18/05/2022 - 23:03

1C - con đường huyền thoại

Bút ký của Nhà thơ NGUYỄN BÁ

 

Chương bốn mươi sáu

HÁT TRÊN TUYẾN ÐƯỜNG

2. HẢI TẶC TRONG BỆNH XÁ

Sau mấy ngày nằm thiêm thiếp vì vết thương khá nặng, hôm nay, Hải tặc uống được sữa và mở mắt tươi cười khi nhìn thấy bác sĩ Chín Tần và chị Thủy ngồi bên mình. Chợt nhớ cây sáo trúc của mình, Hải tặc hỏi:

- Chị Thủy ơi, cây sáo trúc của em đâu?

- Kia kìa, chị giắt trên nóc chòi kìa.

Thủy vói tay rút cây sáo trúc đưa cho Hải Tặc. Cậu bé cố gắng giơ tay đón cây sáo trúc thân yêu. Bác sĩ Tần nói:

- Ðồng chí hãy uống hết một hộp sữa hiệu con chim này thì mới có đủ hơi để thổi sáo.

Hải tặc:

- Anh Chín, có truyện đời xưa kể nghe đi anh.

Chị Thủy:

- Anh Chín là giám đốc bệnh viện, lúc này có tới 3 thương binh mà 2 đồng chí kia còn nặng hơn em nữa, thì đâu có rảnh ngồi đây mà kể truyện đời xưa cho em nghe.

Hải tặc:

- Vậy thì chị kể cho em nghe đi, chị là hộ lý của em mà.

Bác sĩ Tần:

- Ừ, vậy thì đồng chí Thủy kể truyện đời xưa cho Hải nghe đi.

- Ðược thôi, chị kể truyện Thạch Sanh chém chằn cho Hải tặc nghe nhé.

Chị Thủy ngồi ghé vào chiếc giường dã chiến của thương binh Hải, nhớ lại truyện Thạch Sanh mà bà ngoại thường kể lúc mình còn nhỏ, giờ kể lại cho Hải Tặc nghe, để cậu ta quên đau đớn mà mau bình phục. Thủy kể:

- Có một vương quốc tên Phù Nam, lấy chợ Hà Tiên bây giờ làm kinh đô, hồi đó gọi là xứ Sài Mạt. Thuở ấy có một chú bé mồ côi ở dưới cội Hàn Da, làm nghề đốn củi đổi gạo và khoai bắp về nướng ăn sống qua ngày. Lý Thông đi bán rượu, mỗi lần qua gốc da, thấy chú bé mồ côi rách rưới, Lý Thông nghĩ, mình dụ thằng bé này đem về làm em nuôi, nếu khi bắt thăm để cống nạp cho chằn mà họ Lý mình dính tên thì mình đưa thằng Thạch Sanh này thế mạng. Về nhà, Lý Thông bàn với mẹ. Hai mẹ con cùng nhau thực hiện mưu kế gian ác của mình. Thạch Sanh trở thành con nuôi của mụ già và em nuôi của Lý Thông. Ðúng như tên Lý Thông dự đoán, năm đó tới phiên họ Lý nạp mạng cho chằn ăn thịt, Lý Thông bàn với mẹ làm thịt gà kho và nấu cơm nếp đậu, rồi kêu Thạch Sanh lại xí gạt thế này: “Em ơi, anh và mẹ mắc lo nấu rượu bán kiếm tiền để nuôi sống, em đem xôi đậu và thịt gà ngon thơm này vào thạch động, chỗ có hang thần, em bày lễ vật cúng thần, đốt nhang vái lạy cho thần chứng miêng, xong rồi em tha hồ ăn no nê phần cơm nếp và thịt gà đã cúng. Thôi em đi đi kẻo trễ giờ, thần quở phạt”. Cái vị thần mà Lý Thông nói cho Thạch Sanh nghe là một con trăn gió khổng lồ, đã sống trên mấy trăm năm và nó thành con trăn tinh, ăn thịt người và thịt nhiều loài thú ở trong vùng, nó rất dữ dằn, to lớn với chiều dài mấy mươi thước, ở trong hang động. Hằng năm, khi đói, con trăn bò ra kinh đô của vương quốc Phù Nam do vua An Ri trị vì. Nhà vua và quần thần quá sợ hãi, nên ra lệnh cho thần dân luân phiên nhau đi nạp mạng cho con trăn tinh này. Ðến phiên Lý Thông, thì mẹ con Lý Thông xí gạt cho Thạch Sanh đi chết thay. Thạch Sanh mang cơm nếp thịt gà và vác búa đốn củi đi vào hang động. Thạch Sanh vừa đặt lễ vật vào bệ đá, miệng vái lầm thầm theo lời dặn của Lý Thông, bỗng đâu nghe tiếng động ầm ào, chợt nhìn thấy một con trăn gió khổng lồ tràn tới định nuốt trọng Thạch Sanh. Thạch Sanh liền quơ búa chém đứt đầu con trăn dữ, rồi tiếp tục cúng vái thần linh, đợi tàn một tuần nhang, Thạch Sanh ăn hết cơm nếp và thịt gà đã cúng, rồi xách đầu con trăn tinh đi về nhà. Ðến cửa Thạch Sanh gọi mẹ, gọi anh. Nhưng mẹ con Lý Thông nghĩ rằng Thạch Sanh đã bị chằn nuốt và hồn ma trở về báo oán, nên đóng kín cửa, không dám trả lời. Thạch Sanh cứ đứng ngoài cửa kêu mãi và báo rằng mình đã chém được đầu con trăn tinh, xách về quăng trước sân đây. Lý Thông bây giờ mới tin rằng Thạch Sanh còn sống, anh ta mở cửa chạy ra đe dọa Thạch Sanh rằng: “Thôi chết rồi, con chằn của vua nuôi mà em chém đứt đầu như vầy là gây tai họa cho mẹ và anh rồi. Thôi, em hãy vào nhà lấy cái khố rách của em và trở về cội Hàn Da trốn biệt ngoài đó, đừng cho ai biết. Còn anh phải xách cái đầu chằn này vào tâu với nhà vua và xin chịu tội vì đã giết con chằn của vua nuôi từ lâu”. Thạch Sanh nghe anh mình nói vậy, trong lòng rất sợ hãi. Liền lấy chiếc khố rách và vác búa đốn củi trở về sống ở cội Hàn Da như xưa. Còn Lý Thông thì được nhà vua ban thưởng vì hắn ta tự nhận là đã chém chết được con chằn, lấy đầu chằn đem về kinh, dâng cho vua. Nhà vua và triều thần ráp nhau xem đầu chằn, mọi người đều thán phục Lý Thông. Ðức vua phán: “Con chằn này đã ăn không biết bao nhiêu thần dân của trẫm, không có ai dám chống cự lại nó. Vậy mà nay tráng sĩ đã chém đứt đầu chằn. Tráng sĩ là người anh hùng trong thiên hạ, trẫm sẽ phong cho tráng sĩ làm nguyên soái triều ca và sẽ gả công chúa Quỳnh Nga cho tráng sĩ. Ta và triều thần sẽ kén tráng sĩ làm phò mã với một buổi kết hôn long trọng thành quốc lễ…”.

Cứ như vậy, chị Thủy cố nhớ truyện bà nội kể với mình về Thạch Sanh và mẹ con Lý Thông, khi Thủy dừng lại để nhớ, thì Hải tặc sốt ruột giục: “Kể tiếp đi chị, truyện hay lắm đó”. Hai chị em như lọt vào không gian của vương quốc Phù Nam xưa, cho đến lúc mưu gian, kế ác của mẹ con Lý Thông bị bại lộ, nhà vua ra lệnh giết, nhưng Thạch Sanh xin nhà vua tha chết cho hai mẹ con hắn ta. Một trận mưa kéo đến, khi mẹ con Lý Thông bị đuổi ra khỏi cửa hoàng cung thì trời nổi sấm đánh chết. Mẹ con hắn hóa kiếp thành loài ểnh ương “uềnh oang” trong những cơn mưa. Vì chuyện Thạch Sanh quá dài, nên chị Thủy phải kể chắp nối nhiều lần mới hết, bởi đôi lúc đang kể nửa chừng thì phải đi làm việc khác. Hải tặc dù lắng nghe chị Thủy kể như uống từng lời, nhưng đôi lúc lại góp thêm chi tiết cho chị vì trong mỗi tâm hồn chú bé sinh ra trên đất Nam Bộ - Việt Nam đều có một Thạch Sanh chém chằn trong truyền thống văn học dân gian xứ sở…

      (Còn tiếp)

Chia sẻ bài viết