24/04/2022 - 08:34

1C - con đường huyền thoại

♦ Bút ký của Nhà thơ NGUYỄN BÁ

Chương ba mươi tám

NHẬN HÀNG TỪ SÓC CHUỐT

(Xem từ số báo ngày 22-12-2021)

2. Tám Hoa:

- Kính thưa chú Bảy, thưa chị Út, anh Năm, thưa tất cả các đồng chí có mặt ở đây. Ðội ca múa nhạc chúng tôi sẽ mở màn chương trình văn nghệ phục vụ bằng điệu múa Chiến binh ca vũ khúc.

Tất cả vỗ tay hoan hô nhiệt liệt. Những nghệ sĩ cầm đàn, thổi sáo, đánh muỗng, vỗ xoong và vỗ tay theo ca khúc: “Ðêm nay trăng sáng ta nhảy đùa chơi. Ðêm nay ta hát cho đời sướng vui. Bao nhiêu vui sống tung ra đêm nầy. Một hai cùng nhảy cùng hòa tiếng ca. Tung cắt tùng! Bàn tay của ta là đi giết thù. Tung cắt tùng! Ta đem sức ta xây đời tự do. Ðêm nay trăng sáng ta nhảy đùa chơi…”. Cứ thế bài “Chiến binh ca vũ khúc” được hàng mấy trăm con người trẻ trung hăm hở hát vang với nhịp tay vỗ như sóng rạt rào. Ðội vũ gồm 20 nam nữ, mặc quân phục Vệ quốc, đầu đội nón tai bèo, vừa hát vừa chuyền nón theo nhịp. Vũ khúc thu hút khán giả một cách mãnh liệt. Cả rừng cây và mây trời cùng xoay vần quanh tiếng hát và điệu múa hôm nay.  Ðiệu múa vừa dứt Tám Hoa bước ra giới thiệu:

- Tiếp theo chương trình, nữ nghệ sĩ Kim Lài sẽ trình bày bài hát “Trung Thu nhớ Bác”, nhạc phẩm kháng chiến, được lưu hành từ năm tiễn chân bộ đội miền Nam tập kết ra Bắc ở điểm tập kết 200 ngày Cà Mau - Sông Ðốc. Xin mời nữ nghệ sĩ Kim Lài.

Kim Lài bước ra với khăn quàng đỏ và một sợi dây băng đỏ thắt ngang lưng, rất xinh đẹp, duyên dáng. Ca sĩ cúi chào mọi người và cất cao tiếng hát, hướng vọng về đất Bắc nơi Bác Hồ đang sống và làm việc trong căn nhà sàn đơn sơ, giản dị: “Ánh trăng sáng soi cùng khắp nơi. Chúng em múa ca nhờ ơn Bác. Trung Thu năm nay em được nắm tay vui đùa, là nhờ ơn Bác kháng chiến chống quân ngoại xâm. Trung Thu năm sau, tan giặc khắp nơi vui vầy là nhờ ơn Bác…”.

Bài hát được Hải tặc thổi sáo, Ðịnh và Quang đờn guitar, măng-đô-lin, Thống con vỗ tâm-bua bằng xoong… hòa tấu hết sức nhịp nhàng, độc đáo. Tất cả qua tiếng hát gởi lòng mình ra miền Bắc với Bác Hồ kính yêu. Khi Kim Lài vừa dứt câu cuối cùng, tiếng vỗ tay nhiệt liệt chưa dứt, thì có một chàng trai từ hàng quân phía trái bước ra tự giới thiệu:

- Tôi xin tự giới thiệu, tôi là Ngọc Hối, y tá của bệnh xá dã chiến 195 - thanh niên xung phong. Hôm nay cùng với thủ trưởng đơn vị là anh Trần Minh Hữu, bí danh Chín Tần đến dự liên hoan. Ðể giúp vui, tôi xin góp thêm tiết mục cho chương trình văn nghệ bằng một bài thơ tôi viết tặng cho một nữ chiến binh thanh niên xung phong đồng hương. Ðó là nữ ca sĩ vừa trình bày ca khúc “Trung Thu nhớ Bác”.

Cả cuộc liên hoan đứng dậy vỗ tay ầm ì với tiếng hô: “Hay lắm!”, “Hay lắm!”, “Ðề nghị Kim Lài bước ra bắt tay nhà thơ y tá”. Mọi người ồn ào vui vẻ theo dõi cuộc hội ngộ của Ngọc Hối và Kim Lài. Người ta biết rằng sau đám nói, Kim Lài đem sính lễ trả lại cho gia đình Ngọc Hối để gia nhập lực lượng thanh niên xung phong trả thù cho cha bị Mỹ - Diệm hành quyết một cách dã man bằng luật 10/59. Hối chấp nhận để vị hôn thê của mình ra chiến trường trả thù nhà đền nợ nước, và anh cũng thu xếp nối bước người yêu ra đi. Không ngờ hôm nay trong buổi liên hoan trọng đại, họ lại gặp nhau ở thời điểm vinh quang nhất của tuổi trẻ miền Nam. Ðó là chiến trường Gộc Xây, nơi “sắt thép thảy tan ra, nhưng con người đã đi qua được”. Kim Lài và Ngọc Hối bắt tay nhau và hai người cùng song ca bài “Bảo vệ mùa màng” của nhạc sĩ Trương Bỉnh Tòng: “Cùng nhau ra đi vần công xung phong gặt hái, đi bảo vệ lúa ta giết giặc giữ làng. Từng nơi xa nhà, từng nơi lúa vàng đem giấu. Không để hột lúa ta rơi vào đồn Tây. Anh dân quân du kích, đắp cản anh ngăn tàu, anh canh gác luôn đêm ngày, ngừa thằng Tây nó xúc lúa. Tôi xung phong gặt hái, gặt hái tôi giữ gìn. Tôi đem lúa nuôi quân mình, diệt thằng Tây xâm lăng. Cùng nhau ra đi vần công xung phong…”.

Tất cả hoan hô ầm ì với tiếng khen “Hay quá!”, “Hay quá!”, “Hát bài này nhờ thời kỳ 9 năm đánh Pháp quá, đề nghị hát lại”. Năm Ðoàn lên tiếng:

- Thôi, bài hay quá nhưng khỏi hát lại. Bây giờ để đồng chí Hối đọc bài thơ viết tặng Kim Lài. Bài thơ này tác giả viết đã lâu và phải thoát ly gia đình tham gia vào đơn vị Dân y dã chiến lên tuyến đường 1C mới tìm gặp lại “cố nhân”. Ðây là bài thơ có quá trình lịch sử như một bản tình ca của thành Troa - Hy Lạp.

Chú Năm Ðoàn dứt lời, tất cả lại vỗ tay nhiệt liệt. Ngọc Hối bắt đầu ngâm bài thơ tâm huyết của mình:

Hai đứa yêu trên đất Thị Tường,

Em hoàn sính lễ để tòng quân.

Anh buồn em lắm - mà không giận,

Suy nghĩ rồi, anh quyết theo em.

 

Em đã ra đi, biết đâu tìm,

Anh lần dấu cũ, kiếm ngày đêm.

Chắc nơi tuyến lửa là em đến,

 Nên anh lên Bảy Núi - Ba Hòn.

Thù giặc giết cha để tế cờ,

Bấy giờ hai đứa tuổi còn thơ.

Cha nhìn em dặn: con ngoan nhé!

Rồi lưỡi đao Mỹ Diệm chém đầu.

 

Nào ngờ hai đứa lại gặp nhau,

Ta là đồng đội mừng siết bao.

Thù xưa cùng hẹn hai đứa trả,

Trong mối thù dân tộc thương đau.

Sau khi Ngọc Hối đọc xong bài thơ, nữ Chánh ủy liên đội Trịnh Ngọc Châu bước ra đứng giữa hai bạn trẻ, giọng xúc động:

- Tình yêu và chiến tranh là hai mảng xung khắc nhau. Tuổi trẻ Việt Nam thời đại mang tên Bác Hồ đang chứng minh rằng tình yêu phải thắng chiến tranh. Và muốn thắng chiến tranh thì những người đang yêu và sẽ yêu phải biết hy sinh để giành chiến thắng cho nhân loại, cho dân tộc và cho tình yêu của chính mình. Nhà thơ Pap-lơ Nê-ru-đa đã viết: “Sinh mạng thật đáng quý. Tình yêu giá trị cao. Nhưng nếu vì tự do. Cả hai đều thể bỏ…”. Hai bạn Kim Lài và Ngọc Hối là hình ảnh của tình yêu thắng chiến tranh. Với chúng ta đây là một tấm gương chân thành và gần gũi, có thể noi theo để tìm hạnh phúc riêng mình trong khúc khải hoàn ca của dân tộc.

Cô Út Nhì nói xong, lấy tấm vải dù choàng trên vai mình khoác chung hai bạn Ngọc Hối và Kim Lài, hai bạn đẹp đôi trong tấm vải dù hoa dã chiến đứng cúi chào mọi người. Tiếng vỗ tay lại ầm ì như sóng biển.

(Còn tiếp)

 

Chia sẻ bài viết