25/05/2022 - 08:33

1C - con đường huyền thoại

♦ Bút ký của Nhà thơ NGUYỄN BÁ

Chương bốn mươi chín

CHÚ NĂM VỀ KHU ÐOÀN

(Xem từ số báo ngày 22-12-2021

1. Những năm tháng này, quân dân Tây Nam Bộ kiên quyết chiến đấu bảo vệ căn cứ U Minh, giữ vững ngọn cờ cách mạng, tạo điều kiện tiến lên giành thắng lợi mới. Năm 1970, các lực lượng Tây Nam Bộ loại khỏi vòng chiến đấu 80.000 địch, bằng 2/3 năm 1969, chủ yếu trên địa bàn các tỉnh Chương Thiện, Cà Mau và vùng ruột Vĩnh Long, Trà Vinh và chiến trường Long Châu Hà tuyến biên giới Hà Tiên - Vĩnh Tế… Qua kế hoạch “Gió mùa Tây Nam” của địch, ta còn 13 xã, 917 ấp giải phóng với 470.000 dân, 251 xã, 1.281 ấp với 1.120.000 dân vùng tranh chấp; địch đã đóng 1.200 đồn bót.

Trong 2.198 ấp giải phóng và tranh chấp thì 4/5 số ấp không còn chánh quyền; 2/3 số ấp không còn Ấp đội. Số lượng du kích xã, ấp còn 15.000 chiến sĩ, sụt ½ so với năm 1969. Một tiểu đoàn của ta cao nhất còn 140 quân, một đại đội cao nhất còn 30 quân, du kích mỗi xã còn khoảng 10 người, ấp còn 4 người.

Về Ðảng, toàn Khu có 30.000 đảng viên, bị hao hụt khoảng 1.000 đảng viên, công tác phát triển không bù kịp sự hao hụt. Các đoàn thể giải phóng còn 200.000 người, nhưng do địch tát dân, cho nên hội viên bị xáo trộn, sinh hoạt khó khăn. Tuy nhiên nhân dân vẫn bám đất sản xuất, làm được 700.000ha ruộng, đóng đảm phụ trên 2 triệu giạ lúa, không đáp ứng được nhu cầu của Khu.

Như vậy, từ  2-9-1969 đến tháng 9-1971 là ngày ta chận đứng và đẩy lùi dần quân địch ra khỏi U Minh, nhưng địch gây cho ta tổn thất lớn, làm xáo trộn dân cư trên diện rộng, sản xuất sa sút mạnh. Trong “Chiến tranh cục bộ”, ta bị tiêu hao nhiều lực lượng chính trị và lực lượng vũ trang. Phía địch cũng thiệt hại rất lớn, nhất là quân chủ lực, bảo an cơ động và phương tiện chiến tranh, đặc biệt là máy bay và tàu chiến. Phía ta, bảo vệ được cơ quan đầu não của Khu, giữ vững vai trò hiệu triệu của căn cứ Khu, giữ vững và phát triển chiến tranh du kích vùng sau lưng địch. Khu ủy được Trung ương Cục bổ sung thêm đồng chí Trần Quang Quít, Lê Thị Bảy. Tăng cường trí tuệ lãnh đạo sau nghị quyết 01/71CT của Trung ương Cục nhằm chuyển hướng “đánh bại bình định của địch là trung tâm công tác” của toàn Ðảng, toàn quân, toàn dân ta hiện nay, là nhiệm vụ quan trọng, nhằm đánh bại chiến lược “Việt Nam hóa chiến tranh” của Mỹ để hoàn thành nhiệm vụ chiến lược cách mạng miền Nam. Ðồng chí Võ Văn Kiệt được bổ nhiệm về Khu Tây Nam Bộ làm Bí thư Khu ủy để thực hiện chỉ thị 01/71CT của Trung ương Cục. Ngày 2-2-1971 Nixon quyết định cùng một lúc mở 3 mặt trận đánh vào 3 vùng của 3 nước Ðông Dương để thử sức quân chủ lực ngụy: cuộc hành quân “Lam Sơn 719” đánh vào đường 9 Nam Lào; cuộc hành quân toàn thắng 01/71 đánh lên Kompongcham, Kratié (Ðông Bắc Campuchia) và cuộc hành quân “Quang Trung 4” đánh Tây Nguyên, vùng nằm giữa biên giới 3 nước Việt Nam, Campuchia và Lào.

Trước thực tế tình hình đó, Ban Thường vụ Khu Ðoàn có chủ trương sắp xếp lại đội ngũ thanh niên xung phong cho thích hợp. Bộ phận do Hai Nô phụ trách cùng cô Năm Phi và một số anh chị em văn phòng sang đất bạn củng cố Trạm 95, liên hệ với đồng chí Tư Khánh, và Bảy Bình để chuyển vận và bảo vệ khối lượng vũ khí từ cảng Sihanouk Ville về hệ thống kho ở vùng núi Kirivong. Các đồng chí Tư Bay, Bảy Nông, Năm Thơ, Tư Ðức, Hai Hồng… bám lại Trạm 90 và Trạm 80 với các đơn vị thanh niên xung phong có vũ trang vừa vận chuyển vừa sẵn sàng chiến đấu như bộ đội thật sự. Ðơn vị  y tế dã chiến do đồng chí Chín Tần phụ trách dời về Hang Nước Mo So để xây dựng trạm phẫu thuật, phục vụ cho lực lượng thanh niên xung phong và Ðoàn 195, đồng thời cho hai trung đoàn chủ lực trên chi viện hoạt động cùng địa bàn. Ðồng chí Năm Ðoàn được triệu tập về cơ quan để nhận nhiệm vụ mới…

      (Còn tiếp)

Chia sẻ bài viết