17/04/2022 - 22:27

1C - con đường huyền thoại

* Bút ký của Nhà thơ NGUYỄN BÁ

 

Chương ba mươi lăm
BÀN VỀ CÁN BỘ ĐOÀN

(Xem từ số báo ngày 22-12-2021)

 

Khu rừng tràm U Minh Hạ sầm uất và uy nghi với những vồ Ông Thượng, vồ Dơi, lung Chuối Nước, kinh Dương Hòa II và kinh Ðứng. Cơ quan Khu Ðoàn thanh niên dời từ vùng nước mặn Ðầm Dơi về rừng tràm xây căn cứ mới ở đầu kinh Ðứng giáp kinh Hàng Gòn thuộc xã Khánh Lâm, huyện Mười Tế, thuộc vùng giải phóng, tỉnh Cà Mau.

Trong những căn nhà sàn gỗ tràm, văn phòng Khu đoàn bố trí làm việc tinh gọn, khẩn trương với nhiều máy chữ, phòng y tế, phòng làm việc cho cán bộ, hội trường, nhà ăn, trạm bảo vệ… Phương tiện đi lại công tác và cải thiện sinh hoạt, bảo vệ cơ quan bằng xuồng ba lá. Các vệ sĩ, có những thiếu niên dưới mười tám tuổi cũng tình nguyện làm nhân viên cơ quan đi liên lạc và làm chiến sĩ bảo vệ. Cơ quan Khu đoàn chan hòa trong không khí sôi nổi, trẻ trung, lạc quan và kiên cường chiến đấu. Trong một căn chòi nhỏ dành cho Ban lãnh đạo hội họp, Bí thư và Phó Bí thư Khu đoàn cùng trao đổi về công tác tổ chức bên chiếc bàn chông chênh bằng những cây tràm con ghép lại. Một vệ sĩ bưng bình trà đến:

- Bữa nay chị Ga mua trà Trung Quốc ở tiệm Chín Thời về đãi hai anh đó.

- Uống trà này bàn ra chuyện lắm đó. Hoan nghinh mấy cô chú!

Chú Năm Hạnh và chú Năm Bang đều mặc bà ba đen, khăn rằn quấn cổ, dây thắt lưng có gắn súng nhỏ và lựu đạn cùng sắc-cốt treo bên vách chòi. Sổ tay được mở ra với những hàng chữ chi chít, đặc những chữ viết tắt bằng ký hiệu: T3, U1, Mười Tế, Năm Cứng, Tư Kháng, Chín Nam, Chín Hòn, Tám Biển, Bảy Ðiền… đánh dấu một thời kháng chiến bằng những ký hiệu chung thuộc vùng đất, cơ quan và những ký hiệu riêng, ai ghi nấy biết. Hai chú nhìn vào sổ tay của mình rồi vừa uống trà vừa trao đổi những vấn đề quan trọng thuộc công tác tổ chức cán bộ. Chú Năm Hạnh nói:

- Theo ý kiến chỉ đạo của đồng chí Bảy Thạng, Phó Bí thư Khu ủy, kết thúc đợt 3 ở trọng điểm 1 - Cần Thơ, thì Ðại đội Tây Ðô quyết thắng và Ðại đội Vĩnh Trà do Hai Tân và Tư Bay chỉ huy được điều lên tuyến 1C giao cho Năm Ðoàn phụ trách.

Chú Năm Bang:

- Vấn đề này hôm hội nghị Khu ủy mở rộng ở Cái Học, đồng chí Tư Mau có bàn với tôi. Ta cần có 1.000 hoặc ít nhất 800 lực lượng thanh niên xung phong mới có thể chuyển mấy vạn tấn hàng từ Ki-ri-vong về Tây Nam Bộ được.

- Theo báo cáo của đồng chí Út Nhì và Năm Ðoàn, anh chị em thanh niên xung phong trên tuyến 1C qua hai mùa mưa nắng và đụng đầu liên tục với hai sư đoàn địch - Sư 9 và Sư 21 ngụy, cùng nhiều lực lượng liên quân Việt - Mỹ, quân dù dự bị phủ Tổng thống và các trường huấn luyện quân sự ở Chi Lăng, Cây Ðiệp, Trà Nóc đều tập trung để “Bóp nghẹt” và “Tìm diệt” lực lượng ta. Nhưng thời gian qua, kết quả của cuộc đọ sức quá chênh lệch này, lạ lùng thay phần thắng lại thuộc về tuổi trẻ Tây Nam Bộ.

- Ta không thể ngờ Hải tặc, Thống con, Sơn ròm… nói chung là mấy chú nhóc vẫn ngoan cường công tác và chiến đấu cùng các anh chị, lại lập được thành tích và chiến công, được Liên đội biểu dương. Hải tặc pháo kích cùng khẩu đội Sáu Phước. Thống con cỡi trâu đưa đồng chí Hai Văn - Phó Bí thư Trung ương Cục vượt qua biên giới Vĩnh Tế an toàn để về T3 chỉ đạo tổng tấn công và nổi dậy từ tết Mậu Thân đến nay.

- Ðể phát huy tinh thần chiến đấu và nâng cao nhận thức về lý tưởng cách mạng cho tuổi trẻ tuyến đường, Ban chỉ huy Liên đội đề nghị chúng ta gởi thêm tài liệu học tập phù hợp với lứa tuổi mà hội nghị Trung ương Ðoàn năm kia đã gợi ra.

- Tài liệu của đồng chí Chín Ðào biên soạn “Thanh niên sống ngang tầm thời đại” đã được vận dụng vào các lớp tập huấn chính trị vừa qua, tạo được hiệu quả thiết thực. Hiện nay Ban chỉ huy Liên đội đề nghị ta tóm kết nội dung sách của Ni-cô-lai Ô-xtơ-rốp-xki và sách “Viết dưới giá treo cổ” của Giu-li-út-phu-xích… gởi lên cho anh em làm nội dung giáo dục cho đội ngũ trẻ đang ngày đêm khiêng vác trên chiến trường ác liệt.

- Anh Năm còn nhớ lúc chuyển hướng, lớp trẻ của mình cũng được tập huấn ý chí và dũng khí cách mạng bằng tài liệu này. Ngày nay đối với thanh niên, hình ảnh Coóc-sa-ghin sinh năm 1904, mất năm 1936, với “Thép đã tôi thế đấy” vào những năm 1932, 1934 đã trở thành thần tượng của bộ phận tuổi trẻ nhân loại với bao nhiêu thể tài tác phẩm văn nghệ. Bấy giờ, nhiều bạn gái gọi những chàng trai mà họ tín nhiệm bằng cái tên thân thương “Ba-ven”. Hạnh phúc biết bao, chúng ta có Páp-ca Coóc-sa-ghin, người bạn của chúng ta, người thầy của chúng ta, sức mạnh và niềm tin quyết chiến quyết thắng của chúng ta. Con người này cho ta cảm giác tự hào về Tổ quốc vĩ đại và ta sẵn sàng hy sinh để bảo vệ Tổ quốc mình.

- Nhà du hành vũ trụ đầu tiên I-u-ri Ga-ra-rin cho rằng cuộc đời của Ni-cô-lai Ô-xtơ-rốp-xki mãi mãi là ngọn hải đăng sáng rực đối với thanh niên Liên Xô trong cuộc chiến tranh vệ quốc và giờ đây là động lực mãnh liệt đối với tuổi trẻ Việt Nam trong cuộc chiến tranh giải phóng đất nước. Tôi đồng ý tóm kết tài liệu này chuyển gấp về Ban chỉ huy Liên đội, coi như chúng ta góp phần trang bị một thứ vũ khí bách chiến bách thắng mà đồng chí Bí thư Khu ủy Nguyễn Thành Thơ đã dặn dò lúc trực tiếp chỉ thị thành lập Liên đội.

Lúc hai cán bộ lãnh đạo Khu đoàn đang say sưa trao đổi, thì ở cơ quan tiếng máy chữ vang lên đều đặn, reo vui như chim hót. Những vệ sĩ dùng vá đắp hầm chống pháo từ biển hoặc từ các căn cứ Sông Ðốc, Rạch Ráng, Tắc Thủ, Nổng Cạn giao hỏa tới. Tại đây một đội tự túc được hình thành, Khu đoàn làm ruộng và căng ni lông giữ chuột, bảo vệ lúa. Bữa cơm chiều đầm ấm với những thức ăn từ nguồn cá, thịt rừng U Minh Hạ. Rượu chuối, rượu nhào được pha chế trong những cái soong giấu ngoài bờ tràm, tỏa mùi thơm ngào ngạt trong buổi liên hoan, để sau đó chia tay mỗi người mỗi ngả về địa bàn được phân công của mình khắp miền Tây Nam Bộ.

(Còn tiếp)

 

Chia sẻ bài viết