nồng cháy của tuổi trẻ… Nhưng còn đây là những chuyện vui. Chú Năm Ðoàn:

- Cái lúc ở Mỹ Bình, ông có nhớ vụ giặt quần áo vần công, ngặt vì trong Tổ sống chung có mấy cô nữ, nó giặt cho mình thì không sao, đến bữa mình giặt lại cho nó để trả công thì đem phơi áo lót và quần nhỏ trên nhánh cây, gió hất rớt xuống mương mới sanh chuyện…

Chú Năm Hạnh:

- Thì cái phiên giặt đồ phơi rồi mất quần lót đó là tôi chớ ai. Nhưng mất rồi tôi không hay biết. Mà mấy cô thì cứ tha nha thiết nhỉ đi kiếm tới kiếm lui vì quần áo lúc đó quý lắm, những đồ nhỏ của con gái phải gởi ra chợ Cà Mau mua mới có. Cho đến chiều tôi mới hay mấy cô bị mất đồ. Tôi liền nói, thì mấy cô có gì tôi giặt phơi cái nấy, mấy cô lại tự lấy vô, làm sao mất được. Mấy cô nhỏ nhẹ nói: “Mất thiệt anh Năm, em kiếm quá trời mà hổng có”.

- Thì lúc đó tôi mới nhận định gió bay xuống ao, ông mới nhào xuống mò, “bắt gặp tại trận” những thứ gió làm rớt xuống nước. Rồi đem lên phải lấy xà bông thơm ngồi giặt lại cho sạch cho thơm đặng trả mấy cô, vần công mà!

- Ðâu có, mò vớt lên được rồi mấy cô mừng quýnh ra giựt lại đi tự giặt, chớ đâu có vụ tôi ngồi lấy xà bông thơm mà giặt ông!

- Thì nếu mấy cô không giựt lại để giặt, ông phải giặt chớ gì. Bởi người ta giặt đồ cho mình rồi, tới phiên mình phải giặt lại chớ!

Những chuyện lặt vặt của một thời trưởng thành còn in sâu trong kỷ niệm của các chú, một thập niên trôi qua mà chẳng mờ phai. Chuyện giặt quần áo vần công, rồi chuyện nướng khoai, nướng bắp giành nhau ăn. Ðến chuyện dẫn nhau đi làm sui cưới vợ, giữa đường bị trời sét gần, tia sét xẹt trúng mũi xuồng, chú Năm Hạnh và chú Ba Sánh té ướt loi ngoi. Khi trèo lên xuồng, chú Năm Hạnh nói: “Trời ơi, tôi đi cưới vợ tôi, chớ có cưới vợ của trời đâu, mà trời đánh tôi té sông ướt át như vầy!”. Chưa hết, đến khi vô gia đình đàng gái, chú Ba Sánh nhỏ tuổi mà đại diện cho cơ quan, ngồi ngang hàng với các vị trưởng lão trong gia đình. Chú Năm Hạnh phải rót nước cho các vị trưởng lão, đồng thời rót cho chú Ba Sánh một ly. Chú Ba Sánh rắn mắt nói: “Năm ơi, em ráng châm trà cho ngon, đừng để hôi khói, cho cô bác dùng nghe hông”. Chú Năm Hạnh nói nhỏ nhỏ bên tai chú Ba Sánh: “Ừ, mầy về rồi biết!”.

Sáng hôm sau, Khu đoàn họp lại, truyền đạt nội dung về việc thành lập Liên đội II do chú Năm Ðoàn làm Thủ trưởng kiêm Chánh trị viên để nhận hàng từ kho B4, thuộc Ðoàn 962, vận chuyển từ con đường liên vận Bắc Nam mang tên Bác trên biển Ðông. Chú Năm Hạnh:

- Gần đây “gánh Bông Văn Dĩa” của Ðoàn 962 lại nối được con đường vận chuyển bằng ghe hai đáy, nhập bến Cà Mau, Khu ủy và Quân khu ủy đề nghị Khu đoàn tổ chức thêm Liên đội II để làm nhiệm vụ vận chuyển vũ khí từ Mũi Ðất vượt lên cho các tỉnh Tây Nam Bộ. Năm Ðoàn được chỉ định với những nhiệm vụ như đã nói. Khu Ðoàn sẽ phân công thêm một số cán bộ để đủ sức lãnh đạo chỉ đạo - trong đó có đồng chí Ba Phước.

Chú Năm Ðoàn:

- Như Năm Hạnh và các đồng chí biết rồi. Ðảng và tập thể phân công đâu thì tôi sẵn sàng chấp hành đó. Tôi nghĩ chị Út Nhì và tôi rời chiến trường 1C, sợ anh em không an tâm, dù ngày nay các đồng chí cán bộ đại đội được đề bạt Liên đội phó, hoặc Phó Chánh trị viên Liên đội, nhưng vắng chúng tôi anh em thường trông đợi.

Chú Năm Hạnh:

- Chiến trường 1C đang bị bế tắc. Hiện nay đồng chí Tư Mau, Bảy Lúa, Tư Khánh, Sáu Ðặc… đang xây dựng lực lượng công khai hợp pháp vận chuyển bằng ghe 2 đáy nhỏ nghi trang mua bán để qua mắt giặc. Còn ở B4 - bãi Cà Mau, ghe 2 đáy của Ðoàn 962 đã đưa về đợt này hàng ngàn tấn hàng quân sự, cần có lực lượng thanh niên xung phong đủ khả năng và bản lĩnh chỉ đạo vận chuyển để giải phóng nhanh kho bãi và chuyển vũ khí, đạn dược, phương tiện chiến tranh đến tận các đơn vị và địa phương chiến đấu. Không có Năm Ðoàn thì trong số chúng ta chưa chọn được ai hoàn thành nhiệm vụ này.

(Còn tiếp)

Chia sẻ bài viết