19/04/2022 - 08:15

1C - con đường huyền thoại 

♦ Bút ký của Nhà thơ NGUYỄN BÁ

Chương ba mươi sáu

NHỚ LẠI CUỘC TRỪ GIAN

(Xem từ số báo ngày 22-12-2021)

Cơm nước xong rồi, chú Năm Bang cùng vệ sĩ đi công tác trên chiếc xuồng be tám hai chèo một dầm. Trước khi rời bến, các chú bắt tay nhau với những lời dặn dò thắm thiết tình đồng chí. Chú Năm Hạnh đêm này ở lại căn chòi cũ, tiếp tục nghiên cứu về công tác tổ chức…

Hai Nô - người của Tỉnh đoàn U3, nói nhiều, làm ít, lánh nặng tìm nhẹ. Giờ Khu ủy điều lên tuyến 1C thay cho đồng chí Út Nhì là một nỗi băn khoăn của nhiều anh em, mà ngay chính mình cũng chẳng yên tâm. Ðồng chí Út Nhì là nữ, tác phong có phần chậm, nhưng nhìn chung hoàn toàn phù hợp với chiến trường khó khăn, ác liệt. Ðồng chí là người chỉ huy thiết thân của Liên đội như một Chính ủy mưu trí và dũng cảm, như người chị hiền chăm sóc đàn em thơ, như người bạn động viên, cổ vũ nữ giới trong Liên đội hoàn thành mọi nhiệm vụ đề ra. Vì đơn vị nữ chiếm số đông, tác dụng đồng chí Út Nhì càng trở nên quan trọng. Nay đồng chí được rút về khu căn cứ, bổ nhiệm Hai Nô đến thay, hậu quả sẽ không lường được. Hơn nữa Liên đội trưởng là Năm Ðòi lại được điều về phụ trách Liên đội II. Sáu Dân đã hy sinh. Số cán bộ lãnh đạo Liên đội hiện còn chưa đủ sức thay thế. Tình hình này, đồng chí Bảy Lúa - Chính ủy Ðoàn 195 có lưu ý với Thường vụ Khu đoàn, nhưng ta chưa có cách giải quyết. Nay thì Hai Nô đã đến T90 để tiến hành giao nhận, và dù không muốn rời nhiệm vụ ở tuyến đường, đồng chí Út Nhì không còn cách nào khác hơn phải chấp hành nghị quyết… Vì thế Ban Thường vụ Khu đoàn đã thống nhất đưa Ba Nơi lên tăng cường. Ba Nơi nguyên là Bí thư Xã đoàn Khánh Lâm, từ năm 1961 rút bổ sung Ban Thanh vận huyện Mười Tế để đào tạo công tác Ðoàn. Năm 1964, trên rút Ba Sánh về Khu, Ba Nơi thay Ba Sánh làm Bí thư Huyện đoàn. Một quá trình vững chắc như vậy, Ba Nơi có thể thích hợp với chiến trường 1C ác liệt.

Miên man với những suy nghĩ ngược xuôi, được mất về công tác của mình phụ trách trước Ðảng và nhân dân, Năm Hạnh đi vào giấc ngủ một cách hồn nhiên. Ngoài rừng, trời đứng gió, sương phủ ngọn tràm, ngọn mốp với tiếng chim bắt muỗi và tiếng cú kêu cầm canh. Tiếng nai gọi bầy và tiếng chồn cáo cọc vồ mồi, tạo âm thanh của một đêm U Minh…

 

1.Trong tiềm thức của Năm Hạnh hiện lên thời điểm diệt ác phá kềm những năm trước và sau cuộc Ðồng khởi “trời long đất lở” ở khu căn cứ kháng chiến Cà Mau - Tây Nam Bộ. Bấy giờ, Bí thư Huyện ủy là anh Trần Thanh Nhã, cơ quan ở căn cứ rừng chồi mũi Ông Lục - một góc của đầm Thị Tường. Sau một cuộc hội nghị Huyện ủy mở rộng, đồng chí Bí thư Huyện ủy giữ lại hai cán bộ trẻ là Ba Trưa và Tám Lực (còn có biệt danh Tám Càm). Dưới một góc cây cách cứ không xa, ba anh em cùng ngồi trên lá rừng khô, đồng chí Bí thư Huyện ủy nói:

- Mỹ - Diệm thực hiện luật “Ngăn chặn hoạt động phá hoại” (Luật 10/59) Ngô Ðình Diệm thẳng tay đàn áp nhân dân. Hội nghị lần thứ XV của Ban Chấp hành Trung ương Ðảng Lao động Việt Nam khẳng định phong trào đấu tranh vũ trang ở miền Nam phải nổ ra để tự vệ đối với sự đàn áp của Diệm. Hội nghị lần thứ XVI của Trung ương Ðảng quyết định đường lối, phương châm, nguyên tắc, và chính sách hợp tác xã hội chủ nghĩa để chiến đấu với kẻ thù hùng mạnh. Phái đoàn viện trợ quân sự Mỹ (MAAG) tăng từ 327 người lên 685 người vào cuối năm 1960. Tháng 11 năm này, Kennedy đã thắng cử Nixon.

Nãy giờ, Ba Trưa lật sổ tay ghi chép, bỗng ngẩng đầu lên nhìn đồng chí Bí thư Huyện ủy, phát biểu:

- Mỹ - Ngụy hết sức tàn ác, nhưng Ðảng và nhân dân ta đâu dễ chịu thua, anh Sánh. Ðại tá lục quân ngụy Sài Gòn Nguyễn Chánh Thi, ngày 11 tháng 11 làm đảo chánh chống Diệm, bị thất bại, phải nhờ Kỳ cho máy bay bay sang tị nạn ở Phnôm Pênh. Tuy đảo chánh không thành công, nhưng cũng biểu hiện thái độ binh biến của bè lũ tay sai bán nước. Ngày 9-1 ta thành lập Hội Liên hiệp sinh viên giải phóng miền Nam Việt Nam.

Tám Lực:

- Kennedy vừa nhậm chức Tổng thống đã đề ra “Chiến lược phản ứng linh hoạt”, đặt Việt Nam làm nơi thí nghiệm chống du kích, bắt đầu chiến tranh đặc biệt ở Việt Nam. Chúng lập “Ủy ban chống nổi loạn” dưới quyền của Maxwell D. Taylor, Chủ tịch Hội đồng tham mưu liên quân Mỹ để thi hành chánh sách chống chiến tranh du kích, thành lập nhóm nghiên cứu chống du kích. Ngày 14-3-1961, Kennedy đưa ra đề án liên minh vì tiến bộ và ngày 11-5, Kennedy thú nhận đã đưa đơn vị đặc nhiệm Mỹ 400 người để đẩy mạnh tốc độ huấn luyện quân sự Nam Việt Nam.

Sáu Nhã:

- Ngày 17-4, Mỹ thất bại trong cuộc tấn công xâm lược Cu Ba, Mặt trận dân tộc giải phóng của ta kêu gọi các nước trên thế giới hãy chặn bàn tay tên giết người. Trước đặc điểm tình hình chung như vậy, tình hình trong tỉnh, trong huyện nhà hết sức khó khăn, bọn tề điềm, cảnh sát ác ôn ở các địa phương ngoi lên hoạt động đánh phá cách mạng. Thường vụ Huyện ủy chấp hành nghị quyết của Tỉnh ủy, tổ chức ngay những đơn vị trừ gian diệt ác, nhắm vào những phần tử phản động đã có bản án và bắt giáo dục cải tạo những phần tử có thể cải tạo hoặc tranh thủ được. Tôi đề nghị hai đồng chí có kế hoạch giải quyết từng bước bọn tề điềm trong vùng hành lang của căn cứ Huyện ủy.

Năm Hạnh:

- Báo cáo anh Sáu, chúng tôi đã khởi thảo kế hoạch từ lâu, có thể nói Ðoàn thanh niên lao động trong huyện nhà sẵn sàng chấp hành sự chỉ đạo của Ðảng, diệt ác trừ gian với phương châm lấy cải tạo giáo dục làm chính.

Tám Lực:

- Tôi đề nghị anh Sáu bàn với Thường vụ Huyện ủy cho chúng tôi sử dụng súng cạc-bin Mỹ và col 12 ly.

Sáu Nhã:

- Thường vụ Huyện ủy chấp nhận đề nghị của các đồng chí.

 

2.Tàu đò Mỹ Hạnh từ hướng Cà Mau chạy vào Giáp Nước. Trong tàu có một toán lính biệt kích mang sắc phục thủy quân lục chiến Mỹ. Hành khách và mấy bà thương buôn liếc nhìn mấy tên lính và sĩ quan trong toán biệt kích rồi nghiêng vào tai nhau nói chuyện thầm thì: “Bọn lính này coi quen quá, hình như tôi gặp ở đâu”. “Thấy sao để vậy, đừng có bép xép làm hại việc lớn”.

Chiếc tàu rẽ nước, bóp còi inh ỏi. Ðến những sân nhà có bầy trẻ và cụ già đứng chờ người nhà, tàu ghé bến, chất hàng hóa lên bờ. Tên trung úy nói: “Chủ tàu cho chúng tôi lên bờ ở đây”. Mọi người nhìn không rời mắt những tên lính biệt kích Mỹ mặc đồ rằn ri, bụng bán nghi bán tính.

Trung úy Phương dẫn toán biệt kích thám báo của mình vào nhà tên chủ ấp Sầm, một tên phản động, gây nhiều nợ máu với cách mạng và nhân dân. Trung úy nói:

- Này ông chủ ấp, theo báo cáo của ông, Thiếu tá Tỉnh trưởng Trần Thanh Bền lệnh cho tôi đưa lính đến đây bắt những tên Việt cộng nằm vùng mà ông đã chỉ điểm.

Chủ ấp Sầm:

- Ôi, mừng quá, mấy hôm rày tôi sốt ruột trông đợi Trung úy và các vị đến để ta xuống tay ngay, nếu không bọn chúng sẽ đổi vùng. Nhưng bây giờ để tôi làm gà, mua bia con cọp thết đãi Trung úy và quý vị cùng đi để tỏ rõ sự vui mừng của tôi đối với những người hùng sát Cộng.

Thiếu úy Long:

- Tôi là Thiếu úy Long, hân hạnh được gặp ông chủ ấp, một chiến sĩ diệt Cộng khét tiếng của chánh nghĩa Quốc gia. Tôi đề nghị Trung úy Phương và hai vị thượng sĩ cùng đi hãy dừng lại đây liên hoan chúc mừng chiến công của ông chủ ấp.

Qua câu nói của Thiếu úy Long, Trung úy Phương gật đầu tán thành, tất cả vỗ tay tỏ vẻ vui mừng hí hửng. Trong thời gian chờ gà nấu cháo, tên chủ ấp Sầm lấy một tờ giấy viết chữ chi chít trong chiếc cặp da bò, đem đưa cho Trung úy Phương, miệng xum xoe:

- Trung úy để mắt cho, ở mũi Ông Lục là căn cứ của Huyện ủy Cái Nước, tên Bí thư Huyện ủy Trần Thanh Nhã, còn gọi là Sáu Nhã thường trực tại đây. Y da trắng, người gầy, mắt sáng, giọng nói trầm hùng, văn chương lưu thoát, chánh trị thông thái. Y có một tổ bảo vệ gồm 2 súng cạc-bin và 1 trường max. Còn y thì trang bị cây col 12. Cây súng này do Phó Bí thư Tỉnh ủy là Sáu Chài trang bị. Tôi đã cho mật báo viên làm dấu những con đường đi vào cứ, nếu Trung úy tin tôi thì với lực lượng hiện có thế này cộng với hai trung đội “Bảo vệ hương thôn” của tôi chỉ huy, ta tổ chức ngay một cuộc biệt kích bắt sống Bí thư Huyện ủy Sáu Nhã và tiêu diệt đội bảo vệ của y. Sau đó ta đốt phá chòi trại và tịch thu vũ khí cũng như lương thực dự trữ. Tôi và Trung úy cùng Thiếu úy và nói chung những chiến sĩ cách mạng Quốc gia sẽ được Thiếu tá Trần Thanh Bền, hoặc Trung tướng Dương Văn Minh - Tư lệnh chiến dịch Thoại Ngọc Hầu trọng thưởng.

Trung úy Phương:

- Ông chủ ấp thật là “đa mưu túc trí”. Phần thắng chắc trong tay. Ta hãy ăn nhậu say sưa đi, rồi sẽ hạ sát tên Sáu Nhã chẳng muộn. Phần thưởng bằng tiền đô-la và huân chương “Anh dũng bội tinh” dành cho ông chủ ấp là một điều chắc chắn.

Trung úy vừa dứt lời, tất cả vỗ tay rôm rốp, cũng đúng lúc người nhà tên chủ ấp đưa con gà luộc và thùng bia lên bàn tiệc. Cuộc ăn nhậu bắt đầu. Tên chủ ấp tu một hơi nửa chai bia, ghé miệng vào tai Trung úy Phương:

- Thưa Trung úy, sau khi ta diệt Bí thư Huyện ủy và tịch thu chiến lợi phẩm rồi, lực lượng ta kéo ra ven rừng Mỹ Bình, đánh diệt căn cứ của Xã đoàn thanh niên Phú Mỹ do tên Năm Hạnh - Lê Văn Bình làm Bí thư. Chính nơi này dấy lên phong trào tuyên truyền xung phong mang danh nghĩa lực lượng giáo phái “Hòa Hảo dân xã chống Mỹ - Diệm” và cũng chính bọn này ngày đêm giả dạng thủy quân lục chiến đi diệt ác phá kềm. Có nhiều tay chủ ấp, chủ xóm, điềm chỉ, mật thám ngầm… bị chúng xí gạt, nên đã bị bắt đem đi cải tạo trong vồ Ông Thượng, do gánh Tám Bè giam giữ, hoặc bị giết, dập xác trong bìa rừng… Còn đối với tôi cái bọn Việt cộng trẻ trai non dạ như Năm Hạnh, Tám Lực… đừng hòng qua mắt tôi. Cái bọn này mà chạm mặt tôi là từ chết tới bị thương…

Trung úy Phương và Thiếu úy Long vỗ tay hoan hô những lời nói khoa trương và tự tin của ông chủ ấp. Họ cạn ly một lần nữa chúc mừng chiến công sắp diễn ra của ông chủ ấp.

     (Còn tiếp)

Chia sẻ bài viết