13/04/2022 - 10:42

1C - con đường huyền thoại

* Bút ký của Nhà thơ NGUYỄN BÁ

 

Chương ba mươi ba

CÔ VÂN BỊ BẮT

(Xem từ số báo ngày 22-12-2021)

3. Trên đường điều lực lượng 3 đại đội thanh niên xung phong từ Tràm Dưỡng đi về Cái Sắn, mất 2 nữ chiến sĩ là Năm Diệu và Tư Vân, đơn vị nào cũng buồn. Họ nhớ lúc sống chung nhau. Từ lập Liên đội Thanh niên xung phong đến nay, có chết nhiều, nhưng không có bị giặc bắt sống. Tư Đức cán bộ Liên đội và Hai Hồng cán bộ Đại đội vừa đi, vai khiêng vác như anh chị em, vừa tranh thủ trao đổi ý kiến chỉ đạo, để còn về báo cáo cho T90. Chú Tư Đức nói:

- Hai Hồng ơi, sao ám hiệu trên nóc nhà dì Sáu Cảnh (bà già mua mật ong) là bình yên, mà hai cô vừa đi tìm bà để xin mớ rau muống bên ao nhà, bị bọn lính bắt liền.

- Chắc tụi nó ém trước, bà già không hay hoặc có điềm điệp báo tin, tụi nó thay ám hiệu lúc nó khống chế bà già.

- Nè, Hai Hồng. Chỗ đại đội Mai Thanh Thế có nghi vấn gián điệp đó nghen. Bữa tải hàng bằng xe trâu, nó cho trực thăng đến bắn mấy con trâu, cũng là bữa nó đón bắn gánh Tư Bay, Hai Tân đi Bình Sơn mua gạo, làm bị thương 6, 7 đứa phải đại phẫu thuật kịp thời mới sống. Nhờ có anh Chín Tần lên, chớ gánh Bảy Sách thì có chết vì bị thương nặng mà chờ họ nhận chữa là máu ra cạn, chết.

- Thôi đừng nói, mất lòng bè bạn, cũng chung một gánh 1C thôi, 195 hay Liên đội Thanh niên xung phong

là một.

- Nhưng gánh anh Bảy Sách ảnh nguyên tắc lắm!

- Biết rồi! Thôi, ta có gánh Chín

Tần rồi!

Hai anh em vác nặng mà đi như không, họ quen rồi. Đêm của họ là cuộc hành quân vạn năng cho sinh mệnh của cả miền Tây Tổ quốc yêu dấu. Đêm nay có trăng treo, đoàn người vác nặng đi dọc đìa lờ mờ, mạnh mẽ như bài hát “Đoàn quân ma” vậy: “Vì nước suốt canh thâu trong đêm tàn chân lần đi âm thầm, bủa vây âm thầm, đi giăng lối quanh muôn bóng. Này hỡi lũ đế quốc rung lên, rung lên chúng bây đã đến ngày bại vong…”.

Như từ cánh rừng thưa vắng mà âm u, đưa ra khúc hát “Đoàn quân ma” kỳ ảo. Sương xuống ướt lá, ướt cỏ trên mặt đường. Mồ hôi chiến sĩ rịn qua tóc rơi xuống mặt lăn dài. Tư Đức nói tiếp với Hai Hồng:

- Hai Hồng, thấy mấy đại đội mình có xuống tinh thần không?

- Dễ gì! Hai bạn Vân, Diệu bị bắt, họ buồn lắm. Tôi còn buồn mà. Nhớ thương con Vân 16, con Diệu 17 mà ca hát hò lờ, múa quá vui. Con Vân ở nhà tên Phùng Thị Há, trùng tên trùng họ nghệ sĩ lừng danh của hãng dĩa ASIA thầy Năm Tú đó nghen. Bà Phùng Há tuyệt diệu lắm mà.

- Ờ thì con Vân nó trùng tên, họ nên nó để chữ “Thị” vô. Nó dân An Biên, Rạch Giá, vô đại đội Hòn Đất. Khi tới Huyện đoàn được kết nạp Đoàn cùng mấy cô khác rồi mới lên Đại đội tôi đây. Nó bắt chước ai đặt hò vè hay lắm: “Gió năm non thổi lòn hang dế. Hòn Đất mình kề Mai Thanh Thế mới vui. Ví dầu mình có thương tui. “Ba khoan” xin nhớ… Hò ơ “Ba khoan” xin nhớ chớ thụt lùi một khoan hò ơ”.

Lúc không tìm hiểu được gì, Tiểu khu Rạch Giá kêu hai cô Vân và Diệu tha bổng. Thằng cảnh sát dặn:

- Hai em ơi, lớn chút nữa đẹp lắm đó nghen, về lấy chồng, đừng có theo mấy thằng Việt cộng tanh hôi đó nghen!

Cô Tư Vân đáp trả:

- Xin lỗi thầy. Thả chị em tôi thì lệnh trên của thầy, nhưng còn đi theo ai là lệnh của chị em tôi!

- Thôi thôi, hai cô về giùm đi, nói một lát dân chúng họ lại đông thành cuộc mít tinh “chết mẹ” tôi bây giờ.

Tên cảnh sát chưa kịp trao giấy tự do cho cô Diệu và cô Vân. Đi một chút, hắn sực nhớ, cầm hai tấm giấy quay lại thì hai cô đã xuống đò.

4. Thanh niên xung phong tuyến 1C ở đâu cũng được dân tin cậy và yêu mến. Lúc đó có khẩu hiệu “Đi dân nhớ, ở dân thương” rồi. Cô Út Nhì cứ nhắc nhở các đại đội phải làm như vậy mới tồn tại, vì rừng dân mới vững chắc, chớ rừng cây nơi đây thưa thớt và bỏ lõm, bỏ khoang khó tồn tại nổi với phương tiện chiến tranh hiện đại của quân thù.

Chú Tám Xà Bam, chú Sáu Vệ Tinh, chú Chín Cà Rèm, chú Ba Đầu Sọ, má Năm Mật Ong, má Lơi Cốm Giẹp… là lòng dân vùng Bảy Núi - Ba Hòn - Vĩnh Tế - Hà Tiên cưu mang đùm bọc chở che cho thanh niên xung phong. Con em của bà con ở đây, phá rào ấp chiến lược, ấp tân sinh, ra theo thanh niên xung phong. Vùng căn cứ Tỉnh ủy ở Tây Yên - Thanh Yên - Xẽo Kè - Xẽo Cạn cũng gởi con em vào thanh niên xung phong. Sự có mặt của thanh niên xung phong là yêu cầu thiết yếu của Cách mạng miền Nam Tây Nam Bộ để đánh bại cuộc “Chiến tranh cục bộ” do Mỹ rầm rộ đổ quân sang bằng sự góp sức khiêng vác vũ khí và chiến đấu bảo vệ vũ khí. Đồng thời sự có mặt của thanh niên xung phong tuyến 1C được Tỉnh ủy Kiên Giang - Long Châu Hà đánh giá cao, sẵn sàng hậu thuẫn mọi mặt.

Từ những nơi giặc đánh đập điều tra, 2 cô Tư Vân, Năm Diệu đồn ra, hai chị tuổi mười mấy, nhỏ xíu mà gan dạ, khôn ngoan quá trời. Đám sĩ quan và lính cũng thán phục hai cô Việt cộng này làm cho uy tín thanh niên xung phong càng lên cao, đơn vị rất tự hào về chiến sĩ trẻ của mình.

Chú Tư Đức, chú Hai Hồng và các cô chú chỉ huy 3 đại đội Hòn Đất - Tây Đô - Mai Thanh Thế, lấy gương bất khuất của hai cô Vân - Diệu làm bài học thực tế.

*   *   *

Cô Diệu về nhà trị bệnh. Chúng đánh chấn thương nặng quá, cứ ho ra máu và đi lại khó khăn, nên gia đình giữ lại điều trị. Cô Vân đỡ hơn, về tới nhà trình diện với gia đình xong, cô liền đến cơ quan Tỉnh đoàn nhưng cô không rõ nguyên tắc của ta lúc đó là phải cắt liên lạc với người bị giặc bắt mới thả về. Thường thì giặc giao nhiệm vụ gián điệp cho người được chúng thả ra. Nên Tỉnh đoàn Kiên Giang tìm cách xa lánh cô Vân, không cung cấp tin tức thanh niên xung phong giờ ở đâu.

Bấy giờ, 3 đại đội thanh niên xung phong do Tư Đức chỉ huy sau đợt vận chuyển thành công mấy chục tấn hàng từ T90 về Cái Sắn giao nhận đạt yêu cầu thời gian và khối lượng. Được đoàn 195 và Ban Chỉ huy Liên đội cho về An Biên nghỉ lấy sức. Nơi đây có rừng tràm cao lớn, nước ngọt và dân đông. Đây là quê hương cô Tư Vân, nơi cô đem nhiệt tình thiếu nữ gia nhập đơn vị Hòn Đất nổi danh một thời. Nào ngờ ở tù về, không rõ vì sao đi tới đâu đều bị tránh né. Cô Tư Vân hỏi:

- Dì Hai ơi, nghe nói gánh thanh niên xung phong về đóng trong hậu rừng mình hả dì?

- Dì không được biết việc đó,

cháu gái!

- Mấy anh chị em ra chỗ dì đây nhờ mua gạo, thuốc mà?

- Đâu có cháu. Gạo dì mua để ăn đi gác kèo ong năm tới đó!

Vân nhìn mấy bao gạo, lòng buồn vô hạn. Vân không biết nói sao cho dì Hai tin. “Mà dù dì Hai có tin mình, thì tập thể thanh niên xung phong đâu có tin. Vậy coi như đời mình “tàn” rồi. Bị bắt có một lúc mà mình bị bỏ rơi, bị loại trừ rồi. Sao các chú, các cô, các anh chị lại không “nắm sát tình hình” gì cả”. Suy nghĩ một lát, Vân chạy lại rỉ tai Dì Hai:

- Con viết lá thư, dì chuyển cho anh Tư Đức giùm con nghen.

- Thì con cứ viết, rồi để coi có ai đó tới chỗ nó ở mọi khi, dì gởi cho!

Cô Tư Vân mặt ỉu xìu, vào xin con gái dì Hai trang giấy và mượn cây viết, cô chậm rãi ghi từng chữ:

“Anh Tư, anh Hai và các anh chị em thương yêu của em. Ba bị giặc giết từ khu rừng tràm Bang Biện Phú một cách dã man. Rồi bà con thân tộc của em cũng bị giặc hành hình. Từ căm thù không đội trời chung với giặc em gia nhập thanh niên xung phong mà phải cước lên 3 tuổi! Khi rơi vào tay giặc, chị Năm Diệu và em tỏ rõ ý chí bất khuất của người chiến sĩ thanh niên xung phong đem lại vinh quang cho đơn vị. Vậy mà nay các anh chị tránh mặt em là sao? Thôi từ nay em từ biệt các anh chị, em làm ăn tốt và sẽ tìm công tác đơn vị khác hoặc địa phương thích hợp để làm. Nhớ các cô chú Năm Đoàn, Út Nhì… Nhớ các Bác Tư Mau, Tư Khánh, Bảy Lúa… Các bác các chú, các cô không còn tin, không còn thương em nữa thì em biết làm sao?? Em đi tìm đơn vị mình xuôi ngược khắp nơi, đến đâu cũng bị cảnh giác. Em kính chúc anh Tư, anh Hai luôn mạnh khỏe, góp sức chiến đấu hoàn thành nhiệm vụ.

TB: Nếu anh hai gặp chú Năm Đoàn, cô Út Nhì cho em kính lời thăm.

Em của anh hai anh: TƯ VÂN và DIỆU”.

Bà già tiếp liệu chính bà dì Hai của cô Vân, đem lá thư tâm huyết cho Tư Đức và Hai Hồng vào chiều hôm đó. Hai anh lén lén đồng đội đọc mà khóc mò, nước mắt chảy xuống nhòe lá thư. Hai hôm sau, từ Ban tổ chức Rạch Giá, chuyển lá thư Chi bộ nhà giam Kiên Giang, xác nhận hai nữ chiến sĩ thanh niên xung phong là Vân và Diệu khi bị bắt tra khảo và khi vào tù rất tốt, không khai báo và không nhận việc của giặc.

Hai anh rất phấn khởi, báo tin cho Ban Chỉ huy Liên đội. Và chủ trương tìm lại cô Vân không còn thời hiệu nữa. Cô đã tìm con đường “trả thù nhà, đền nợ nước” bằng cách khác.

Mất Tư Vân trong Liên đội Thanh niên xung phong là một điều đáng tiếc mà thiệt hại lớn là từ phía ta. Ban Chỉ huy Liên đội giấu việc cô Vân tìm kiếm xin vào đơn vị cũ công tác mà bị từ chối, vì sợ các chiến sĩ thanh niên xung phong khác phản ứng.

Mọi việc khiêng vác lại bắt đầu vào hoàng hôn.

Trong lúc chờ đêm tối để vận chuyển hàng. Hải tặc buồn nhớ những bạn bè chung đơn vị đã dần mất đi, nhất là Hồng Láng người chị cùng quê hương của nó, người đã từng “ác chiến” với nó trên cánh đồng mía năm nào. Nó dựa mình vào gốc tràm to nhất, vắt giò chéo quảy rồi xuất khẩu thành thơ. Hải tặc ngâm nga:

“Chiều chiều rời khỏi Gộc Xây

Hoàng hôn khiêng vác, lòng đây rộn ràng

Bên kia voi ngựa xếp hàng

Bên này trâu với một đàn thanh niên…”

Trời đất quỷ thần ơi, đúng là thơ Hải Tặc.

(Còn tiếp)

Chia sẻ bài viết