24/04/2022 - 22:48

1C - con đường huyền thoại

* Bút ký của Nhà thơ NGUYỄN BÁ

Chương ba mươi chín
ĐỒN VĨNH ĐIỀU ĐỘNG QUÂN

 

Ðồn trưởng Vĩnh Ðiều ngồi bên máy PRC25 với hai mã thám viên. Cả 3 cùng cắm cúi quanh chiếc máy sôi lên xèo xèo như tiếng con rắn hổ bị chĩa đâm vào lưng: “Ðại bàng, đại bàng đây… Chim én, chim én đâu… Nghe rõ không, trả lời”. Cứ thế giọng eo éo trong máy cứ lặp đi lặp lại làm cho người nghe uể oải. Tin mã thám cho biết, Thiếu tướng Nguyễn Văn Mạnh sẽ đích thân đi thám sát vùng biên giới Vĩnh Tế và Bảy Núi - Ba Hòn để thiết lập những vòng đai sắt nhằm ngăn chặn lực lượng thanh niên xung phong vận chuyển vũ khí và tìm diệt căn cứ của họ. Ðợt hành quân này lôi kéo cả Sư đoàn 9 Lính thủy đánh bộ Hoa Kỳ và tổng lực Quân đoàn 4 thuộc vùng 4 chiến thuật. Các binh chủng đặc biệt và “con chim của thần chết” - tức lực lượng Phượng hoàng, được CIA Mỹ huấn luyện sẽ là lực lượng cung cấp thông tin toàn diện cho chiến dịch. Ðược mang tên chiến dịch Gió mùa Tây Nam do cố vấn, Giám đốc CIA - Richard Helms và ngài Robert W. Komer - trợ lý cho Tổng thống Hoa Kỳ. Họ sẽ kết tập thành đoàn, cũng đáp trực thăng như các cố vấn Mỹ đi với Trần Thiện Khiêm lần trước, khi đến đồn Vĩnh Ðiều, họ chứng kiến cái chết đầy can đảm của nữ binh thanh niên xung phong Hồng Láng. Lần này các ngài cố vấn và Tư lệnh vùng 4 chiến thuật đến Vĩnh Ðiều sẽ chứng kiến việc gì xảy ra. Cái chắc là bọn họ cùng mình sẽ ăn đạn pháo cối do khẩu đội Sáu Phước rải đạn vào nơi người Mỹ và đồng minh của họ đang mưu tính hủy diệt tuyến đường mà đối phương sẵn sàng đánh đổi bằng hàng trăm mạng sống của họ.

Ðúng như máy thông tin PRC 25 cấp báo, Tướng Mạnh và hai ngài cố vấn Hoa Kỳ từ trực thăng bước xuống mặt đất biên giới nóng bỏng. Và đúng như một thứ công thức bất di bất dịch: những trái pháo cối từ trong rừng với tiếng “đề-pa” nhỏ xíu đã rót đạn vào nơi đồn Vĩnh Ðiều lăng xăng tiếp khách quý. Trong phòng tiệc, cũng những mỹ nữ cầm hoa như lần trước, cũng cảnh giác chất nổ như lần trước. Và cũng với những câu hỏi về thanh niên xung phong đang tồn tại và phát triển trong các khu rừng thưa thớt, cây cối bé nhỏ, trần trụi giữa cánh đồng loang lổ hố bom, hố pháo được thu vào máy ngắm hiện đại cho các quý ngài cố vấn và trợ lý của Tổng thống Hoa kỳ xem để nghiên cứu.

Richard Helms nói:

- Diện địa như thế này mà đối phương của chúng ta có thể tồn tại được ư? Họ phần đông là thiếu nữ và trẻ nít nhưng sao lại xuyên phá những vòng rào ngăn chặn của liên quân Việt - Mỹ để chuyển tải hàng vạn tấn vũ khí từ cảng Sihanouk Ville đưa về Tây Nam Bộ trao tay cho binh lính của tướng Ðồng Văn Cống và phó tướng Nguyễn Hoài Pho tốt nghiệp từ trường quân sự cao cấp phương Ðông thuộc Liên Xô, đồng minh của họ. Ở một nơi đầy gian khổ khắc nghiệt như thế này mà đêm đêm, sau khi tải hàng về đến, họ còn liên hoan ca hát được ư? Ta phong tỏa gạo, muối, các loại ngũ cốc, thuốc trị bệnh, và nói chung ta phong tỏa tất cả thế mà phần đông là con gái và con nít có thể sống được ư? Thật là kỳ diệu.

Thiếu tướng Nguyễn Văn Mạnh:

- Thưa hai quý ngài cố vấn và trợ lý của Tổng thống Johnson kính mến. Chúng ta hãy để thì giờ nghe đồn trưởng Vĩnh Ðiều nói về tình hình hoạt động của đối phương nơi đây. Xin mời ông đồn trưởng.

Ðồn trưởng Vĩnh Ðiều:

- Kính thưa các quý vị thượng cấp, ở địa bàn này coi như chúng ta đổ xuống đây vô số đạn bom với tiếng nổ xé trời và sắt thép vung vẩy hàng vạn tấn, chém nát cây cỏ, băm vụn đất đai, đào hang lỗ khắp các cánh rừng, cánh đồng và chân núi, bãi biển. Tất cả cây cỏ đều mang thương tích. Chim muông, rắn rít và cá sấu cũng không tồn tại nổi bởi sức mạnh của không lực và pháo binh Hoa Kỳ cũng như của quân lực Việt Nam Cộng hòa Vùng 4 chiến thuật qua những đợt thực thi kế hoạch Gió mùa Tây Nam. Nhưng thưa ngài, dân chúng ở đây chừng như đem lòng ủng hộ Việt cộng. Các vị bô lão như ông Tám Xà Bam, ông Năm Mau, ông Ba Ðắc, ông Ba Ðầu Sọ, ông Chín Cà Rèm, ông Sáu Vệ Tinh… là những thần nhân bám sát lực lượng thanh niên xung phong để giúp đỡ cho họ. Khi lực lượng này có người hy sinh, hoặc thương tật thì dân chúng tìm mọi cách giúp đỡ họ để an táng hài cốt hoặc chữa trị vết thương. Vâng lệnh các quý ngài, chúng tôi đã bắt những người dám cưu mang lực lượng thanh niên xung phong, chúng tôi đưa ra chỗ đông người bắn bỏ để thị uy. Nhưng tôi xin nói để quý ngài biết, dân tình ở đây không hề biết sợ Mỹ - Ngụy là gì. Họ chứng tỏ là người yêu nước, mà yêu nước là phải ủng hộ thanh niên xung phong vận chuyển hàng quân sự, để cuối cùng họ giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước. Thưa ngài, nơi chúng ta ngồi đây ngắm hoa, nhắm rượu và trao đổi kế hoạch hành quân chính là nơi nữ thần Hồng Láng đập đầu mình vào tường để biểu thị ý chí quyết chiến quyết thắng của tuổi trẻ miền Tây.

Robert W. Komer:

- Ngài Thiếu tướng Tư lệnh Vùng 4 chiến thuật nói rất đúng. Ở Sài Gòn, Huế, Ðà Nẵng, Cần Thơ và nhiều nơi khác, chính mắt tôi đã chứng kiến hàng loạt nữ tu sĩ và các vị hòa thượng cao minh tự thiêu để gây sức ép với chánh quyền Thiệu - Kỳ. Ðó là tôi chưa nói những binh đoàn ly khai do Ðàm Quang Yêu chỉ huy, binh lính và sĩ quan quân đội Việt Nam Cộng hòa sau Tết Mậu Thân 1968 phân hóa dữ dội. Họ không muốn đánh nhau với những người cùng huyết thống, cùng cộng đồng sắc tộc trên lãnh thổ dày đặc chiến công hiển hách của thế hệ tiền nhân để lại cho họ. Người Mỹ chúng ta chưa có chiếc chìa khóa thần để mở cửa tâm hồn dân tộc Việt Nam. Vì vậy, “ai thắng ai, chưa đoán được”. Nhưng bấy nay không thấy có binh lực nào thắng được người tại chỗ.

Ðồn trưởng:

- Ngài trợ lý bình luận thật uyên bác. Ðoàn trưởng Trung đoàn 195 thuộc Cục Hậu cần Quân khu 9 là Phan Văn Nhờ, có biệt danh Tư Mau. Chính ông này dẫn 300 nam nữ thanh niên xung phong chờ một trận mưa lớn kéo nhau qua ngọn Rạch Dứa, trong một đêm vét xong 10.000 thước kinh. Ðất vét từ kinh quăng lên họ lưu đi nơi khác. Khi chúng tôi hành quân thám sát, phải lắc đầu chịu thua ông Tư Mau và binh lính lạ thường của ông. Chưa hết thưa quý ngài, Liên đội I Thanh niên xung phong có bà Trịnh Ngọc Châu bí danh Út Nhì, người nhỏ thó, chậm chạp. Nhưng bà ta có đôi mắt đen gan lì và kiên nghị. Bà thắng chúng tôi chủ yếu là do tình thương yêu đồng đội của bà. Các quý ngài có thấy quân đội nào mà Chánh ủy ngồi bắt chí, chải gỡ tóc rối, khâu vá quần áo, viết giúp thơ gởi về nhà cho binh sĩ mình hay không? Không! Trên toàn thế giới không có một thứ quân đội nào mà vị chỉ huy là nữ tướng, người nhỏ nhắn, giọng chậm rãi nhưng lại điều binh khiển tướng một cách linh hoạt. Và khẩu đội pháo Sáu Phước cũng do chính bà chỉ huy mấy lần tập kích vào chúng ta khi đang hội nghị hoặc tiệc tùng, nhảy múa, hôn hít người yêu. Những con người tồn tại giữa cánh đồng hoang vu, chết chóc… hầu như không có thứ vũ khí gì hủy diệt họ nổi. Ngược lại, họ là người quyết định số phận của chúng ta.

Khi hai chính khách cao cấp Mỹ, một viên tướng và đoàn tùy tùng thuộc Vùng 4 chiến thuật đang khẩn trương trao đổi với đồn trưởng Vĩnh Ðiều về cách “tìm diệt” và bóp nghẹt tuyến đường 1C thì đúng như ghi, khẩu đội pháo cối của Sáu Phước lại cấp tập rót đạn vào “chào mừng” kẻ xâm lược và bọn bán nước trước giờ chúng cùng ăn nhậu và nhảy múa với các mỹ nữ chở từ Honolulu, Bangkok hoặc Sài Gòn cùng đi chung với chúng để mua vui cho chúng. Cũng như lần trước pháo nổ ngoài sân, trên nóc và nổ ngay trên ban công phòng nghỉ mát của đồn Vĩnh Ðiều. Ðồng thời với pháo cối 61 li, những khẩu đại liên thi nhau quét đạn vào phòng khách của đồn Vĩnh Ðiều. Mấy cô gái trong đội ca vũ nhạc sợ hãi chui xuống ghế, gầm giường, quần áo nhăn nhó, váy bụi bặm trông thật thảm hại.

Ngoài bìa rừng, nơi cách vòng rào thứ ba của đồn biên giới Vĩnh Ðiều không xa, Sáu Phước giao khẩu pháo nóng bỏng cho pháo thủ Hải tặc và dặn:

- Cậu chờ bọn chúng vào ăn tiệc và chúc tụng nhau hãy rót vào cấp tập cho hết cơ số đạn này, ta khỏi phải khiêng vác trở về nặng nhọc.

Trong đồn Vĩnh Ðiều, hai tay cố vấn Mỹ và đoàn tùy tùng thấy pháo đã dứt, tiếng đại liên quét vào đồn cũng không còn, sĩ quan lễ tân được lệnh bày tiệc và trỗi nhạc. Nhưng lập tức đến phiên Hải tặc trổ tài pháo kích của mình. Hàng chục quả pháo nối đuôi nhau rơi đúng tọa độ khủng khiếp dành cho giặc. Vợ con binh sĩ hoảng hốt la làng như bọng: “Mấy anh mấy chú Việt cộng ơi, xin ngưng bắn một phút cho chúng tôi thoát khỏi nơi này rồi hãy rót đạn vào chúc mừng các ngài cố vấn và vị tướng vùng không quản đường xa đến Vĩnh Ðiều xem cái chết”. Khẩu đội pháo cối của ta bắn hết cơ số đạn, ung dung chống xuồng về căn cứ với một nồi cháo cá dành sẵn.

Bấy giờ trong đồn, cô Thạch Thị Liễu - vợ tên đồn trưởng Vĩnh Ðiều, đốt nhang khấn vái nữ thần Hồng Láng cho vợ chồng bà tai qua nạn khỏi. Lạ lùng thay bà vái xong thì Hải tặc cùng chú Sáu Phước thu quân về cứ. Chưa kịp thay quần áo, Hải tặc đã cầm cây sáo trúc mắc võng và trèo lên đung đưa với tiếng sáo dìu dặt bài “Lá thư Ðông Xuân” của nhạc sĩ Thanh Trần: “Ðông Xuân năm nay em gửi thư ra chiến trường. Thăm anh thăm người em yêu thương đang mùa thi đua lập công…”. Giây lát sau chiếc trực thăng đầu lân từ phía Vĩnh Ðiều bay về Cần Thơ với đội hộ tống gồm L.19 và nhiều trực thăng “cá lẹp” phóng pháo. Thống con từ một cứ gần đó vạch cây rừng lao tới bên Hải tặc, nói:

- Anh Hải tặc ơi, mình lấy đại liên phòng không quét cho nó vài loạt lên trời để tiễn đưa chúng nó chớ.

Hải tặc:

- Không cần đâu chú em. Ta phải tiết kiệm đạn. Hồi nãy trước khi chúng ăn tiệc, uống rượu ta bắn vào nó sợ, vì thế ta bắn liên tục. Bây giờ nó uống rượu rồi, hôn hít và nâng niu đám con gái ướp nước hoa chở bằng trực thăng từ nhiều nơi đến cho chúng rồi, chúng ngồi trên trực thăng đang say xỉn bay qua bầu trời chúng ta. Giá như chúng ta có bắn để đe dọa đối phương, thì chúng cũng không còn biết sợ. Hãy giết kẻ thù khi chúng nó hoàn toàn tỉnh táo. Hãy nói rõ với bọn xâm lược vì sao thanh niên xung phong tuyến 1C phải bám chặt tuyến đường và chấp nhận mọi giá hy sinh để hoàn thành nhiệm vụ. Và khi cần, chính chúng ta phải cầm súng chiến đấu tiêu diệt kẻ ngăn chặn mình để thực hiện tuyến trình vận chuyển theo mệnh lệnh của Tổ quốc. Bây giờ thì ta thổi sáo để tiễn đưa đối phương bay về sào huyệt của chúng…

Cần Thơ, tháng11-2006

     (Còn tiếp)

 

Chia sẻ bài viết